Đào tạo đại học theo hệ thống tín chỉ: Sinh viên sẽ chủ động mọi lúc mọi nơi!
Năm học 2005-2006, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ thí điểm phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở một số trường đại học, sau đó triển khai ở tất cả các trường đại học trên toàn quốc. Với hệ thống này, sinh viên có thể chủ động xây dựng kế hoạch học tập thích hợp nhất và rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập.
Ông Lê Viết Khuyến - Phó vụ trưởng Vụ ĐH, sau ĐH, Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
Xin ông cho biết việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ (HTTC) khác gì so với việc đào tạo theo niên chế hiện nay?
Đặc trưng của HTTC là kiến thức được cấu trúc thành các học phần. Quá trình học tập là sự tích lũy kiến thức của người học theo từng học phần (đơn vị: tín chỉ); khác với học niên chế là lớp học được tổ chức theo một chương trình chung áp dụng nhất loạt cho tất cả người học.
Khi tổ chức giảng dạy theo tín chỉ, lớp học được tổ chức theo từng học phần; đầu mỗi học kỳ, sinh viên (SV) được đăng ký các môn học thích hợp với năng lực và hoàn cảnh của họ và phù hợp với quy định chung nhằm đạt được kiến thức theo một ngành chuyên môn chính nào đó. Sự lựa chọn các môn học rất rộng rãi, SV có thể ghi tên học các môn liên ngành nếu họ thích. SV không chỉ giới hạn học các môn chuyên môn của mình mà còn cần học các môn khác lĩnh vực, chẳng hạn SV các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật vẫn cần học một ít môn khoa học xã hội và nhân văn và ngược lại.
Về cách đánh giá kết quả học tập sẽ không tổ chức bằng một kỳ thi như hiện nay mà HTTC dùng cách đánh giá thường xuyên. Và dựa vào sự đánh giá đó đối với các môn học tích lũy để cấp bằng cử nhân. Đối với các chương trình đào tạo sau ĐH (cao học và đào tạo tiến sĩ) ngoài các kết quả đánh giá thường xuyên còn có các kỳ thi tổng hợp và các luận văn.
Thưa ông, mỗi trường ĐH có một đặc thù khác nhau, đối tượng SV khác nhau, tại sao phải áp dụng đào tạo theo tín chỉ ở các trường ĐH?
Việc áp dụng hệ thống đào tạo này có rất nhiều ưu điểm và không phụ thuộc vào trường ĐH đó như thế nào. HTTC cho phép ghi nhận kịp thời tiến trình tích lũy kiến thức và kỹ năng của SV để đạt được văn bằng. Nó cho phép SV chủ động xây dựng kế hoạch học tập thích hợp nhất. Cho phép rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập đối với riêng bản thân họ.
HTTC còn cho phép ghi nhận cả những kiến thức và kỹ năng tích lũy được ngoài trường lớp để đạt được văn bằng, khuyến khích việc học chủ động của SV, tạo điều kiện cho các SV từ nguồn gốc khác nhau có thể tham gia học ĐH một cách thuận lợi.
Về chương trình đào tạo có tính mềm dẻo và có khả năng thích ứng cao. Với việc được chủ động ghi tên học theo các học phần khác nhau, cho phép SV dễ dàng thay đổi chuyên ngành trong tiến trình học tập khi thấy cần thiết mà không phải học lại từ đầu. Với HTTC các trường có thể mở thêm ngành học mới một cách dễ dàng, giúp cho việc quản lý đạt được hiệu quả cao và giảm giá thành đào tạo.
Với HTTC kết quả học tập của SV được tính theo từng học phần chứ không phải theo năm học, do đó việc hỏng một học phần nào đó không cản trở quá trình học tiếp tục. Đó là chưa kể, nếu triển khai HTTC trong một trường ĐH lớn đa lĩnh vực có thể tổ chức những môn học chung cho SV nhiều trường, nhiều khoa, tránh các môn học trùng lặp ở nhiều nơi; ngoài ra SV có thể học những môn học lựa chọn ở các khoa khác nhau. Cách tổ chức nói trên cho phép sử dụng được đội ngũ giảng viên giỏi nhất và phương tiện tốt nhất cho từng môn học.
Việc áp dụng hệ thống này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc học và dạy hiện nay? Liệu việc thay đổi như thế có gây khó khăn gì đối với các trường và SV hay không?
Có thể khẳng định việc chuyển đổi sang đào tạo theo HTTC người học hoàn toàn có lợi và không có khó khăn gì với việc học tập của họ. Về việc dạy sẽ có những ảnh hưởng tích cực, tuy nhiên giáo viên sẽ phải thay đổi phương pháp giảng dạy từ kiểu thầy dạy trò ghi sang việc phải lấy người học làm trung tâm. Giảng viên rút được 1/3 thời gian lên lớp nhưng tăng thời gian chuẩn bị giờ giảng. Giảng viên dạy được nhiều học phần, một học phần được nhiều giảng viên dạy.
Có thể nói việc triển khai không có khó khăn gì ngoài việc phải thay đổi về cách quản lý và tổ chức đào tạo. Ví dụ các trường phải ổn định và công khai hóa chương trình đào tạo. Phòng đào tạo thống nhất quản lý mọi hoạt động đào tạo chứ không để các khoa tự quản lý. Phải thay đổi phương thức quản lý SV bằng việc xây dựng hệ thống cố vấn học tập thay cho hình thức giáo viên chủ nhiệm hiện nay.
Vậy khi chuyển sang đào tạo HTTC liệu có phải làm lại chương trình khung?
Việc chuyển sang đào tạo theo HTTC không làm thay đổi chương trình khung hiện hành mà chỉ là thay đổi đơn vị đánh giá khối lượng kiến thức học tập từ học trình sang tín chỉ. 1 tín chỉ tương đương với 1,5 đơn vị học trình.
Theo Vũ Thơ
Thanh Niên