Bạn đọc viết:

Dạy học online: Giáo viên trầm cảm vì bị phụ huynh soi quá kĩ

(Dân trí) - Học online thầy cô đâu chỉ giảng cho mỗi học trò mình nghe. Phía sau các em là rất nhiều thành viên gia đình cùng tham dự. Chỉ cần một lỗi nhỏ của thầy cô cũng bị phụ huynh soi rồi chê không tiếc lời.

Những ngày này, chủ đề về dạy học online đang là đề tài phổ biến. Đi đến đâu người ta cũng bàn tán, bình luận về chuyện dạy và học online hiện giờ.

Nhiều lỗi nhỏ rất bình thường của thầy cô cũng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của mọi người. Thậm chí, có phụ huynh còn gọi điện tới tận trường yêu cầu đổi giáo viên dạy học liền cho con cái của mình.

Dạy học online: Giáo viên trầm cảm vì bị phụ huynh soi quá kĩ - 1

Mỗi lời ăn, tiếng nói của thầy cô đều phải chỉn chu, chuẩn mực.

Năm nay, tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp nên việc dạy online là ưu tiên hàng đầu. Thầy cô chuyển từ giảng dạy trực tiếp sang dạy học trực tuyến.

Thực ra, năm học trước giáo viên (GV) cũng đã làm quen với cách dạy học này rồi. Thầy cô có thể dạy qua Zoom, Google meet…Tuy nhiên đến giờ, GV vẫn gặp không ít những khó khăn, căng thẳng khi dạy học trực tuyến trong mùa dịch.

Phải nói dạy học trực tuyến, GV vất vả vô cùng. Từ việc thiết kế bài giảng đến việc tương tác cùng trò sao cho nhịp nhàng là cả một vấn đề. Mỗi lời ăn, tiếng nói của thầy cô đều phải chỉn chu, chuẩn mực.

Bởi lúc này thầy cô đâu chỉ giảng cho mỗi học trò mình nghe. Phía sau các em là rất nhiều thành viên gia đình cùng tham dự. Chỉ cần một lỗi nhỏ của thầy cô cũng bị phụ huynh soi rồi chê bai không tiếc lời. Chính vì vậy mà GV thường rất áp lực. Không ít thầy cô bị stress, trầm cảm cũng vì bị soi quá kĩ đến từ phía phụ huynh.

Một chị bạn đồng nghiệp của tôi từng bị stress, mất ngủ cũng vì bị phụ huynh soi quá kĩ. Thực ra chuyện cũng chẳng có gì lớn. Chỉ là chuyện chị nhắc mấy lần mà trò không chịu tắt mic. Bực mình, chị có hơi lớn tiếng nhắc nhở học trò. Vậy mà chuyện bé, xé ra to. Phụ huynh bênh con rồi nặng lời trách cô giáo không có kĩ năng Sư phạm trong dạy học... rằng cô như thế thì dạy trò làm sao. Thôi thì, chị bạn tôi chỉ biết khóc vì buồn thôi.

Một chị hàng xóm gần nhà tôi đang dạy Tiểu học cũng từng khóc rất nhiều vì buồn và tủi thân. Chị bảo rằng dạy học trực tuyến khiến chị mệt mỏi vô cùng. Việc tập làm quen với công nghệ khiến chị vô cùng vất vả. Chị đã phải cố gắng rất nhiều rồi. Từ việc nhờ vả đồng nghiệp đến việc mày mò trên mạng để học hỏi.

Tuy nhiên, khi dạy học, chị vẫn rất lúng túng khi xử lí sự cố. Thật không ngờ, tuần vừa rồi BGH thông báo phụ huynh vào trường yêu cầu đổi GV dạy từ chị. Chị buồn và áp lực vô cùng trong những ngày này.

Bản thân tôi cũng từng áp lực vô cùng trong những ngày đầu khi dạy học trực tuyến. Mình giảng dạy mà có quá nhiều người cùng "dự giờ". Lúc nào cũng phải chỉn chu từ kiến thức đến lời nói. Làm sao để bài giảng cuốn hút các em. Làm sao để giờ học không gặp phải sự cố. Làm sao để phụ huynh không phản ánh…Những nỗi lo mơ hồ ấy, nhiều khi khiến tôi mất ăn, mất ngủ vì mệt mỏi.

Ngoài việc giảng dạy thì chấm bài trực tuyến cũng khiến thầy cố áp lực vô cùng. GV thường chấm qua file PDF, hoặc file ảnh. Ở khâu này, phía phụ huynh thường ý kiến rất nhiều. Họ thương con, bênh con nên thường trách móc thầy cô trong việc chấm bài. Không ít phụ huynh còn can thiệp quá sâu vào điểm số của con. Chấm dễ hay khó đều bị bắt bẻ. Thôi thì, GV áp lực vô cùng với muôn vàn lí do đến từ phía phụ huynh.

Thời điểm này, dịch Covid còn diễn biến phức tạp. Việc trở lại trường của các em chưa biết ngày nào. Giờ chúng tôi chỉ mong sao, phụ huynh chân tình góp ý những vấn đề chưa hài lòng trong việc dạy và học chứ đừng chì chiết, soi thầy cô quá kĩ như vậy. Bởi suy cho cùng người thiệt thòi nhất trong thời điểm này vẫn là học trò thân yêu của chúng ta. Tất cả chúng ta cùng cố gắng vì tương lai con em chúng ta phụ huynh nhé!

Loát Trần (Tây Ninh)

Mọi ý kiến đóng góp của độc giả về giáo dục, xin gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cám ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm