Giảng viên dạy online lo "vạ miệng" sau nhiều vụ bị tung clip lên mạng
(Dân trí) - Chưa đầy một tuần, liên tiếp xuất hiện các clip làm lộ những chuyện không đẹp trong các lớp học trực tuyến như thầy đuổi trò, mắng sinh viên "óc trâu", khiến không ít giảng viên thêm căng thẳng.
Giảng viên thêm áp lực lo "vạ miệng"
Ngày 17/9, dư luận bức xúc với clip thầy giáo ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đuổi một sinh viên ra khỏi lớp học trực tuyến và có lời nói được cho là xúc phạm người khác.
Vụ việc chưa kịp lắng xuống, hôm 21/9, facebook lại chia sẻ về một đoạn clip ghi lại tiếng giảng viên quát tháo và mắng sinh viên là "óc trâu" trong lớp học trực tuyến. Phía ĐH Bách khoa TPHCM thừa nhận người thầy gây bức xúc trong clip là giảng viên của trường, sự việc đã được giải quyết ổn thỏa từ cuối tháng 8.
Ở góc độ người dạy, nhiều giảng viên lo ngại việc ghi âm, ghi hình lớp học rồi phát tán lên mạng xã hội càng khiến người dạy thêm tâm lý căng thẳng. Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, giảng viên ngành Công nghệ thông tin, ĐH Văn Hiến thừa nhận việc những clip xuất hiện gần đây ít nhiều cũng khiến cô lo lắng.
"Trong clip do các em sinh viên đưa lên không phải là toàn bộ câu chuyện mà chỉ là một phần, lát cắt nhỏ trong một giờ giảng, hoàn toàn không thể hiện bản chất của cả quá trình mà giảng viên trao đổi kiến thức với học trò", cô Diệu Anh chia sẻ.
Giảng viên này cho rằng xét ở góc độ nào đó, thầy cô giáo như cha mẹ, luôn muốn học trò của mình tốt hơn nên thường nghiêm khắc.
"Thực tế có sinh viên ỷ lại và hời hợt, buộc giảng viên ngay từ đầu phải nghiêm khắc để các em có ý thức học tập tốt hơn. Việc giảng viên không kiềm chế cảm xúc, la mắng với lời lẽ nặng nề là điều không nên, cần phải xem xét lại mình", nữ giảng viên bày tỏ quan điểm.
Nhiều giảng viên cho biết, so với dạy trực tiếp, môi trường online khó hơn rất nhiều. Ở đó, giảng viên không có môi trường tương tác, đối mặt với chiếc máy tính. Người giảng không biết học trò có tiếp thu được hay không, có điểm gì chưa hiểu.
Trong bối cảnh không thuận lợi đó, người dạy thường bị căng thẳng, dễ mất kiềm chế. Điều này đòi hỏi sự cảm thông, san sẻ ở cả người học thay gì "tố" lên mạng.
Một giảng viên giấu tên chia sẻ học trực tuyến cả thầy và trò đều rất vất vả, vận dụng đủ các loại ứng dụng hỗ trợ sao cho trao đổi giữa hai bên thông suốt. Có khi đường truyền mạng chập chờn sinh viên không hiểu phải giảng nhiều lần khiến bản thân giảng viên có tâm lý ức chế.
"Nhiều lúc căng thẳng rất sợ mình "vạ miệng" nói điều không hay, sơ sẩy lại bị đưa lên mạng. Cả ngày dạy xong cảm thấy áp lực, mệt rã rời".
Cần gấp rút xây chế tài trong dạy học trực tuyến
Thạc sĩ Diệu Anh cho rằng cần có quy tắc ứng xử đối với giảng viên và người học. Cô không đồng tình với cách người học đưa lên mạng những nội dung ghi lại trong các buổi học online.
"Xuất phát điểm của việc ghi lại buổi giảng nhằm phục vụ cho sinh viên, hỗ trợ cho người học xem lại bài giảng nhưng vô tình đây lại trở thành cái để sinh viên đưa lên mạng để đánh giá lại thầy cô" - thạc sĩ nói.
Theo nữ giảng viên này, nếu sinh viên cảm thấy người giảng dạy có thái độ chưa đúng nên có trao đổi trực tiếp, hoặc phản ảnh với cán bộ quản lý của khoa, trường để có sự điều chỉnh phù hợp.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng cần một bộ quy tắc ứng xử cho lớp học trực tuyến để quy định, để làm rõ đâu là những việc mà thầy, trò nên hay không nên làm. Theo ông, phát tán video của lớp học trên mạng xã hội, là việc không nên làm.
PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa TPHCM nhìn nhận, việc các video lớp học online tung lên mạng gần đây là điều nhà trường cần xem xét đến giải pháp. Từ đầu năm học trường quy định tất cả bài giảng lớp học trực tuyến đều được ghi lại và cập nhật trên hệ thống e-learning để sinh viên có thể xem lại bài giảng bất cứ lúc nào.
Ông Phúc cho biết nhà trường đang có kế hoạch xây dựng bộ quy tắc ứng xử nói chung trong thời gian tới, đặc biệt một phần dành một phần riêng cho dạy học trực tuyến. Bộ quy tắc này sẽ là khung chung về trách nhiệm của nhà trường, giảng viên và người học, đặc biệt nhấn mạnh về thái độ ứng xử. Trên cơ sở này, các bên cùng thực hiện và nhà trường có cơ sở xử lý kỷ luật trong tình huống cần thiết.
Sau những sự cố xảy ra gần đây, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng cân nhắc đến những quy định dành cho việc ứng xử cả thầy và trò trong giai đoạn này.