Quảng Nam:
Dân góp gạo xây dựng mô hình trường “bán trú dân nuôi”
(Dân trí) - Việc triển khai năm học mới (2017-2018) tại huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn. Hàng trăm học sinh ở các trường bán trú năm học trước được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, thì nay bị cắt giảm do các em ở các xã “thoát nghèo”. Nguy có bỏ học đang hiện hữu và chất lượng dạy học nơi đây phần nào bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Tây Giang cho biết, căn cứ theo Nghị định 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, Quyết định số 582 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thôn thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì huyện Tây Giang có 381/5.414 học sinh thuộc diện ở bán trú ở 9 xã bị mất các chế độ.
Như vậy, mỗi năm học, 381 học sinh sẽ bị mất số tiền hỗ trợ trên 1,8 tỷ đồng. Việc bị cắt chế độ các em học sinh này dẫn đến điều kiện học tập, ăn ở của các em hết sức khó khăn vì gia đình các em đều là hộ nghèo, các em đi học xa, rất vất vả.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS (PTDTBT) Nguyễn Văn Trỗi buộc phải xóa bỏ mô hình trường bán trú nên 180 em học sinh phải tự lo ăn, ở; trường PTTH Tây Giang có 128 em; trường PTDTBTTHCS Lý Tự Trọng 50 em; trường PTDTBTTHCS Nguyễn Bá Ngọc có 40 em và trường PTDTBT Tiểu học Bhalêê có 33 em. Hiện tại, đã có nhiều em học sinh không ra lớp; trong đó, trường PTTH Tây Giang có trên 60 em.
Trước tình hình này, huyện Tây Giang đã có cuộc họp khẩn cấp với ngành giáo dục, 23 đơn vị trường học và các ban ngành liên quan nhằm tìm cách tháo gỡ những khó khăn trên. Đã có nhiều giải pháp đưa ra; trong đó tập trung vào việc vận động các nguồn lực xã hội, từ người dân, chính quyền xã đến các tổ chức, doanh nghiệp để duy trì mô hình bán trú.
Giải pháp tạm thời được đưa ra là huyện sẽ trích khoảng 800 triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ 5 tháng đầu năm học này. Mỗi tháng, một em học sinh sẽ được hỗ trợ 360 nghìn đồng và 10 ký gạo.
Bên cạnh đó, 9 xã sẽ tiết kiệm các nguồn chi tiêu, nhất là nguồn dự phòng, chia sẻ số gạo cứu trợ lụt bão hàng năm cho các trường. Các em học sinh gần trường thì gia đình lo việc ăn, ở, học sinh tự đi lại, huyện chỉ hỗ trợ tiền mua sách, vở. Các em ở xa thì được ở lại, được hỗ trợ sách vở, gia đình đóng góp gạo.
Một giải pháp mới ra đời đó là xây dựng mô hình “bán trú dân nuôi” tại trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi. Thầy giáo Nguyễn Quang Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường cho biết năm học này, toàn trường có 182 học sinh nhưng chỉ có 2 em được hưởng chế độ bán trú, 180 em còn lại thì tự lo, 5 cô cấp dưỡng giờ phải chuyển sang hợp đồng ngắn hạn và có nguy cơ nghỉ việc.
“Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì việc học tập và vận động phụ huynh, UBND huyện và chính quyền các xã sẽ hỗ trợ gạo để thực hiện việc bán trú, trước khi chờ nguồn hỗ trợ của tỉnh”, thầy Tuấn cho biết.
Thầy giáo Đình Văn Tư - Hiệu trưởng trường THPT Tây Giang cho biết toàn trường có 575 học sinh thì có 128 em bị cắt chế độ trong năm học này. Đã có trên 60 em học sinh không ra lớp dù nhà trường đã cố gắng đến từng nhà vận động. Hiện nhà trường tạm dùng số gạo đã cấp đầu năm để chia sẻ cho 128 em này, còn lâu dài phải trông chờ nguồn hỗ của Trung ương và tỉnh.
Nhiều lãnh đạo ở huyện Tây Giang cho biết, việc cắt chế độ đột ngột đã làm cho địa phương và nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Cũng có nhiều phụ huynh phản đối vì họ không hiểu nhưng nhiều xã đã cử cán bộ xuống tận nhà dân để tuyên truyền cho họ hiểu, vận động con em họ ra lớp. Mặt khác đã vận dụng các nguồn lực khác như các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm.
Ông Bhling Mia - Chủ tịch huyện Tây Giang khẳng định, dù khó khăn mấy cũng không thể để học sinh bỏ học, huyện sẽ cố gắng hết sức trong phạm vi của mình. Mô hình bán trú dân nuôi là giải pháp tối ưu để duy trì mô hình bán trú miền núi hiện nay.
“Việc dạy học ở Tây Giang còn quá nhiều khó khăn, việc thực hiện tốt các chế độ chính sách cho học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo theo tiêu chí 3 đủ (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) xem ra rất cần sự chung tay giúp đỡ các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự chung tay toàn xã hội’, ông Mia nói.
Đ.Hiệp-C.Bính