Bạn đọc viết:
Dân chủ trong trường học: Cần những đổi thay tích cực!
(Dân trí) - Đọc bài viết “Dân chủ trong trường học: Hiệu trưởng như ông vua con” đăng trên báo Dân trí, nhiều người không khỏi giật mình về một “góc khuất” trong môi trường giáo dục.
Chúng ta giật mình về những điều không tưởng khi một số hiệu trưởng “lộng quyền” đến mức đổi trắng thay đen, “đì” giáo viên khi thấy “gai mắt” hay “ăn bớt”, “ăn xén” đến hàng trăm triệu đồng. Đó là những vụ việc cá biệt đã xảy ra cách đây vài năm.
Còn giờ đây, hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) lại quá vô cảm trước nỗi đau của học trò, gian dối với cơ quan công luận và sử dụng quyền uy để ép hội đồng giáo viên nhà trường tham gia vào cuộc “chạy tội” của mình. Hay một hiệu trưởng khác ở Trường Mầm non An Đông (Huế) bị giáo viên tố hành xử thiếu đạo đức và tình người.
Dẫu chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đó thật sự là tiếng chuông báo động mạnh mẽ về tình trạng mất dân chủ trong trường học. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã khẳng định: “Quyền của hiệu trưởng càng cấp dưới càng to”. Khi quyền điều hành, chỉ đạo mọi hoạt động trong nhà trường tập trung vào tay hiệu trưởng, sẽ là một sự may mắn lớn lao cho hội đồng giáo viên nếu đó là một người thủ trưởng có tài, có tầm và có tâm. Ngược lại, sẽ là nỗi bất hạnh không nhỏ!
Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm hiệu trưởng hiện nay đã thật sự chặt chẽ chưa? Điều này cần sự đánh giá chính xác và khách quan từ cơ quan chức năng. Chúng ta ngưỡng mộ và khâm phục rất nhiều về những người hiệu trưởng có năng lực chuyên môn vững vàng, đầy nhiệt huyết đổi mới, sáng tạo và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Nhưng có chăng một tỷ lệ nhỏ những người dùng chiêu bài “xu nịnh”, “chạy chọt” để an vị ở chiếc ghế to nhất trường?
Công tác kiểm điểm, đánh giá, thanh kiểm tra các hoạt động của nhà trường dưới sự điều hành của hiệu trưởng đã hiệu quả chưa? Nhìn vào thực tế ở không ít trường học, việc lấy ý kiến đánh giá hiệu trưởng còn khá sơ sài và hình thức. Công tác thanh kiểm tra của các cấp giáo dục chưa thật sự đi sâu và sát vào tình hình thực tế bởi điều kiện thời gian đi thực tế ít ỏi. Và có chăng trường hợp cấp trên cố tình bao che theo kiểu “tốt khoe, xấu che”?
Khi đã xác định “Dân chủ trong trường học là cái gốc của đổi mới” thì việc củng cố, tăng cường, phát huy dân chủ cần được thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả. Những đổi thay tích cực là niềm mong ước lớn của xã hội lúc này.
Hãy thay đổi cơ chế quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm đội ngũ quản lý. Những người có năng lực, có nhiệt huyết đều có cơ hội được tuyển chọn và bồi dưỡng năng lực và tạo cơ hội cống hiến đều cho tất cả mọi người.
Hãy thực hiện nghiêm túc việc luân chuyển cán bộ quản lý khi hết nhiệm kỳ nhằm chống lại sức ì của thói quen và tạo môi trường làm việc mới cho hiệu trưởng cũng như khơi dậy sự đổi mới trong công tác của mỗi giáo viên.
Hãy siết chặt công tác đánh giá, nhận xét của hội đồng giáo viên với hiệu trưởng. Những góp ý chân tình của giáo viên cần được hiệu trưởng lắng nghe. Những phản ánh của giáo viên về tiêu cực cần được cơ quan chức năng xem xét và xử lý công khai, minh bạch. Có như thế thì tiếng nói phản biện của giáo viên mới có cơ hội phát ra và dân chủ mới được thực hiện hiệu quả!
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!