Chuyện dạy online "giờ mới kể": Thầy cô chật vật gấp đôi, gấp ba
(Dân trí) - Việc dạy học trực tuyến, bắt buộc giáo viên phải có kịch bản nhiều gấp đôi, gấp ba so với dạy trực tiếp trên lớp.
2 tiết học dạy ra gần 3 tiếng
Sau khi dịch Covid-19 tạm thời được khống chế, học sinh Hà Nội và nhiều tỉnh thành đi học lại, phụ huynh phấn khởi gọi là ngày "giải phóng phụ huynh".
Tuy nhiên, không chỉ bố mẹ, học sinh được "giải phóng" trong những ngày nghỉ dịch dài đằng đẵng mà cả thầy cô giáo cũng phấn khởi không kém khi được trở lại dạy trực tiếp ở lớp.
Cô Ngô Thị Như Quỳnh, tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Nghĩa Dũng 3 (Bắc Giang) nhớ lại, ngay sau khi có thông tin dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, 2 ngày sau, Trường THPT Nghĩa Dũng 3 (Bắc Giang) học trực tuyến.
Dạy trực tuyến vất vả hơn trực tiếp, mỗi buổi giáo viên dạy 2 tiết nhưng cô toàn phải kéo dài đến 2 tiếng hoặc 2 tiếng rưỡi vì nhiều sự cố bất khả dĩ.
Chẳng hạn, gọi học sinh trả lời nhưng em không nghe thấy, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Có khi đường truyền bất ổn, cô nói trò không nghe nên mất thời gian chỉnh sửa mãi mới được…
Cũng theo cô Quỳnh, dạy trực tuyến, việc soạn giáo án cầu kì, tỉ mỉ, cụ thể hơn nên mất rất nhiều thời gian.
"Nếu dạy trên lớp, thầy cô chỉ cần nhìn mặt đã biết học sinh có hiểu không nhưng dạy trực tuyến rất khó.
Trong khi đó, giáo viên không có nhiều thời gian gọi tất cả học sinh phát biểu xem các em hiểu tới đâu vì mỗi buổi chỉ dạy tối đa 2 tiết thôi", cô Quỳnh cho hay.
Thầy Phạm Văn Giang, giáo viên Vật lý, Trường THPT Nghĩa Dũng 3 cũng cho biết, để dạy học trực tuyến, thầy cô phải vất vả gấp đôi, gấp 3 để chuẩn bị giáo án powerpoint, kiểm tra đường truyền kết nối và nhiều công việc khác.
"Nhiều người cho rằng, giáo viên "áp" giáo án dạy trực tiếp ở lớp vào dạy trực tuyến nhưng chúng tôi khẳng định, không thể làm được như vậy bởi dạy trực tuyến thời gian ngắn hơn, cần tập trung một số kiến thức chứ không thể dàn trải như dạy trên lớp.
Thậm chí thầy cô phải tìm tòi, áp dụng một số cách thức để học sinh làm bài trắc nghiệm ngay trên màn hình.
Đặc biệt, thầy cô sau khi soạn giáo án powerpoint, phải gửi lên nhóm chung của Ban giám hiệu duyệt mới được dạy", thầy Giang cho biết.
Thầy Vũ Văn Thưởng, giáo viên bộ môn Toán của Trường THPT Nghĩa Dũng 3 cũng thừa nhận, dạy trực tuyến thầy cô vất vả hơn dạy trực tiếp trên lớp rất nhiều, từ việc soạn giáo án đến cách thức dạy. Hầu như buổi học nào, giáo viên cũng đều phải dạy quá giờ so với thực tế.
Dạy online còn gặp khó
Thầy Trần Đình Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Nghĩa Dũng 3 (Bắc Giang) cho biết, năm nay, hơn 800 tiết học trực tuyến đã được thầy cô nhà trường giảng dạy.
Trước đây dạy trực tiếp dễ dàng và quen hơn nhưng bây giờ dạy qua phần mềm, thầy cô phải thay đổi cách thức, thậm chí phải chuẩn bị nhiều hơn vì không chủ động được các tình huống.
Về phía học sinh, để việc học online hiệu quả, ngay từ đầu nhà trường chia nhóm học sinh theo trình độ để giảng dạy. Sau mỗi buổi học, các em phải chụp ảnh vở ghi bài để thầy cô kiểm tra. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ kiểm soát được phần nào.
Đánh giá việc dạy/học trực tuyến, thầy Nam cho hay, học sinh top đầu cơ bản đáp ứng khoảng 95%- 98%. Với nhóm học sinh yếu, các em chỉ tiếp thu được khoảng 50%- 60%.
Cũng theo hiệu trưởng này, năm học 2020-2021, dù học sinh đã đi học trở lại nhưng nhà trường vẫn xây dựng bài dạy trực tuyến hỗ trợ thêm cho bài học trực tiếp ở lớp.
Cụ thể, ngoài việc dạy trực tiếp trên lớp, giáo viên vẫn giao bài, giải đáp thắc mắc học sinh qua hình thức trực tuyến.
Ngoài ra, nhà trường khai thác một số ứng dụng khác trong Office 365 để quản lý sổ sách, giáo án điện tử… nhằm giảm thủ tục hành chính.
Thầy Nam thừa nhận, việc dạy học online cũng gặp một số khó khăn như: năng lực học sinh không đồng đều, một số em thiếu ý thức trong học tập nên còn bỏ tiết, thầy cô ít tương tác được với học sinh như trực tiếp trên lớp, cha mẹ học sinh chưa đủ điều kiện thiết bị cho học tập…
Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 11A4 của trường này cho hay, em vừa học trực tiếp ở trường vừa học trực tuyến.
"Học trực tuyến ở nhà khá chật chội. Đặc biệt học lâu, em rất mỏi mắt nên học trực tiếp vẫn thích hơn", Linh cho hay.
Được biết sau khi trở lại trường học tập trung, trường này sẽ rà soát kết quả học tập để phụ đạo kiến thức cho nhóm học sinh yếu.