Đắk Lắk: Hàng loạt cây phượng bị đốn hạ, cắt trụi giữa sân trường
(Dân trí) - Sau sự cố cây phượng bật gốc gây tai nạn khiến nhiều học sinh thương vong tại TPHCM, nhiều trường học tại Đắk Lắk đã tiến hành cưa gốc, cắt tỉa trụi hàng loạt cây xanh, đặc biệt là cây phượng.
Tại trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (Đắk Lắk), sau sự cố cây phượng lâu năm cao khoảng 10m đổ giữa sân trường vào ngày 28/5 vừa qua, lãnh đạo nhà trường đã cho kiểm tra lại toàn bộ cây xanh trong khuôn viên và tiến hành cưa đổ 7 cây phượng trong trường.
Ông Y Khoa Niê Kđăm - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những cây phượng này đều có dấu hiệu mục ruỗng nên trường phải cưa hạ để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên.
Không chỉ tại trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên mà một số trường học khác cũng tiến hành cưa đổ, tỉa phượng và các cây xanh khác.
Tại trường Mầm non Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), trường đã phối hợp lực lượng môi trường và đô thị cưa hạ độ cao của 6 cây tháp bút Ấn Độ. Các thân cây nằm chỏng chơ giữa sân trường khiến ngôi trường nắng chói chang không còn tán mát của bóng cây.
Theo lãnh đạo nhà trường, trong đợt mưa vừa qua, một số cây tháp bút có hiện tượng nghiêng về phía phòng học nên trường đã phối hợp hạ độ cao các cây xanh trong khuôn viên để đảm bảo an toàn trong trường học.
Còn tại trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) có 5 cây phượng đã được cho tỉa hết cành, ngọn chỉ còn trơ trụi thân cây.
Lý giải về sự việc, bà Huỳnh Bích Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu cho rằng, hiện ở Đắk Lắk đã vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ cây gãy, đổ vì gió. Do đó, nhà trường chủ động hạ độ cao một số cây xanh trong khuôn viên, trong đó có 5 cây phượng.
Việc cây xanh, đặc biệt là cây phượng vĩ bị đốn hạ, tỉa trụi khiến nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối với hình ảnh cây phượng đỏ - biểu tượng của lứa tuổi học trò đang dần bị chặt phá trong trường học và mong muốn trường học trước khi chặt hạ phải có sự kiểm tra kỹ càng.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2020, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đã có công văn Sở yêu cầu phối hợp với đơn vị quản lý môi trường đô thị kiểm tra, rà soát toàn bộ cây xanh, cây bóng mát trong khuôn viên đơn vị, trường học có thể gây nguy hiểm, gãy, đổ để thực hiện cắt tỉa và gia cố cọc chống chưa đảm bảo về kỹ thuật đối với cây bóng mát mới trồng.
Trao đổi về vụ việc, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: Tinh thần chỉ đạo của Sở rất cụ thể, trường nào thực hiện không đúng, Sở sẽ kiểm tra và chấn chỉnh lại.
Thúy Diễm