Đào tạo tín chỉ, nhiều trường vẫn…hụt hơi
(Dân trí) - Theo ấn định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2009-2010, tất cả các trường đại học sẽ phải chuyển đổi sang hình thức đào tạo học chế tín chỉ. Nhiều trường đại học tỏ ra hụt hơi với mục tiêu này, và nếu có gượng ép chuyển đổi thì cũng như “bình mới, rượu cũ”…
Đào tạo theo học chế tín chỉ là 1 trong 7 bước đi quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020. Tại hội nghị tổng kết năm học 2007-2008 được tổ chức qua cầu truyền hình ngày 27/8, một lần nữa Bộ GD-ĐT đốc thúc các trường nhanh chóng chuyển sang hình thức đào tạo tín chỉ, và phải bắt đầu triển khai đồng loạt từ năm 2009-2010.
Chuyển đổi theo kiểu gượng ép
Về chuyển đổi hình thức đào tạo niên chế sang tín chỉ, một số lãnh đạo trường ĐH, CĐ vẫn còn băn khoăn trước thời hạn được ấn định này, bởi thời gian 1 năm không đủ cho nhiều trường, nhiều ngành đào tạo “biến không thành có” ngay được, cho dù trước đó họ đã có nhiều động thái chuẩn bị tích cực.
Một khảo sát của Bộ GD-ĐT cho thấy, rào cản lớn nhất để chuyển đổi đào tạo niên chế sang tín chỉ là đội ngũ cán bộ giảng dạy ở nhiều trường còn quá thiếu và… yếu. Ngay chính các trường ĐH, CĐ đã có “thương hiệu”, có bề dày lịch sử thuộc hệ thống công lập hiện vẫn còn “đau đầu” với việc xây dựng đội ngũ có trình độ thì với các trường đại học còn non trẻ, đặc biệt là các trường ngoài công lập, chuẩn về đội ngũ cán bộ vẫn là tiến trình phấn đấu lâu dài.
Kết quả kiểm tra của Bộ phản ánh một số thực trạng đáng nói, ví như ĐHDL Phú Xuân Huế hiện đang tuyển sinh, đào tạo 12 ngành trình độ ĐH nhưng chỉ có 3 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ. Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Đông Du (Đà Nẵng) đào tạo ngành kế toán với quy mô 850 SV nhưng chỉ có 6 giảng viên cơ hữu có trình độ ĐH đúng chuyên ngành. Trường ĐH tư thục CNTT Gia Định tuyển sinh và đào tạo từ năm 2007, vừa có quyết định mở thêm 7 ngành đào tạo ĐH nhưng chỉ có duy nhất 1 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ. Thậm chí, ngay cả trường có bề dày lịch sử hơn 30 năm như Trường đại học Khoa học Huế, đào tạo sinh viên ngành báo chí nhiều năm qua chỉ có 1 giảng viên có trình độ thạc sĩ và 4 giảng viên trình độ ĐH.
Cơ sở vật chất của nhiều trường ĐH vẫn đang hết sức tạm bợ, nhất là đối với những trường ĐH thuộc các tỉnh lẻ vừa mới mở cách nay chừng một, hai năm. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế, ĐH Huế với 7 trường ĐH thành viên và 2 khoa trực thuộc, thời gian gần đây rốt ráo triển khai các bước chuẩn bị với mục tiêu năm học 2008-2009 sẽ áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ này cho tất cả sinh viên năm 1 và sinh viên các khóa thuộc Trường đại học Ngoại ngữ Huế. Tuy nhiên, qua thăm dò các giáo viên thì việc áp dụng ngay hình thức trên đang hết sức gượng ép.
Năm học 2008-2009, Trường đại học Ngoại ngữ Huế được chỉ định áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ, song đây cũng là thời gian mà trường đang tập trung xây dựng cơ sở vật chất tại khu Trường Bia. Theo quy hoạch đã được duyệt, Trường đại học Ngoại ngữ Huế sau khi hoàn thành sẽ có 3 tòa nhà lớn với khoảng 100 phòng chuẩn cho sinh viên các khóa. Tuy nhiên hiện tại trường mới cơ bản hoàn thành 1 tòa nhà, và tòa nhà này chỉ mới đủ để đáp ứng bộ máy quản lý của nhà trường. Số phòng học của sinh viên đang rất thiếu, trường đang còn phải đi mượn cơ sở vật chất nhiều nơi của các trường thành viên.
PGS-TS Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM cũng đồng chia sẻ: “Không biết các trường khác thế nào, riêng trường chúng tôi chắc chắn là không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để đáp ứng các yêu cầu về đào tạo tín chỉ”.
Chuyển đổi đào tạo phải đồng bộ, quyết liệt
Theo TS Lê Văn Khuyết, Phó Vụ trưởng Vụ ĐH và Sau ĐH - Bộ GD-ĐT, điểm khác biệt rõ nhất giữa hình thức đào tạo theo niên chế và đào tạo học chế tín chỉ, cốt lõi là ở đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất. Đào tạo tín chỉ có 12 đặc điểm quan trọng, nếu áp các tiêu chí này vào thì đến nay vẫn chưa có trường nào đạt chuẩn. Không phải chỉ những trường đang đào tạo theo niên chế, mà ngay cả những trường đã chuyển sang đào tạo tín chỉ vẫn chưa đạt chuẩn, và còn phải tiếp tục để hoàn thiện.
Theo ông Khuyết, nếu như đào tạo theo niên chế, một chuyên ngành có thể chỉ cần một giảng viên phụ trách, nhưng đào tạo tín chỉ ít nhất phải có 2 giảng viên trở lên. Bởi tín chỉ lấy người học làm trung tâm, do đó ưu tiên quyền lựa chọn học tập cho người học: lựa chọn thời gian học tập hợp lý, lựa chọn giảng viên giảng dạy.
Phó Vụ trưởng Vụ ĐH Ngô Kim Khôi thì nhìn nhận: “Giảng viên và sinh viên đều chưa quen cách dạy và học của tín chỉ, cả thầy và trò đều chưa thực sự sẵn sàng để áp dụng phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Đây là nguyên nhân khiến tiến độ chuyển đổi của các trường hết sức chậm chạp so với yêu cầu của Bộ”.
Nếu đào tạo tín chỉ, một đơn vị tín chỉ được tính bằng 15 tiết lên lớp và 30 tiết chuẩn bị cá nhân. Trong khi đó, giáo viên và sinh viên của ta vẫn đang quen với việc giảng dạy và học tập một chiều - thầy giảng trò ghi, tất cả ở trên giảng đường. Thầy chưa quen thiết kế những chương trình ngoài giờ lên lớp cho sinh viên. Sinh viên chưa có thói quen coi những giờ tự học, những buổi chuẩn bị là một phần của môn học.
GS-TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội, người đã từng tham gia giảng dạy nhiều trường ĐH có tiếng ở Mỹ như ĐH California, ĐH Washington, ĐH Johns Hopkins… lại có nhận định khác về “tính khả thi” trong việc chuyển đổi hình thức đào tạo này. Theo GS. Việt Hưng, để chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, việc dạy của các giảng viên có thể không phải thay đổi nhiều, nhưng công việc quản lý hành chính sẽ thay đổi căn bản, theo hướng nặng lên rất nhiều.
Đào tạo tín chỉ đòi hỏi phải có một đội ngũ quản lý và nhân viên hành chính rất chuyên nghiệp. Trách nhiệm của những người quản lý và nhân viên hành chính trong hệ thống đào tạo theo tín chỉ, bên cạnh hàng núi công việc khác, là giúp cho sinh viên (trong đó có những người quay lại học tập sau nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm gián đoạn) nhận ra đúng thiên hướng và trình độ học lực của mình, đăng ký vào đúng lớp mình có thể và cần phải học.
“Ở Mỹ những người quản lý và nhân viên hành chính đều được đào tạo rất bài bản, khác với ở Việt Nam ta, bất kỳ con ông cháu cha nào cũng đều làm được việc này.Ta có đủ can đảm và sức lực để thay đổi hệ thống quản lý và nhân viên hành chính hay không? Theo tôi, những tranh luận gần đây về “đại học đẳng cấp quốc tế” hoặc “đại học hoa tiêu” đều chưa thấy tầm quan trọng của việc cần làm trước tiên, nếu thành lập một đại học như vậy, là thay đổi hệ thống quản lý và tổ chức hành chính”, GS. Việt Hưng thẳng thắn nhìn nhận.
Chuyển đổi đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, nhìn chung đều sự đồng tình, ủng hộ từ phía các trường ĐH, bởi hơn hết các trường ĐH hiểu rất rõ chỉ có cách này thì chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam mới có bước tiến tích cực. Tuy nhiên, cũng không vì quá sốt sắng với mục tiêu này mà “đốt cháy giai đoạn”, hoặc xem nhẹ những giải pháp cần thiết cho hình thức đào tạo vốn không xa lạ gì với các trường đại học nước ngoài này. Bởi càng vội vàng càng dễ gặp thất bại, hoặc chí ít cũng bị xem là hình thức “bình mới, rượu cũ”.
Sông Lam