Đắk Nông:

Đắk Nông: Đầu năm học mới, “đau đầu” vì thiếu gần ngàn giáo viên

(Dân trí) - Bước vào năm học mới, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lại “đau đầu” vì thiếu giáo viên đứng lớp. Tình trạng trên diễn ra ở tất cả các huyện, thị xã và kéo dài nhiều năm nay khiến cho việc dạy và học không được đảm bảo.

Ngay tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa 3 và phiên họp thường kỳ tháng 8 do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức mới đây, tình trạng thiếu giáo viên (GV), nhất là thiếu GV cấp học mầm non lại một lần nữa được các địa phương nhắc tới. Tại các cuộc họp này, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng thừa nhận câu chuyện thiếu GV sẽ “chưa có hồi kết” nếu ngành giáo dục, các cấp không có sự linh hoạt theo kiểu “tùy cơ ứng biến”.

Tại huyện biên giới Tuy Đức, đây là năm thứ 3 liên tiếp và là năm thứ 6 kể từ khi huyện này được thành lập rơi vào tình trạng thiếu GV. Theo ông Nguyễn Xuân Đan, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức, năm học 2018- 2019, huyện này thiếu khoảng 113- 117 GV các cấp, trong đó thiếu nhiều nhất là GV bậc mầm non.


Tất cả các địa phương của tỉnh Đắk Nông đều có tình trạng thiếu giáo viên (ảnh minh họa)

Tất cả các địa phương của tỉnh Đắk Nông đều có tình trạng thiếu giáo viên (ảnh minh họa)

Nguyên nhân của tình trạng thiếu GV nhiều năm liền là việc gia tăng dân số tự nhiên cao và số lượng người thuộc diện di dân tự do, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc lớn. Trong khi đó, số lượng GV biên chế, GV hợp đồng được phân bổ về rất hạn chế, nên không đáp ứng kịp nhu cầu dạy học tại địa phương này.

Bước vào năm học 2018-2019, huyện Đắk G’Long có khoảng 542 lớp với 17.627 học sinh ở các cấp học, tăng 18 lớp và 850 học sinh so với năm học 2017-2018. Đây cũng là huyện thiếu nhiều GV nhất tỉnh Đắk Nông, tức phải cần khoảng 290 GV nữa để đáp ứng nhu cầu dạy học. Trong số đó, thiếu nhiều nhất vẫn là GV bậc học mầm non với khoảng 208 giáo viên; trung học cơ sở thiếu 42 GV và tiểu học thiếu 41 GV.

Theo một lãnh đạo của huyện này, nếu không được bổ sung biên chế, số GV thiếu hàng năm sẽ là “cấp số cộng”, năm sau cao hơn năm trước bởi số lượng học sinh trên địa bàn hằng năm tăng.

Không chỉ 2 địa phương đã nêu, tình trạng thiếu GV đang diễn ra ở khắp các huyện, thị xã của tỉnh Đắk Nông, trong đó TX. Gia Nghĩa thiếu 95 GV, huyện Krông Nô thiếu 78 GV, huyện Đắk Song thiếu 77 GV…

Nguyên nhân được các địa phương đưa ra là do dân số cơ học tăng nhanh, trong khi biên chế GV hàng năm không được bổ sung mà còn phải giảm theo lộ trình chính phủ đề ra (theo đề án tinh giản biên chế thì mỗi năm, ngành giáo dục phải giảm tối thiểu 31 biên chế).

“Để khắc phục tình trạng thiếu GV, nhiều trường phải tổ chức dạy hai buổi, dạy kê, dạy gác (tăng tiết) hoặc nâng sĩ số của lớp học lên. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt vì nó gây khó khăn cho công tác dạy và học của giáo viên và học sinh. Chúng tôi cũng rất mong có thêm biên chế cho ngành giáo dục để giải quyết tình trạng trên”, ông Nguyễn Xuân Đan, trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức cho hay.


Để khắc phục, nhiều trường phải tăng tiết hoặc tăng sĩ số lớp học (ảnh minh họa)

Để khắc phục, nhiều trường phải tăng tiết hoặc tăng sĩ số lớp học (ảnh minh họa)

Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Hiệp, trưởng phòng GD-ĐT huyện Cư Jút, hiện huyện này thiếu khoảng 30 biên chế GV mầm non, tuy nhiên cấp tiểu học và THCS lại dư. Trước tình trạng trên, một số cán bộ GV thuộc hai cấp tiểu học và THCS đã đi học thêm và xin chuyển xuống làm việc ở bậc học mầm non. Việc này trước mắt đã bù đắp được một phần nào đó tình trạng thiếu GV của địa phương.

Được biết, trong năm học 2018-2019, toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 167.000 học sinh các cấp, tăng khoảng 7600 học sinh so với năm học trước. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, số trẻ trong độ tuổi đến trường sẽ cao hơn con số 167.000 học sinh do nhiều em vẫn chưa có điều kiện đến trường.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông phân tích, Đắk Nông là tỉnh trẻ, dân di cư tự do cao, hàng năm số lượng học sinh đều tăng dẫn đến tình trạng thiếu biên chế ngành giáo dục. Tình trạng này sẽ còn diễn ra nếu các địa phương không quyết tâm rà soát, sắp xếp lại một cách hợp lý. Để làm được điều này, việc xây dựng lại vị trí, nhu cầu công việc để xây dựng đề án đào tạo, đào tạo lại số biên chế dư thừa, bổ sung cho những nơi thiếu là cần thiết.

Trước mắt, Sở này đang chỉ đạo các địa phương thiếu GV, cơ sở vật chất cấp học mầm non tập trung ưu tiên cho phổ cập trẻ 5 tuổi. Những cháu dưới 5 tuổi thì tùy vào thực tế để tuyển sinh và đẩy mạnh xã hội hóa. Mặt khác, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát, bố trí ngân sách để ký hợp đồng với những GV còn thiếu ở các cấp học trong điều kiện cho phép hoặc chuyển đổi một số vị trí biên chế để bảo đảm công tác dạy học ngay từ khi bước vào năm học mới 2018-2019.

Dương Phong