Đạt điểm 10 môn Văn có thực sự khó?

(Dân trí) - Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2005, sau hàng chục năm im lìm, điểm 10 môn Văn mới xuất hiện trở lại với bài thi của thí sinh Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh Quốc học - Huế. Một năm sau, thí sinh <a href="http://www6.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/8/133891.vip">Hoàng Thuỳ Nhi</a> khi thi vào ĐH Đà Nẵng lại đạt 10 môn Văn.

Những bài văn điểm 10 đó đã được đưa ra mổ xẻ để xem xét chúng có gì giống nhau và đạt được điểm 10 môn Văn có thực sự khó?

Thực ra, vào năm 2003, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH Thái Nguyên cũng có một thí sinh đạt điểm 10 môn Văn. Tuy nhiên, điểm 10 này đã nhanh chóng bị chìm đi và hầu như không có mấy người biết đến. Phải đến hai năm sau, tức là vào thời điểm năm 2005, các điểm 10 văn mới được nổi lên như một hiện tượng “lạ” khuấy lên trong dư luận một làn sóng mới về dạy và học môn Văn. Cũng trong năm 2005, ngoài bài văn của Thu Trang, đã có 2, 3 thí sinh khác đạt điểm 10 môn Văn.

Điều kiện quyết định để giành được điểm 10 môn Văn?

Theo phân tích đánh giá của các giáo viên - những người trực tiếp đặt bút cho điểm 10 bài thi Văn thì để đạt được kết quả cao trong môn Văn, bài thi của thí sinh không cần phải đạt được một cái gì quá đặc sắc, quá khác biệt hay phải thể hiện một năng khiếu khác thường về môn Văn. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức, câu chữ mạch lạc, rõ ràng và đủ ý.

Tuy nhiên, môn Văn cũng là một môn học hết sức đặc thù nến muốn đạt được điểm tối đa, thí sinh cần phải có cảm xúc thực sự khi làm bài. Cùng đó, sự sáng tạo là yếu tố không thể thiếu trong các bài văn đạt điểm 10.

Trong lời nhận xét của cả hai người chấm bài văn đạt điểm 10 của thí sinh Hoàng Thuỳ Nhi thi vào ĐH Đà Nẵng năm 2006, Thạc sĩ Lê An Vinh và Thạc sĩ Lương Vĩnh An (giảng viên khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Đà Nẵng) đều cho rằng đó là một bài làm hoàn chỉnh cả 3 câu, nếu áp với đáp án của Bộ thì vẫn còn thiếu một vài ý nhỏ. Nhưng bù vào đó, là sự cảm thụ văn học rất tốt, tư duy mạch lạc, chất văn bay bổng, cảm xúc dồi dào, đặc biệt giàu sáng tạo.

So với đáp áp của Bộ, bài làm chưa đạt tuyệt đối 100%. Nhưng sự sáng tạo trong tư duy, ngôn ngữ, xúc cảm văn chương... thì thật đáng ngạc nhiên. Chữ viết đẹp, câu cú rành mạch. Đọc câu một thì chỉ nghĩ đó là một thí sinh học thuộc bài, nhưng càng đọc càng không tin đó là một bài làm của thí sinh trong thời hạn 180 phút!

Còn đối với bài văn đạt điểm 10 của Nguyễn Thị Thu Trang thi vào ĐH Huế năm 2005,  thầy Phạm Phú Phong, cán bộ chấm thi, giảng viên Khoa Ngữ văn trường ĐH Khoa học Huế cho biết: Bài thi có 15 trang, chữ đẹp, to, chuẩn, hai câu đầu của bài thi rất chính xác, đạt điểm tối đa của đáp án (7 điểm). Ở câu 1, thí sinh trình bày còn hay hơn đáp án. Giọng điệu của bài văn rất am hiểu vấn đề và tự tin. Đây là bài viết của thí sinh có tài, có tư chất và khả năng nghiên cứu. Những câu trích dẫn được bỏ trong ngoặc kép chính xác. Thí sinh nắm rất vững kiến thức.

 

Theo thầy thầy Ngô Văn Thư và thấy Đào Văn Phán (giảng viên khoa Văn ĐH Sư phạm Thái Nguyên - những người được mời chấm môn thi Văn cho HVCSND năm đó) thì đó là một bài viết trôi chảy, có cảm xúc. Trong điều kiện phòng thi với thời gian 3 tiếng thì đó là một bài làm rất hoàn hảo.

 

Toàn bộ bài làm được triển khai gần như đáp án, rất chặt chẽ và người viết tỏ ra rất thông minh. Người viết cũng đã thể hiện được năng khiếu văn chương: có được những cảm nhận tinh tế và từ cảm nhận của riêng mình, biết khái quát phục vụ yêu cầu mà đề bài nêu ra. Do đó, dù có một đôi khiếm khuyết nhưng bài làm vẫn xứng đáng đạt điểm 10.

Hầu như tất cả học sinh hiện nay đều quan niệm môn Văn là một môn học khó có điểm 10. Vì thế, phần lớn các em tập trung cho các môn khác, còn Văn chỉ mong lấy điểm trung bình và thường xem nhẹ môn Văn.

ẽ ra, phải xem việc đạt điểm 10 Văn là rất bình thường.Các bài văn điểm 10 cũng như những nhận xét của hội đồng chấm thi nên được đăng tải trên báo chí để học sinh có thể thấy niềm tin, dẫu “mơ hồ” rằng Văn cũng có thể đạt điểm cao và để xoá tan định kiến trong các thầy cô, giúp các thầy cô có thể “nương tay” hơn khi cho điểm tuyệt đối.

Thực ra trong hướng dẫn chấm môn Văn, ở tất cả các kì thi, không có quy định nào hạn chế giáo viên cho điểm tối đa. Thậm chí quy định còn nêu rõ cho phép người chấm có thể cho thêm điểm thưởng cho những bài viết có tính sáng tạo. Nhưng trong thực tế, rất ít khi giáo viên “dám” cho điểm 10 môn Văn. Một trong những lý do chính là vì môn văn phụ thuộc rất nhiều vào chủ quan người chấm. Dù có đáp án và biểu điểm chi tiết cũng khó mà đo đếm cụ thể câu chữ, ý tứ, văn phong… của bài viết cho chính xác ( điều này khác hắn với các môn khoa học tự nhiên). Giáo viên luôn nghĩ là bài của thí sinh khó mà đạt yêu cầu được điểm tối đa. Vì thế, muốn cho điểm tối đa với môn Văn,  người chấm cũng phải rất có bản lĩnh và trình độ.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia giáo dục thì cùng với những “sự kiện” đáng nhớ nổi lên trong cách dạy và học môn văn liên tục trong một năm trở lại đây thì điểm 10 môn Văn trong thời gian tới sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn. Cùng với cách ra đề như hiện nay, chỉ cần trả lời đúng, đủ ý là sẽ được điểm cao. Hơn nữa, đây là một kỳ thi tuyển sinh ĐH chứ không phải là một kỳ thi học sinh giỏi nên điểm 10 môn Văn cũng không phải là một chuyện quá khó khăn, quá thách thức đối với thí sinh.

M.M

Dòng sự kiện: Tư vấn thi các môn