“Đau đầu” vì thi cử
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc, nhiều học sinh đã tự đến hoặc được cha mẹ đưa đến các bệnh viện, trung tâm tham vấn tâm lý vì có biểu hiện stress kéo dài, suy nhược thần kinh, cơ thể, rối loạn giấc ngủ hoặc các bệnh lý tâm thần.
Áp lực vì ý nghĩ "phải đỗ"
Em A.T ở TP Biên Hòa, vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT đã điện thoại đến Trung tâm tham vấn tâm lý Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 nhờ giúp đỡ. Em hết sức mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng quá mức cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới. A.T cho biết, suốt mấy năm học THPT em đều là học sinh khá. Gia đình có hai chị em, chị gái T hiện đang là sinh viên của một trường đại học có uy tín ở TPHCM nên gia đình rất kỳ vọng vào A.T. Do áp lực căng thẳng của quá trình ôn thi tốt nghiệp vừa qua, cộng với sự kỳ vọng quá mức của gia đình và chính bản thân mình nên A.T dần rơi vào trạng thái stress, không thể tập trung học tập, mệt mỏi và có những dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ.
Còn H.Y 11 tuổi, nhà ở TPHCM, học sinh vừa học xong tiểu học, chuẩn bị bước vào lớp 6. H.Y là một học sinh ngoan, giỏi suốt 5 năm học tiểu học. Mục tiêu của cha mẹ là em phải vào được một trường nổi tiếng của thành phố. Do vậy, cha mẹ H.Y cho rằng đây là giai đoạn rất quan trọng, không những em phải đạt kết quả cuối năm thật giỏi mà cần phải chuẩn bị kỹ hành trang cho các năm học tiếp theo.
Học xong lớp 5, H.Y vẫn không được nghỉ hè, miệt mài đến các lớp học thêm và tự ôn tập ở nhà dưới sự giám sát của mẹ. Cường độ và thời gian học cao cộng với việc không có thời gian nghỉ ngơi hợp lý khiến em rơi vào trạng thái chán ăn, mệt mỏi, đêm hay ngủ mơ… Gần đây, em xuất hiện tình trạng lo âu quá mức.
Không nên lo lắng, kì vọng
Sau kỳ thi là lúc các em vắt kiệt sức, rơi vào trạng thái căng thẳng và suy nhược. Vì thế, các em hãy loại bỏ lo lắng về kết quả, về sự kỳ vọng. Các em đừng quá quan tâm đến điều đó nữa. Tâm lý được giải tỏa và hết lo lắng sẽ giúp các em lấy lại tinh thần, thoát khỏi các áp lực quá căng thẳng. Con đường đi của các em còn dài, không chỉ có mỗi kỳ thi mà các em vừa trải qua. Vì vậy, các em nên tĩnh tâm và ổn định tinh thần để bước tiếp con đường của mình.
Đối với các em vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và chuẩn bị thi ĐH, hãy có thời gian nghỉ ngơi hợp lý và củng cố lại tinh thần cho mùa thi tiếp theo. Chúng tôi đã từng gặp trường hợp có em suốt ngày học ôn trên lớp luyện thi, tối lại về học bài đến 2-3 giờ sáng. Như vậy, không những ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của mình, mà nhiều em còn rơi vào trạng thái rối loạn giấc ngủ, stress. Việc học như vậy còn ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi mà các em đang chuẩn bị trải qua. Bên cạnh việc ôn thi, các em cần có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Chính yếu tố thoải mái mới là chất xúc tác giúp các em có năng lượng ổn định tinh thần cho kỳ thi tiếp theo.
Trước và sau kỳ thi, dù có quá kỳ vọng vào con cái, các bậc cha mẹ cũng không nên bộc lộ những kỳ vọng đó một cách mạnh mẽ quá. Nếu bộc lộ, vô tình điều đó sẽ chuyển thành những áp lực cho các em. Nhiều bậc cha mẹ khi con cái không làm được bài lại chì chiết hoặc mắng chửi các em. Điều đó tạo cho các em nhiều áp lực vì đã không hoàn thành được kỳ thi, lại mất chỗ dựa tinh thần là cha mẹ mình. Đã có những em rơi vào trạng thái phản ứng stress và khủng hoảng với ý nghĩ tự tử bởi cha mẹ la mắng khi không thành công trong học tập hoặc kết quả thi cử không tốt.
- Các em đừng bao giờ ngồi một chỗ lo lắng về những gì đã xảy ra. Điều đó rất có hại và càng tạo cho các em nhiều áp lực. Các trạng thái rối loạn lo âu, trầm cảm thường chờ đến giai đoạn này là khởi phát. Hãy hoạt động! Khi lao vào các hoạt động xã hội và vui chơi..., các em sẽ lấy lại được năng lượng tinh thần đã mất quá nhiều vào thời gian ôn thi. - Nhiều cha mẹ thường so sánh con mình với bạn nọ bạn kia, điều này càng tạo cho các em mặc cảm và chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống. Cha mẹ hãy tạo ra một môi trường gia đình hòa thuận và vui vẻ, luôn thoải mái, giúp các em tự lựa chọn con đường của mình.
- Với các em đang chuẩn bị thi đại học, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến các em nhiều hơn, đặc biệt là chuẩn bị chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp cho các em có một sức khỏe tốt, một tinh thần minh mẫn. Đừng ép buộc các em ôn thi quá nhiều. Các em đã trải qua 3 năm học THPT miệt mài, thời gian này là lúc ôn tập lại kiến thức. Nếu ép buộc các em học tập căng thẳng quá sẽ không hiệu quả. |