Dấu ấn khoa học Việt trên trường quốc tế năm 2019
(Dân trí) - Năm 2019, nền khoa học nước nhà có không ít gương mặt nhà khoa học xuất sắc lọt top các nhà khoa học tiêu biểu nhất của châu Á, tiêu biểu của thế giới hay trích dẫn nhiều nhất thế giới.
Hai nhà nghiên cứu Việt trong top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á 2019
GS Nguyễn Thanh Liêm và TS Nguyễn Thị Hiệp trong danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á vừa được tạp chí khoa học Asian Scientist công bố.
Tạp chí Asian Scientist (Singapore) vừa công bố danh sách 100 nhà nghiên cứu tiêu biểu châu Á năm 2019, trong đó có hai nhà khoa Việt Nam là GS Nguyễn Thanh Liêm và TS Nguyễn Thị Hiệp.
Tạp chí giới thiệu tóm tắt thành tích giáo sư Liêm là bác sĩ phẫu thuật nôi soi khoa Nhi hàng đầu, là người Việt Nam đầu tiên thực hiện phẫu thuật nội soi cho trẻ vào năm 1997, người đầu tiên thực hiện ghép thận và gan tại bệnh viện trẻ em Việt Nam.
Ông còn là giám đốc Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec. Mới đây ông công bố nghiên cứu chấn động về giải trình tự gen người Việt. Với những thành tích đáng chú ý trong những năm qua, giáo sư Liêm từng được trao giải thưởng Nikkei châu Á cho khoa học và công nghệ.
Gương mặt thứ hai lọt vào danh sách là TS Nguyễn Thị Hiệp, làm việc tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM. Năm 2018, nữ khoa học từng nhận giải thưởng L'Oréal - UNESCO dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc dưới 40 tuổi, với nghiên cứu loại keo có thể dùng để chữa các loại vết thương khác nhau, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo mô.
Đây là năm thứ tư Asian Scientist công bố danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á. Năm 2018, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (khoa Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM) được tạp chí Asian Scientist đưa vào mục các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Hóa học, còn PGS.TS Nguyễn Sum (ĐH Quy Nhơn) thì ở lĩnh vực Toán học.
Năm 2017, PGS Lê Thị Kim Phụng (Đại học Bách khoa TP.HCM) cũng được lọt tốp này ở lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Năm 2016, Việt Nam có hai nhà khoa học nữ được lọt vào bảng xếp hạng này là TS Trần Liên Hà Phương (Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM) và TS Đặng Thị Oanh (Đại học công nghệ thông tin - Đại học Thái Nguyên).
Hơn 40 nhà khoa học gốc Việt trong danh sách trích dẫn nhiều nhất thế giới
Theo xếp hạng của tạp chí PLoS Biology, hơn 40 nhà khoa học gốc Việt thuộc 100.000 nhà khoa học thế giới có trích dẫn nhiều nhất.
Tạp chí PLoS Biology vừa công bố một danh sách 100.000 nhà khoa học trên thế giới được xếp vào nhóm "most-cited scientists" (được trích dẫn nhiều nhất).
Tác giả của công bố này là nhóm Metrics của John Ioannidis (Đại học Stanford, Mỹ). Nhóm tác giả dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến 2017 của gần 7 triệu tác giả. Họ lọc ra 100.000 người đứng hàng "most cited".
Trong danh sách 100.000 nhà khoa học trên có hơn 40 nhà khoa học gốc Việt, hiện làm việc ở các trường đại học trên thế giới.
Trong số này có nhiều người quen thuộc như GS. Nguyễn Văn Tuấn, nhà khoa học y khoa chuyên về dịch tễ học và di truyền loãng xương, ông là nghiên cứu viên chính tại viện Garvan, Úc.
Một số nhà nghiên cứu thuộc danh sách "ảnh hưởng nhất thế giới" như PGS. Nguyễn Xuân Hùng, người lần thứ 5 lọt vào danh sách top các nhà khoa học thế giới có tầm ảnh hưởng. Như GS.TS Nguyễn Thục Quyên, là giảng viên khoa học và hóa sinh của Đại học California, Santa Barbara, Mỹ. Bà tập trung nghiên cứu về các dụng cụ điện tử hữu cơ như quang điện, led.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng là Giám đốc Viện Nghiên cứu liên ngành (CIRTECH), Đại học công nghệ TP.HCM (HUTECH). Ông là người Việt Nam duy nhất 5 năm liên tiếp lọt top 1% các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2018 vừa được tổ chức Clarivate Anlysis công bố.
Ông tập trung vào phát triển các công cụ tính toán mạnh và mô phỏng trên máy tính, đang được ứng dụng vào lĩnh vực cơ kỹ thuật, cơ sinh học, vật liệu.
GS.TS Nguyễn Sơn Bình làm việc tại khoa hóa Đại học Northwestern, Mỹ. Lĩnh vực ông tập trung nghiên cứu là thiết kế vật liệu mềm dành cho ứng dụng trong hóa học xúc tác, y học và khoa học vật liệu.
10 người Việt trong top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới
Ngày 26/9, TS Lê Văn Út (Trưởng phòng quản lý phát triển khoa học-công nghệ và Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Đại học Tôn Đức Thắng) cho biết, Việt Nam có 10 nhà khoa học được tìm thấy trong top 100.000 (chính xác là 106.369) nhà khoa học hàng đầu thế giới. Cụ thể như sau:
1. PGS Trần Xuân Bách - Giảng viên Viện đào tạo y tế dự phòng Đại học Y Hà Nội.
2. TS Thái Hoàng Chiến - Nghiên cứu viên Nhóm cơ học tính toán Đại học Tôn Đức Thắng.
3. GS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo Đại học quốc gia Hà Nội.
4. GS Nguyễn Văn Hiếu - Phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa.
5. GS Phan Thanh Sơn Nam - Trưởng khoa kỹ thuật hóa học thuộc Đại học Bách Khoa (Đại học quốc gia TP.HCM).
6. TS Trần Đình Phong - Trưởng khoa Khoa khoa học cơ bản và ứng dụng Đại học Việt-Pháp.
7. PGS Lê Hoàng Sơn - Phó giám đốc Trung tâm tính toán hiệu năng cao, Đại học quốc gia Hà Nội.
8. TS Phạm Việt Thành - Giám đốc nghiên cứu, Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, Đại học Phenikaa.
9. GS Nguyễn Thời Trung - Viện trưởng Viện khoa học tính toán, Phó chủ tịch Uỷ ban đạo đức khoa học, Đại học Tôn Đức Thắng.
10. GS Phạm Hùng Việt - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững, Đại học quốc gia Hà Nội.
Ông Lê Văn Út cho biết, thống kê này của nhóm tác giả John P. A. Ioannidis, Jeroen Baas, Richard Klavans, và Kevin W. Boyack trong công trình “A standardized citation metrics author database annotated for scientific field” được công bố trên Tạp chí “PLOS Biology” (Mỹ) - tạp chí ISI với chỉ số ảnh hưởng (IF) là 9.163.
Dữ liệu mà công trình trên sử dụng là Cơ sở dữ liệu Scopus thuộc Nhà xuất bản Elsevier.
Tính đến năm 2018, Scopus thống kê công bố khoa học từ 24.702 tạp chí hàng đầu thế giới và 6.123 kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có uy tín.
Tại công trình trên, nhóm tác giả đưa ra kết quả rất quan trọng và thú vị về 3 danh sách 100.000 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới thông qua trích dẫn khoa học và các chỉ số trắc lượng khoa học từ Cơ sở dữ liệu Scopus.
Danh sách 1 (S4) là danh giá và đáng chú ý nhất, đánh giá thành tựu trọn đời của các nhà khoa học tính tới cuối năm 2017; Danh sách 2 (S1) đánh giá thành tựu 22 năm cuối của nhà khoa học từ tháng 1/1/1996 đến 31/12/2017.
Tuy nhiên không có bất kỳ nhà khoa học nào quốc tịch Việt Nam được liệt kê trong hai danh sách nay. Dù vậy, có nhiều nhà khoa học quốc tịch nước ngoài -gốc Việt được vinh danh trong cả hai danh sách trên.
Danh sách 3 (S2) là danh sách đánh giá đẳng cấp mang tính “tức thời” của các nhà khoa học; chỉ phân tích dữ liệu trích dẫn của năm 2017. Việt Nam vinh dự có ít nhất 10 nhà khoa học vào danh sách này.
Lệ Thu
(Tổng hợp)