Đào tạo chất lượng cao: “Nồi cơm” mới của trường đại học
(Dân trí) - Trước đây đào tạo hệ tại chức được gọi là “nồi cơm” của các trường đại học, nay hệ đào tạo này đã không còn chỗ đứng và đang lùi dần nhường chỗ cho “nồi cơm” mới là các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến và các chương trình dạy bằng tiếng Anh.
Ngày 26/5, trường ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Quản lý đào tạo đại học trong điều kiện tự chủ”, lãnh đạo nhiều trường đại học cho biết đang chuyển dịch cơ cấu đào tạo để phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu người học.
1,8 tỷ đồng cho một bằng đại học
Trong 5 năm trở lại đây nhu cầu xã hội về đào tạo đại học thay đổi rõ rệt. Quan hệ cung cầu về nguồn nhân lực ở bậc đại học biến động mạnh bởi quá nhiều trường đại học ra đời dẫn đến bão hòa trong các ngành đào tạo. Chính vì lẽ đó nhiều trường đại học đã nhanh chóng tìm cho mình một hướng đi trong sự bão hòa này là chọn ra những chương trình đào tạo riêng biệt đáp ứng nhu cầu xã hội và các chương trình này sẽ là “nồi cơm” để thay thế cho “nồi cơm” cũ là hệ tại chức, phi chính quy.
Tại hội thảo, với bài phân tích về “cơ hội và thách thức về đào tạo đại học trong điều kiện tự chủ”, GS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, hiện nay nhu cầu của người học đã dịch chuyển, ví dụ đối với ngành phi chính quy, tại chức của trường ĐH Kinh tế quốc dân, chục năm trở lại đây số lượng học viên giảm mạnh từ 60 - 80% . Trước đây, hệ đào tạo tại chức này đã mang lại trên 65% nguồn thu cho trường nhưng hiện nay nguồn thu này đã giảm xuống 10 lần, kéo theo nguồn thu của trường sụt giảm.
Chính vì vậy, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã dịch chuyển cơ cấu đào tạo, nâng tỷ trọng giá trị gia tăng của sản phẩm đào tạo chuyển sang đào tạo chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình quốc tế, POHE và đạt được kết quả rất tốt. Mặc dù với lượng sinh viên rất ít nhưng trong thời gian qua, các chương trình này đã mang lại ngân sách cho trường là 75 tỷ đồng gấp nhiều lần so với thu từ hệ đào tạo chính quy.
Theo GS Trung, để theo học được chương trình chất lượng cao sinh viên phải bỏ ra khoản phí lớn, ví dụ tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, một sinh viên theo học tại chương trình chất lượng cao với 2 năm học tại Việt Nam và 2 năm học tại Mỹ thì gia đình phải bỏ ra khoảng 1,8 tỷ đồng cho một bằng đại học.
GS Trung cho rằng, nhiều gia đình sẵn sàng cho con đi học và họ cho đó không phải là đắt bởi chương trình chất lượng cao, phí phải cao. Nhiều người cứ hô hào chất lượng nhưng không bỏ tiền ra , đó là hô hào phi thực tế. Như vậy, thấy rằng nhu cầu xã hội giờ thay đổi mạnh mẽ . Mức độ hấp dẫn của nhiều ngành đào tạo đã thay đổi và các trường cần phải đổi mới cơ cấu đào tạo.
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên, trường ĐH Kinh tế - Đà Nẵng cho biết, khi được thực hiện tự chủ nhưng trường còn nhiều băn khoăn nên chưa triển khai mạnh mà chỉ thực hiện thí điểm đào tạo chất lượng cao ở 7 ngành. Kết quả cho thấy rất khả quan và được mọi người chấp nhận.
PGS.TS Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng trường đại học Ngoại thương, cho biết, khi chuyển sang thực hiện tự chủ, trường đại học đã gặp không ít khó khăn vì hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; cơ sở vật chất của trường còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tích lũy tài chính ở mức độ khiêm tốn… chính vì vậy, trường đã phải đa dạng hóa và phát triển các chương trình đào tạo, phát triển các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, mở rộng các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Sức ép về nguồn nhân lực
Khó khăn hiện nay của các trường là khi chuyển sang chương trình đào tạo chất lượng cao là chịu sức ép về giảng viên. Làm sao có giảng viên trình độ cao, tiếng Anh tốt, có phương pháp giảng dạy hiện đại là một thách thức lớn.
GS.TS Phạm Quang Trung cho biết, khi triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã thuê cả giảng viên nước ngoài về giảng do giáo viên trong nước trình độ còn hạn chế. Trong danh sách của trường có khoảng 200 giảng viên có thể dạy hoàn toàn được bằng tiếng Anh nhưng thực tế số giảng viên đứng lớp được mới chỉ được vài chục người. Đây không chỉ khó khăn với trường ĐH Kinh tế quốc dân mà còn với nhiều trường đại học khác gặp phải.
Theo GS Trung, trường muốn tăng trình độ tiếng Anh cho các sinh viên ở chương trình chất lượng cao, tiên tiến cho phù hợp với chương trình đào tạo nhưng tăng thời gian đào tạo cũng phải tăng tiền, đây cũng là một bất cập.
Ngoài ra, chương trình, học liệu trong chương trình chất lượng cao cũng là một vấn đề đáng bàn vì hiện nay nhiều trường đại học vẫn chưa thực sự đổi mới giáo trình giảng dạy. Để có một chương trình đào tạo chất lượng cao giống như một chương trình bên Mỹ, Anh, Úc… thì chi phí cũng là một vấn đề đau đầu của các trường.
Thạc sĩ Lê Thị Phương Mai, trường ĐH Thương Mại cho rằng, trong cuộc cạnh tranh giáo dục giữa các trường đại học ở Việt Nam và trên thế giới, chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng nhất. Là một lĩnh vực đặc thù với mục tiêu cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao và năng động cho xã hội hiện đại, giáo dục đại học cần đổi mới không ngừng để tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học là chìa khóa để cải cách giáo dục thực sự là nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm quy mô hợp lý của nhu cầu và công bằng xã hội.
Tuy nhiên, ngoài các quyền tự chủ, việc tự chịu trách nhiệm của các trường đại học phải được quan tâm sâu sát dưới sự kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát và công khai để phát triển giáo dục đại học Việt Nam về cả chất và lượng.
Hồng Hạnh