Đắk Nông:

Đào tạo nghề, việc làm cho lao động nông thôn: Cần xóa bỏ bệnh "lười"

Dương Phong

(Dân trí) - Dù có lượng lao động lớn, trẻ nhưng hiện nay nhiều nơi ở Đắk Nông vẫn trăn trở khi chỉ ít người rời khỏi địa phương đi làm ăn xa, trong khi đó lao động tại chỗ chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp.

Phần lớn là sản xuất nông nghiệp

Huyện Đắk G'Long (tỉnh Đắk Nông) là một trong số những địa phương có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn so với tổng dân số. Theo thống kê mới nhất của huyện này, toàn huyện có 37.000 lao động, chiếm trên 50% dân số của huyện. Thế nhưng, chỉ có khoảng 8% số lao động được đào tạo.

Đào tạo nghề, việc làm cho lao động nông thôn: Cần xóa bỏ bệnh lười - 1
Huyện Đắk G'Long có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn

Số lao động còn lại, phần lớn vẫn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo (kể cả trình độ sơ cấp), chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Đặc biệt, một bộ phận lớn là lao động trẻ, người đồng bào dân tộc thiểu số di dân tự do từ phía Bắc vào, sinh sống tập trung trong vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Lãnh đạo UBND huyện Đắk G'Long cho biết, phần lớn lao động tại địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp, "mùa nào thì làm nghề đó". Nếu ở nhà hết việc họ sẽ đi lên rừng hái măng hoặc hái chuối rừng chứ rất ít khi đi địa phương khác để làm ăn.

Đào tạo nghề, việc làm cho lao động nông thôn: Cần xóa bỏ bệnh lười - 2
Tuy nhiên phần lớn lao động tại địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp, "mùa nào thì làm nghề đó"

Cũng theo vị lãnh đạo này, con số lao động được đào tạo, rời khỏi địa phương đi làm ăn thực sự rất hạn chế so với tiềm lực của huyện. Thực tế cho thấy, lao động rất "lười" đi các địa phương khác để làm việc. Một trong những nguyên nhân là do phong tục tập quán và thói quen sản xuất của đồng bào nơi đây.

Cũng theo vị này, mặc dù địa phương đã triển khai các lớp đào tạo nghề nhưng việc tiếp thu, vận dụng của người dân còn hạn chế. Nguyên nhân là bởi học viên tham gia chủ yếu là hộ nghèo, người dân tộc thiểu sống, trình độ dân trí không đồng đều và nhiều nguyên nhân khách quan khác.

Đào tạo nghề, việc làm cho lao động nông thôn: Cần xóa bỏ bệnh lười - 3
Quanh năm người dân chỉ gắn với ruộng đồng, nương rẫy

"Việc quanh năm chỉ bám lấy đồng ruộng, nương rẫy, ít ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất khiến người dân khó phát triển kinh tế. Thực tế hiện nay nhu cầu của người dân học những nghề liên quan đến nông nghiệp là cao nên địa phương mong muốn, cấp trên có kế hoạch bố trí kinh phí, mở lớp đáp ứng nhu cầu của học viên", vị này mong mỏi.

Lao động "xuất ngoại" … đếm trên đầu ngón tay

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 huyện nghèo (huyện Tuy Đức và huyện Đắk G'Long).

Theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/03/2018 của Chính phủ, 2 huyện này được bố trí kinh phí từ Trung ương để thực hiện Tiểu dự án về Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc Dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Đào tạo nghề, việc làm cho lao động nông thôn: Cần xóa bỏ bệnh lười - 4
Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đề án

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, nội dung hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn 2 huyện chưa thực hiện.

Trong khi đó, nếu tính chung toàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 900 lao động, chiếm 0,99% tổng số lao động được tạo việc làm. Thị trường chủ yếu được lựa chọn là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Hiện tại còn trên 600 người đang lao động ở nước ngoài.

Đào tạo nghề, việc làm cho lao động nông thôn: Cần xóa bỏ bệnh lười - 5
Tư duy và phong tục tập quán đang là cản trở trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đánh giá, nguyên nhân chưa thực hiện được Quyết định 275 tại hai địa phương này do dân số của 2 huyện trên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn.

Lao động trẻ, đặc biệt là lao động người đồng bào tâm lý không muốn đi làm việc xa gia đình đặc biệt là đi xuất khẩu lao động Một số lao động đã đăng ký tham gia nhưng không đảm bảo đủ điều kiện của doanh nghiệp, không đủ hồ sơ chứng từ theo quy định để được hỗ trợ.

Ngoài ra, qua khảo sát, đơn vị này nhận thấy nhu cầu đi xuất khẩu lao động của các huyện nghèo không nhiều; công tác tuyển lao động tham gia xuất khẩu lao động trên địa bàn rất khó khăn nên các doanh nghiệp cũng không mặn mà tham gia thực hiện; phạm vi tuyên truyền chưa được sâu rộng; Cơ chế thanh quyết toán kinh phí đối với doanh nghiệp còn nhiều bất cập.