Dạy thêm - học thêm: Nếu xấu sẽ tự bị đào thải

Hồng Đào

(Dân trí) - Phải chăng chúng ta đang quá khắt khe với nhà giáo khi thầy cô làm thêm với chính nghề của mình?

Con trẻ "bạc mặt" vì học thêm

Thời gian không có dịch bệnh Covid-19, ở các đô thị lớn người viết đã từng chứng kiến cảnh học sinh ăn, học ngay trên xe cha mẹ chở. Vào đầu buổi sáng, buổi trưa, hoặc tối, không khó gặp cảnh những cô cậu học trò ngồi sau xe cha mẹ chở tranh thủ lấy sách, vở ra học. Nhìn hình ảnh đó, nhiều người nhận ra ngay học trò không còn thời gian để học bài, chứ không phải là các em siêng học bài.

Vào mùa thi giữa học kỳ, cuối học kỳ, cuối năm, tình trạng này càng phổ biến hơn. Phụ huynh có con đang học trung học cơ sở khi được đề cập về vấn đề này cho rằng con anh còn rất ít thời gian học bài ở nhà. Sáng hơn 6 giờ ra khỏi nhà đến trường, chiều và tối học thêm, tối sớm cũng phải hơn 21 giờ mới về đến nhà, cơm nước sớm cũng 22 giờ mới xong. Thực tế có không ít những lớp học thêm kết thúc vào thời điểm 21 giờ.

Giáo viên tiểu học một trường ở thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) trong buổi họp phụ huynh đã từng lên tiếng mong cha mẹ học sinh cho con học thêm ít thôi. Thầy giáo cho biết, trong lớp có nhiều em sáng học ở trường, chiều học nhà thầy, tối học Toán, Tiếng Việt ở nhà giáo viên có tiếng khác, rồi học tiếng Anh ở trung tâm, học tiếng Anh tăng cường tại trường, học năng khiếu, võ… Thầy bảo, nhìn học trò học tối mặt tối mũi mà thương.

Dạy thêm - học thêm: Nếu xấu sẽ tự bị đào thải - 1

Vào mùa thi giữa học kỳ, cuối học kỳ, cuối năm thì tình trạng này càng phổ biến hơn (Ảnh minh họa: Pinterest).

Người quen của tôi có con học lớp 7 chia sẻ, con chị hàng tuần phải có 3 ngày ăn qua loa dọc đường để vào trung tâm học tiếp tiếng Anh. Theo chị, học tiếng Anh ở trường chỉ là lấy điểm số, chứ trình độ khó có thể đạt theo tiêu chuẩn quốc tế và vào đại học sẽ rất khó khăn khi môn học này luôn đòi hỏi cao. Rút kinh nghiệm đứa con đầu chỉ học chương trình ở trường, lên đại học cháu phải mất nhiều thời gian với môn học này nên chị đầu tư cho con thứ hai học ở trung tâm ngay từ năm đầu bước vào lớp 1.

Nhân viên bảo vệ các trường học không lạ gì cảnh phụ huynh mua đồ ăn sẵn tranh thủ cho con ăn sau buổi học chiều rồi tất tả chở con đến lớp học thêm nhà cô, trung tâm Anh ngữ học tiếp.

Anh N.V.H - nhân viên bảo vệ tại một trường học ở Đồng Nai nói: "Nhìn những đứa trẻ chỉ lớp 2, lớp 3, mới trống tan trường là cha mẹ chờ sẵn, thay vội quần áo trong trường, cho ăn qua loa, lên xe đi học tiếp. Học nhiều sáng ngủ dậy trễ nên nhiều học sinh vừa đi đến trường vừa ăn, không ít em trống vào lớp vẫn chưa kịp ăn, vào lớp phải xin thầy cô cho ăn vội vài miếng. Trẻ con thời nay học hành khổ thật".

Đúng là bữa ăn của trẻ đang rời từ nhà ra đường để tiết kiệm thời gian, rút ngắn quãng đường đến trường. Tranh thủ ngồi trên xe ăn, ăn vội ăn vàng trước khi vào học ban đêm… Nhìn vào lịch học của trẻ con ai cũng phải ngao ngán, thương con trẻ. Khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành phải dạy trực tuyến thì học sinh THCS, THPT lại lao vào học thêm trực tuyến. Học chính khóa đã mệt các em càng mệt hơn khi suốt ngày nhìn vào máy tính, điện thoại.

Thực tế cho thấy, chương trình hiện hành hơi nặng. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến không ít phụ huynh mong muốn cho con phải vào trường tốp này trường tốp nọ, trường chuyên, trường "có tiếng", trường điểm nên không đi học thêm không theo kịp, không đạt được kỳ vọng và họ cho con cái lao vào cuộc đua học thêm.

Các nhà giáo dục cho rằng, trẻ cần phải có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi để cân bằng việc học. Việc cha mẹ học sinh cho con học thêm quá nhiều đã vô tình tạo áp lực vô cùng lớn lên con trẻ.

Dạy thêm - học thêm nếu xấu sẽ tự bị đào thải

Nếu nói dạy thêm - học thêm đang tràn lan khắp nơi thì đó là những nhận định phiến diện. Có chăng chỉ là ở các khu vực thành thị còn nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, gia đình khó khăn, thu nhập thấp, học sinh đi học đã là mừng. Những lớp học thêm ở đây tìm đỏ mắt cũng không thấy.

Ở góc độ người trong cuộc, thầy giáo T.B (Đồng Nai) tâm tư: "Dạy thêm - học thêm ở nơi này, nơi kia gây bức xúc trong xã hội do một số thầy cô o ép, "đì" học sinh để mở lớp dạy thêm tại nhà. Dạy thêm có nhiều mặt tốt như cho học sinh thêm kiến thức vững vàng, giáo viên tăng thu nhập. Thực tế giáo viên mới ra trường có thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng, thua cả công nhân. Các ngành nghề khác được làm thêm với chính nghề của mình, tại sao giáo viên lại không được?".

Dạy thêm - học thêm: Nếu xấu sẽ tự bị đào thải - 2

Phải chăng chúng ta đang quá khắt khe với nhà giáo khi thầy cô làm thêm với chính nghề của mình? (Minh họa: Ngọc Diệp).

Điều thầy giáo trên đặt ra cũng là tâm tư của nhiều giáo viên khi đồng lương nhà giáo dù đã được nhà nước quan tâm song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về đời sống của thầy cô giáo. Nhiều thầy cô phải bươn chải bằng nghề tay trái để nuôi nghề tay phải. Không ít giáo viên phải sống nhờ vào kinh tế của chồng hay vợ.

Thực tế, ở đô thị không phải giáo viên nào muốn dạy thêm là được. Các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân lấy ai đi học. Cách nay không lâu, một trường THPT ở Đồng Nai tổ chức ôn tập cho học sinh thi THPT quốc gia nhưng phải ngậm ngùi bỏ lớp vì học sinh đăng ký không đủ số lượng 1 lớp với môn Giáo dục công dân.

Ở thái cực ngược lại, những môn chính có thi cử tuyển sinh đầu cấp vào lớp 6, lớp 10, đại học như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Anh văn thì đất dạy thêm quả là quá màu mỡ.

Ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), phụ huynh có con học THCS râm ran chuyện thầy giáo dạy Toán có thu nhập "khủng" vài trăm triệu đồng khi những ca học với lớp dạy thêm đông nghẹt. Hay việc mỗi đầu hè, phụ huynh phải vất vả đi lấy phiếu để đăng ký cho con học thêm ở nhà giáo viên có tiếng tăm. Thầy cô giáo có chuyên môn, kinh nghiệm nhiều được phụ huynh tin tưởng gửi gắm con mình là nhu cầu chính đáng và giáo viên làm bằng nghề của mình không thể nói là xấu được.

Dư luận cho rằng, giáo viên không dạy hết kiến thức trên lớp chính khóa để kéo, ép học sinh về lớp dạy thêm của mình. Đó chỉ là số ít, một con số mà ngành nghề nào cũng có, không riêng nghề giáo.

Khách quan mà nói, do chương trình hiện hành hàn lâm, thi cử nặng nề, học sinh cần phải bổ sung, nâng cao kiến thức và lớp học thêm đáp ứng điều đó. Các thầy cô giỏi không bao giờ có những thủ thuật hay ý đồ không đẹp để lôi kéo học trò học thêm.

Lớp học thêm của cô V.T.H, cô H.T.T.N, thầy N.T.V… ở Đồng Nai có mặt hầu hết học sinh các trường trên địa bàn thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Phụ huynh tin tưởng, giáo viên tận tâm, thầy cô giáo sống được bằng nghề và cũng nhờ dạy thêm nhiều lớp học sinh đã đỗ đạt, học cao, thành đạt.

Phải chăng chúng ta đang quá khắt khe với nhà giáo khi thầy cô làm thêm với chính nghề của mình? Giống như bao ngành nghề khác, tay nghề không giỏi, không vững vàng chuyên môn, thiếu cái tâm thì sẽ bị tự đào thải, dạy thêm học thêm cũng không phải là ngoại lệ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm