Đắk Lắk: Báo động tình trạng học sinh vi phạm pháp luật

(Dân trí) - Chỉ một thời gian ngắn, tại Đắk Lắk đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ việc học sinh vi phạm pháp luật. Những hành vi này nếu không kịp thời được phát hiện, ngăn chặn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Mâu thuẫn nhỏ nhặt, tổ chức “xử” nhau

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020, rất nhiều vụ học sinh vi phạm pháp luật diễn ra tại Đắk Lắk. Trong đó, có nhiều vụ xuất phát từ mâu thuẫn, xích mích nhỏ giữa học sinh với nhau và do sự không được giải quyết dứt điểm dẫn đến việc thách thức, kéo hàng chục người đánh nhau.

Đắk Lắk: Báo động tình trạng học sinh vi phạm pháp luật - 1
Hàng chục học sinh tham gia đánh nhau vì nợ nần vài trăm ngàn đồng

Cụ thể, vào đêm 5/1, hàng trăm chiến sĩ Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng công an TP.Buôn Ma Thuột đã kịp thời ngăn chặn một vụ hàng chục thanh thiếu niên, học sinh thuộc 2 trường THPT Buôn Ma Thuột và THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột) hẹn nhau tới một đường vắng để đánh nhau.

Khi đi, hai nhóm học sinh này đã mang theo hung khí: côn nhị khúc, dao, kéo, gậy sắt… để đánh nhau. Lúc cả hai nhóm định xông vào giải quyết mâu thuẫn thì được cơ quan công an kịp thời ngăn chặn, đưa về trụ sở để làm rõ.

Quá trình xác minh, cơ quan công an xác định chỉ vì mâu thuẫn nợ nần nhau vài trăm ngàn đồng không chịu trả, dẫn đến việc hẹn đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn kiểu “giang hồ”.

Lên mạng học những điều xấu để áp dụng

Bên cạnh đó, việc học sinh sử dụng mạng internet để xem những thông tin không lành mạnh như học cách chế tạo pháo, học cách cho vay tiền kiểu “tín dụng đen” rồi áp dụng là tình trạng đã xảy ra tại Đắk Lắk.

Đắk Lắk: Báo động tình trạng học sinh vi phạm pháp luật - 2
Học sinh lớp 7 lên Youtube học cách chế tạo pháo đem bán

Trường hợp em U.H.P. (SN 2006, lớp 7, Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) đã tự lên internet học từ Youtube cách chế tạo pháo để “kinh doanh” bán kiếm tiền. Cụ thể, sau khi biết cách tạo pháo, P. đã vay tiền của bạn và đặt mua 1kg chất KCLO3; 0,5kg bột lưu huỳnh và ống nhựa PVC.

Sau khi có nguyên liệu, em P. đã tự chế được 23 quả pháo, trong đó có 1 quả em tự cho nổ cho vui và 22 quả còn lại em bán cho một người ở tại thị xã Buôn Hồ với giá 7 ngàn đồng/quả. Riêng số nguyên liệu chế tạo pháo còn lại, em P. cho một người bạn cùng lớp để tự chế pháo nhưng không may khi bạn này quá trình chế pháo thì phát nổ khiến bị cháy xém cả vùng mặt và bị bỏng phải vào viện cấp cứu.

Theo một cán bộ Công an xã Pơng Drang, việc làm của các em may mắn được phát hiện kịp thời nếu không sẽ gây hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, việc các học sinh sử dụng điện thoại có sẵn tài khoản của bố mẹ để đặt mua những chất nổ trên mạng nhưng gia đình không hề hay biết là điều nguy hiểm. Chỉ đến khi sự việc bị phát hiện, các phụ huynh mới tá hỏa trước hành động của con em mình.

Đắk Lắk: Báo động tình trạng học sinh vi phạm pháp luật - 3
Nhóm học sinh cho vay nặng lãi kiểu "tín dụng đen" làm việc với cơ quan công an

Nghiêm trọng hơn, em P.Đ.H. (SN 2001, học sinh lớp 11, trường THPT Phan Đăng Lưu, huyện Krông Búk) đã lên mạng Youtube để bắt chước người lớn cách cho vay tiền “tín dụng đen” và áp dụng cho bạn bè cùng trường vay với lãi suất lên tới 20%/7 ngày.

Điều đáng nói khi người bạn không đủ tiền để trả thì bị H. đe dọa không cho đến trường. Sự việc này sau đó bị cơ quan chức năng phát giác và triệt xóa khi mới diễn ra gần 1 tháng. Cụ thể, có 15 em học sinh đã tham gia việc vay - mượn tiền hình thức “tín dụng đen” do H. đứng đầu. Qua xác minh, tổng số tiền vay là 23,4 triệu đồng và số tiền học sinh đã đóng lãi ước tính 9 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Công an huyện Krông Búk, cho biết, em P.Đ.H. - người trực tiếp cho vay tiền từng có 2 năm nghỉ học và đi làm nên có dành dụm được một số tiền nên đã cho vay. Sau khi được mời đến trụ sở công an huyện làm việc, tất cả các em đều ăn năn, hối lỗi về hành vi của mình. Các phụ huynh cũng ngỡ ngàng trước việc con em mình sai phạm và cũng hứa sẽ có biện pháp giáo dục, quan tâm con em mình hơn nữa.

Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, ngay từ đầu năm học đến nay Sở đã có nhiều công văn về việc phòng, chống bạo lực học đường cũng như những việc học sinh không được vi phạm pháp luật. Đồng thời, trường học phối hợp cơ quan chức năng tổ chức nhiều buổi ngoại khóa giúp các em nâng cao trách nhiệm.

 “Để ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, bạo lực học đường cần tăng cường hơn trách nhiệm của nhà trường nhất là giáo viên chủ nhiệm. Cần sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường với gia đình và xã hội để giáo dục các em cách tốt nhất . Đồng thời, với những trường hợp vi phạm đến mức kỷ luật, nhà trường và cơ quan công an sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định”, ông Khoa cho hay.

Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm