Đang diễn ra kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020

M. Hà

(Dân trí) - Từ ngày 25-27/12, hơn 4.500 thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2020 ở 12 môn thi như Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Vật lý, Sinh học...

Năm nay, cả nước có 71 đơn vị dự thi, trong đó, có 63 đơn vị dự thi của 63 tỉnh, thành phố và 8 đơn vị dự thi của các cơ sở giáo dục đào tạo.

Kết quả cuộc thi sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), năm 2020, tổng số thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia là 4.565 em. Trong đó, môn Sinh học có nhiều thí sinh dự thi nhất: 501 em.

Các môn ngoại ngữ gồm: Tiếng Anh 486 em, Tiếng Nga 61 em, Tiếng Pháp 156 em và Tiếng Trung 66 em.

Môn Toán có 475 thí sinh. Môn Vật lý có 472 thí sinh. Môn Hóa học có 491 thí sinh. Môn Tin học có 444 thí sinh. Môn Ngữ văn có 489 thí sinh. Môn Lịch sử có 464 thí sinh. Môn Địa lý có 460 thí sinh.

Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức 12 môn thi, trong đó, ngoài phần thi viết, với các môn ngoại ngữ, tiếp tục tổ chức thi nói (độc thoại); đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, có phần thi thực hành.

Ngày 25/12, học sinh đã dự thi một số môn như Ngữ văn, Lịch sử, Toán… Trong ngày 26 và 27, các môn thi còn lại sẽ diễn ra.

Đang diễn ra kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020 - 1

Đề thi học sinh giỏi quốc gia 2020 môn Ngữ văn  (Ảnh: Vietnamnet). 

Đánh giá đề thi môn Ngữ văn năm nay, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết, nhìn tổng thể, đề thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2020 - 2021 có một "tứ" hay đó là câu nghị luận xã hội khẳng định vai trò sâu xa, cội nguồn, gốc rễ của các giá trị đặc biệt là giá trị văn hóa, tinh thần) thuộc về dân tộc; câu nghị luận văn học đặt ra vấn đề về giá trị phổ quát lớn lao mang tầm nhân loại của văn chương (cũng là một giá trị thuộc bình diện văn hóa, tinh thần).

"Tôi hình dung tâm trí học trò khi làm bài, các em có thể nghĩ tới một cây lớn, bám chắc vào đất mẹ và vươn cành, xòe tán, hứng gió và mang gió tới muôn phương!", cô Tuyết nói.

Và thực chất, vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội sẽ là một trong số rất nhiều yếu tố quan trọng giúp đạt được những giá trị mà câu nghị luận văn học hướng đến - bởi như chính Nguyễn Minh Châu đã nói: "Hãy đi đến tận cùng của cái ta, ta sẽ gặp được nhân loại"!

Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh suy ngẫm và bàn luận về ý kiến của Xuân Diệu:"Không đứng vào dân tộc, như cây không đứng vào đất, làm gì có sức chắc chắn để phát triển cho đến tận cùng".

Theo chuyên gia này, đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như ngày nay, đây là vấn đề thiết thực, cần thiết với nhận thức và nhân cách cá nhân, đặc biệt quan trọng với sự phát triển của mỗi con người cũng như toàn thể xã hội.

Khi khái niệm "dân tộc" gắn liền với những giá trị truyền thống tốt đẹp thì vấn đề đặt ra trong đề bài càng thiết thực, nhất là trong thời kì hội nhập, xu hướng sùng ngoại ở các giá trị vật chất hay tinh thần đang có khuynh hướng cực đoan, thái quá, làm băng hoại các giá trị nền tảng của dân tộc.

"Đề bài hoàn toàn có thể giúp học trò mở ra những suy ngẫm tích cực và mới mẻ về điểm giao cắt, thậm chí tương đồng của các giá trị, từ dân tộc, truyền thống tới quốc tế, hiện đại và tìm ra hướng đi cho mình", TS Trịnh Thu Tuyết cho biết.

Tuy nhiên, điều Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết còn hơi gợn trong câu nghị luận xã hội chính là cách diễn đạt khá "nghệ sĩ" của Xuân Diệu ở cụm từ: "… đứng vào dân tộc" - đây cũng là chi tiết chúng ta nên quan tâm khi chọn ngữ liệu bàn luận, ví như trong một đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên văn gần đây, đề đưa ra quan niệm khá cực đoan, siêu hình của nhà thơ Xuân Quỳnh khi dùng hai khái niệm "nhan sắc" và "đức hạnh" để phân loại hai yếu tố không thể phân loại trong thơ là hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng!

Câu nghị luận văn học đề cập tới một vấn đề không mới, không khó của lý luận văn học là "tính nhân loại" của văn học.

Hai quan niệm của Nam Cao và Nguyễn Minh Châu đều khá thống nhất, dẫu một người lập ngôn "đanh thép", người kia "khát khao, trăn trở"!

Hầu như mọi nhà văn, khi đặt bút viết, đều nghĩ tới đang bắt đầu cho một "tác phẩm để đời" và niềm khao khát hướng tới một tác phẩm "vượt lên tất cả mọi bờ cõi và giới hạn", một tác phẩm trở thành "văn học của cả thiên hạ, của cả loài người" là khát khao của Vũ Như Tô, của Hộ, của mọi nghệ sĩ trên đời.

Vậy vấn đề đặt ra trong đề bài là hay, là muôn đời, nhưng học trò cần xử lý vấn đề như thế nào cho khỏi rơi vào sự nhàm chán muôn đời, triển khai hệ thống ý như thế nào để vượt thoát khỏi khuôn mẫu lý thuyết, đưa bài văn của các em chạm vào được thực tế "cây đời" của văn chương bây giờ, lúc này, đó sẽ là những khó khăn không hề nhỏ.

Bởi kể cả người lớn, khi cố gắng phân loại minh bạch các khái niệm về tính dân tộc, tính nhân loại, thậm chí tính giai cấp… cũng có thể còn e ngại "động chạm"!

Số phận những tác phẩm đề cập tới những chủ đề mang nhân tính, hay nhân loại tính như tình yêu, nỗi đau, sự cô đơn, cái chết, những ảo giác, những khát khao… ( Màu tím hoa sim - Hữu Loan, Tây Tiến - Quang Dũng, Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh…) có thể là minh chứng cho sự nhận thức hạn chế về tính nhân loại của văn học.

"Văn học minh họa" của một thời chưa xa (từ dùng của Nguyễn Minh Châu) sẽ rất khó có đất cho những giá trị muôn đời của nhân loại!

Thêm nữa, một tác phẩm "của cả thiên hạ, của cả loài người" không chỉ đề cập tới những chủ đề muôn thuở của loài người mà còn cần đạt tới một giá trị lớn lao, đích thực, về nội dung - đặt ra được vấn đề cho loài người, cho thiên hạ, vì văn chương không phải chỉ kể hay hát …cho người ta vui, buồn, mà còn phải khơi thức, bắt người ta suy nghĩ, tìm kiếm, đối chứng, phản biện…; về nghệ thuật - phải đạt tới ngưỡng của Cái Đẹp…

Hai yêu cầu đó cần tầm vóc, và cũng lại là đẳng cấp của chính cộng đồng và cá nhân trong cộng đồng đó.

"Đây là vấn đề tôi đã đề cập tới trong câu nghị luận xã hội ở trên! Tản mạn chút về chính nhà văn Hộ của Nam Cao, một nhân vật được khắc họa từ khát vọng văn chương, lương tri nghề nghiệp tới lương tri con người, nhưng không rõ vì sao Nam Cao không một lần nhắc tới tài năng của Hộ ( đây là điều Nguyễn Tuân đặc biệt khiến người đọc ấn tượng trong các nhân vật của ông, ví như Huấn Cao)!

Và liệu có ai nghĩ tới một điều: một nhà văn quanh quẩn với gánh nặng áo cơm như Hộ, những ông giáo San, giáo Thứ, chỉ quanh quẩn nghĩ cách xới thêm một bát cơm đầy đề trả thù người đàn bà tham lam bần tiện như Oanh, liệu họ có nghĩ được điều gì lớn hơn bát cơm của họ?

Tất nhiên, cơm áo không còn là vấn đề với thời hiện đại, nhưng tiếc thay, cơm áo lại không phải vấn đề duy nhất chúng ta phải bận tâm trong thời hiện đại - và có những vấn đề có khả năng khiến văn chương khó vượt thoát được "những bờ cõi và giới hạn" để vươn tới tầm nhân loại", TS Trịnh Thu Tuyết phân tích.

Nhận xét chung, chuyên gia này cho rằng, đề văn năm nay rằng hay thì thật là hay, nhưng xem ra vẫn là thử thách với không ít học trò, và oái oăm là những thử thách có thể nằm ngoài văn chương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm