Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam 2022: Luyện tập từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối
(Dân trí) - Gặt hái được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi chuyên môn cao từ khi còn là sinh viên, Trần Văn Phúc (1997, Bình Định) được bổ nhiệm làm Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam 2022.
Một số thành tích của Văn Phúc:
- Huy chương Đồng Giải pháp phần mềm CNTT Đông Nam Á năm 2018.
- Huy chương Vàng Giải pháp phần mềm CNTT toàn quốc năm 2018.
- Giải Nhất Giải pháp phần mềm CNTT Bộ Công Thương năm 2018.
- Giải Nhì Giải pháp phần mềm CNTT thành phố Hồ Chí Minh năm 2018.
- Giải thưởng Công nghệ Thông tin và Truyền thông dành cho sinh viên xuất sắc trong học tập, nghiên cứu ngành CNTT năm 2018 và năm 2019.
- Chứng chỉ Kỹ năng nghề Xuất sắc nghề Giải pháp phần mềm CNTT thế giới tổ chức tại Nga năm 2019.
- Giải thưởng Tài năng trẻ lĩnh vực Khoa học - Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.
- Top 10 cuộc thi sáng tạo phần mềm ứng dụng TP. HCM năm 2019
- Huy chương Đồng cuộc thi Thiết kế, sáng tạo, ứng dụng TP. HCM năm 2019.
- Giải thưởng "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc của Trung ương Đoàn thanh niên Việt Nam năm 2020.
- Bằng khen Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2020.
- Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Nam năm 2022.
- Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam năm 2022.
Luyện tập từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối ròng rã một năm
Ngay từ ngày bé với sự tò mò của một đứa trẻ, Văn Phúc đã thích tìm hiểu về những thứ liên quan đến chiếc máy tính, về cơ chế hoạt động của nó. Cho đến năm anh học lớp 11, khi anh tự mình hoàn thành trang web đầu tiên, niềm đam mê với công việc lập trình đã nhen nhóm trong cậu học sinh 17 tuổi. Kiên trì theo đuổi đam mê, anh theo học ngành Kỹ thuật phần mềm tại Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và ra trường với tấm bằng Giỏi.
Trong suốt quãng đời sinh viên, Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam không ngừng trau dồi kiến thức và khả năng thực hành của bản thân. Ngay từ năm 2 anh đã tham gia trợ giảng các môn thuộc chuyên ngành Công nghệ thông tin tại trường như Kỹ thuật lập trình, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật...
Đến năm 3, Phúc bắt đầu tham gia nhiều các cuộc thi có tính chuyên môn cao để có cơ hội thực hành nhiều hơn và một trong những cuộc thi mang lại cho anh nhiều kỹ năng nhất đó là Kỳ thi tay nghề thế giới 2019.
"Đầu năm thứ ba, mình vừa thi xong cuộc thi lập trình quốc tế ACM/ICPC ( ACM International Collegiate Programming Contest - cuộc thi lập trình quốc tế lớn dành cho sinh viên trên toàn thế giới) vòng châu Á nên khá rảnh và lúc đó một anh khóa trên đã rủ mình tham gia kỳ thi tay nghề cấp trường. Nỗ lực hết mình cùng sự may mắn, mình đã vượt qua 6 vòng thi và đến với chặng cuối của cuộc thi là Kỳ thi tay nghề thế giới tại Nga.
Ở những vòng đầu, thời gian mình bỏ ra cho việc ôn luyện chỉ từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày nhưng càng vào sâu hơn độ khó càng tăng lên và thời gian luyện tập cũng vậy. Riêng đối với vòng thế giới, mình phải tuân thủ chế độ luyện tập khắc nghiệt. Mỗi ngày mình bắt đầu luyện tập từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 9 giờ tối, cứ ròng rã như vậy một năm tại trường.
Nghề Giải pháp phần mềm Công nghệ thông tin đòi hỏi nguồn kiến thức rất lớn. Không chỉ kiến thức lý thuyết, thực hành mà nó còn cần kiến thức toán học, khả năng giải quyết vấn đề, quản lý thời gian khi mình phải tự làm tất cả các công đoạn để tạo ra một hệ thống hoàn chỉnh.
Đặc biệt, đề thi hoàn toàn đóng và thời gian rất ngắn. Một module trong đề thi khi đi làm bình thường có khi phải mất cả ngày mới xong nhưng khi đi thi mình chỉ có 3-4 tiếng để hoàn thành", Phúc chia sẻ.
Niềm đam mê với võ thuật
Ngoài đam mê với công việc lập trình và những dòng code, Phúc còn dành niềm yêu thích lớn cho võ thuật, cụ thể là môn võ Karatedo. Cho đến hiện tại, anh đã gắn bó với nó 14 năm.
"Mình bắt đầu tập môn võ Karatedo từ năm 2008 tại câu lạc bộ của thị xã. Học võ giúp mình rèn luyện sức khỏe, có tính kỷ luật và trở nên dạn dĩ hơn ngay khi còn bé.
Từ năm 2010, mình bắt đầu hỗ trợ thầy cô đứng lớp tại câu lạc bộ và dần dần mình cứng cáp hơn, có kiến thức tốt trong rèn luyện nên được thầy cô tin tưởng để tự đứng lớp huấn luyện các em khóa sau. Mình dạy các em cho đến khi mình lên đại học, học tập và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh thì mình chuyển sang hỗ trợ các em qua hình thức trực tuyến vì không thể về quê thường xuyên.
Gắn bó với Karatedo 14 năm, từ cậu bé không biết gì về võ thuật đến đai đen rồi trở thành một huấn luyện viên dạy võ là hành trình mình vô cùng trân quý và biết ơn. Dù trong khi tập luyện hay thi đấu tỷ lệ xảy ra chấn thương rất cao, có những ngày mình tập đấu, biểu diễn hay nhào lộn trên nền xi măng về người chi chít những vết bầm tím và đau ê ẩm nhưng mình hạnh phúc khi được làm điều đó.
Đặc biệt, trong hành trình ấy mình sẽ nhớ mãi cô Hồ Thị Nữ Phúc, người huấn luyện viên chỉ dạy mình từ những ngày đầu tiên vào võ đường, người huấn luyện viên vừa truyền lửa môn võ Karatedo vừa dạy cho mình cách làm người. Cho đến hiện tại, cô vẫn đang đồng hành cùng câu lạc bộ và bền bỉ truyền đạt kiến thức cho các thế hệ võ sinh sau khiến mình rất khâm phục", Phúc chia sẻ.
Trưởng thành cùng võ thuật nên hiện tại dù bận rộn với công việc Phúc vẫn tập luyện Karatedo. Khoác lên bộ võ phục tập luyện, ôn lại những bài quyền hay cùng bạn bè đấu vài hiệp đấu sau những giờ học, giờ làm việc căng thẳng là cách xả stress lành mạnh Phúc lựa chọn.
Vừa qua, khi được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp bổ nhiệm làm Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam ở tuổi 25, anh vô cùng vui mừng và đây là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời anh với nguồn động lực to lớn để tiếp tục phát triển bản thân từ tri thức đến tay nghề.
Trên cương vị Đại sứ Kỹ năng nghề, Văn Phúc gửi gắm các bạn trẻ: "Với những bạn trẻ đang mông lung và tìm kiếm một công việc phù hợp với bản thân, mình mong các bạn sẽ dành thời gian suy nghĩ kỹ về một công việc có thể gắn bó với các bạn 8 tiếng mỗi ngày. Còn với những bạn đã tìm được nghề nghiệp bản thân muốn gắn bó, các bạn hãy tiếp tục chăm chỉ, không ngừng học hỏi, trái ngọt sẽ đến với các bạn".
Ảnh: NVCC