Đãi ngộ giáo viên MN: Nhiều cô giáo đã phải gom từng cọng rau sống qua ngày

(Dân trí) - Cô giáo mầm non dân lập nghỉ việc, có cô đã ngoài tuổi 70 còn phải lao động, gom từng cọng rau, hạt lúa để tự nuôi sống hàng ngày, ốm đau không có bảo hiểm y tế, cuộc sống vất vả. Điều lớn hơn là đời sống tinh thần, luôn buồn tủi, luôn day dứt đã từng công tác trọn đời cho ngành mà sao mình lại phải chịu thiệt thòi lớn như vậy.

Nhà giáo ưu tú cũng không lương, không trợ cấp

Tại Hội thảo đề xuất chính sách, chế độ cho đội ngũ giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, cô giáo Nguyễn Thị Toan, phường Cộng Hòa – Thị xã Chí Linh – Tỉnh Hải Dương đã kể một số trường hợp giáo viên đã chịu đựng nhiều khó khăn cả trong thời gian công tác cũng như lúc nghỉ.

Cụ thể như cô Nguyễn Thị Đoàn 73 tuổi ở xã Dân chủ huyện Tứ kỳ tỉnh Hải Dương là hiệu trưởng mầm non trước năm 1975, là Nhà giáo ưu tú nhưng không lương, không trợ cấp. Hoàn cảnh không chồng, không con, ở với em gái cũng không chồng không con, sức khỏe rất yếu. Hiện tại được chính quyền địa phương các đoàn thể giúp đỡ xây cho một ngôi nhà tình nghĩa 3 gian cấp 4 để hai chị em sinh sống.

Hay như cô giáo Nguyễn Thị Ban 69 tuổi cũng ở phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, dạy mẫu giáo năm 1972, khi dân quân xã bắn rơi máy bay, chị đã quan sát và một mình cõng bế các cháu ra nơi an toàn, đúng lúc chuyển hết trẻ đi thì chiếc máy bay rơi đúng khu lớp mẫu giáo. Sau đó chị được nhà báo về phỏng vấn viết bài: “Đẹp như cánh hoa Ban”. Nhưng thời gian dạy mẫu giáo chị cũng không được hưởng chế độ gì.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiệm, nguyên Phó trưởng phòng, Phòng GD-ĐT huyện Từ Liêm, HN chia sẻ, chỉ đến năm 1995, huyện bắt đầu trợ cấp cho mỗi cô 50,000đ/tháng. Đến năm 2000, mỗi cô được trợ cấp 100,000đ/tháng. Năm 2002, các cô bắt đầu được mua BHXH. Thời điểm này, một số cô giáo đến tuổi nghỉ hưu nhưng không có chế độ gì; các cô giáo nghỉ trước năm 2002 cũng không được hưởng chế độ gì, các cô giáo nghỉ từ năm 2002 được hưởng 50,000đ/năm công tác.

Cô Nhiệm cho hay, năm 2003, lúc ấy các chị em giáo viên mầm non vẫn được hưởng trợ cấp 100,000đ/tháng, phần còn lại do trường cân đối thu học phí theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT để trả thêm phụ cấp cho chị em. Sau đó, nhiều cô giáo lớn tuổi lần lượt nghỉ công tác và chịu rất nhiều thiệt thòi. Thời gian đóng bảo hiểm không đủ để được hưởng lương hưu. Sau này Bảo hiểm xã hội cho đóng thêm quay trở lại 5 năm cũng giải quyết được cho một số chị em nghỉ hưu nhưng lương quá thấp, rất thiệt thòi so với quá trình cống hiến cả đời cho ngành học mầm non. Nhiều cô giáo nghỉ việc chỉ được xã thông báo bằng miệng chứ không có giấy tờ gì.

NGND.TS Lê Văn Phớt, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Nghệ An cho biết, do điều kinh tế khó khăn lại trải qua 2 cuộc kháng chiến các cô giáo mầm non chấp nhận gian khổ, thiếu thốn vẫn bám lớp, bám trường, nhiều cô đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân, tuổi lao động của mình cho ngành học mầm non.

Khi làm việc với đồng phụ cấp ít ỏi, ra khỏi ngành, hết tuổi lao động không một đồng lương hưu, Tuổi trẻ đi dạy không đủ ăn phải bám vào nguồn thu nhập nông nghiệp của chồng, tuổi già nghỉ việc nhờ cậy vào con cái. Sự hy sinh đó quá lớn đối với người phụ nữ.

Hơn thế khi nghỉ việc thì đất nước được phát triển, chế độ đãi ngộ cho giáo dục được Đảng và Nhà nước quan tâm, tiền lương của giáo viên mầm non hiện tại được bảo đảm, đời sống gấp hàng chục lần so với cô giáo dân lập trước đây, họ khi giảng dạy có lương đầy đủ, khi hết tuổi lao động có đồng lương hưu, có bảo hiểm y tế.

TS Lê Văn Phớt cho hay, cô giáo mầm non dân lập nghỉ việc, có cô đã ngoài tuổi 70 còn phải lao động, gom từng cọng rau, hạt lúa để tự nuôi sống hàng ngày, ốm đau không có bảo hiểm y tế, cuộc sống vất vả. Điều lớn hơn là đời sống tinh thần, luôn buồn tủi, luôn day dứt đã từng công tác trọn đời cho ngành mà sao mình lại phải chịu thiệt thòi lớn như vậy. Họ luôn luôn hy vọng Đảng và Nhà nước khi có điều kiện sẽ nhớ đến họ và cho họ một ít chế độ để an ủi họ ở tuổi già cuối cuộc đời.


Nhiều giáo viên mầm non nghỉ hưu có cuộc sống vô cùng vất vả vì không được hưởng chế độ gì (ảnh minh họa)

Nhiều giáo viên mầm non nghỉ hưu có cuộc sống vô cùng vất vả vì không được hưởng chế độ gì (ảnh minh họa)

Lỗi do Chính sách bảo hiểm Xã hội?

Trước những vấn đề trên, Hội Cựu giáo chức Việt Nam khẳng định, nhiều GVMN nghỉ công tác không được hưởng chế độ là do quy định của Chính sách bảo hiểm xã hội. Cụ thể, năm 2008, Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã có công văn số 108/2008-CGC ngày 20/11/2008 gửi Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và xã hội để đề nghị giải quyết chế độ chính sách cho các cô nuôi dạy trẻ, giáo viên mẫu giáo, giáo viên vỡ lòng đã nghỉ công tác mà không được hưởng chế độ của Nhà nước. Bộ LĐ, TB&XH đã trả lời tại công văn số 542/LĐTBXH-BHXH ngày 26/2/2009 như sau:

“Căn cứ vào quy định chính sách bảo hiểm xã hội ban hành trước năm 1995, thì giáo viên vỡ lòng sau đó được chuyển vào biên chế Nhà nước thì thời gian làm giáo viên vỡ lòng được cộng với thời gian làm việc ở khu vực Nhà nước đề làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội. Đối với trường hợp giáo viên mà sau đó không chuyển vào biên chế Nhà nước thì khi hết tuổi lao động không được hưởng chế độ”.

Nhiều GVMN biết mình không được tuyển vào biên chế Nhà nước nhưng muốn tham gia đóng bảo hiểm để khi nghỉ được hưởng chế độ theo nguyên tắc của chính sách bảo hiểm xã hội là : “có đóng thì có hưởng”. Nhưng vì đã nhiều tuổi, có đóng cũng không đủ được số năm phải đóng nên đành cam chịu nghỉ công tác không có chế độ.

Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, lý do chủ yếu làm cho nhiều GVMN trước đây (trước khi có chính sách BHXH) nghỉ công tác không được giải quyết chế độ là do quy định của chính sách bảo hiểm. Việc áp dụng chính sách bảo hiểm đối với những người đã làm việc từ trước khi có chính sách cần được điều chỉnh để đảm bảo công bằng xã hội.

Cô giáo Nguyễn Thị Toan đề nghị với Đảng và Chính phủ, các bộ ngành quan tâm chế độ giáo viên mầm non hiện không có lương, không có trợ cấp, cụ thể trích một phần ngân sách để hỗ trợ chị em bớt đi khó khăn của cuộc sống, bù đắp những hi sinh cho những ngày mà các chị đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Mầm non.

Đặc biệt, chỉ đạo thống nhất các tỉnh thực hiện các công văn hướng dẫn về mọi chế độ chính sách của giáo viên Mầm non như công văn số 333 của Bộ LĐ&TB Xã hội về việc tính thời gian công tác trước ngày 01/1/1995 để hưởng bảo hiểm xã hội đối với giáo viên Mầm non và điều chỉnh lương hưu cho các đối tượng theo như công văn hướng dẫn.

Hội Cựu giáo chức tiếp tục đề nghị Nhà nước có chế độ cho GVMN nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ của Nhà nước. Theo đó, Hội đề xuất thực hiện chế độ trợ cấp 1 lần bằng tiền cho GVMN nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ của Nhà nước. Căn cứ vào lương cơ bản do Nhà nước quy định ở thời điểm thực hiện chính sách (ví dụ: Lương cơ bản hiện nay là 1.390.000đ); Căn cứ vào số năm công tác của từng người; Căn cứ vào tờ khai cá nhân có xác nhận của UBND cấp xã và Danh sách tổng hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, có dấu và chữ ký của Lãnh đạo Phòng.

Theo đó, mức trợ cấp như sau: Đối với người có số năm công tác dưới 5 năm thì cấp một thẻ bảo hiểm y tế; Đối với người có số năm công tác từ 5 năm trở lên thì trợ cấp mỗi năm công tác một khoản tiền mặt bằng 30% lương cơ bản ( hệ số k = 30%)

Ví dụ: Một GVMN có số năm công tác là 5 năm, được tính hưởng trợ cấp tháng 8/2018 với mức lương cơ bản là 1.390.000đ. Nhà nước cho hưởng hệ số % LCB ở mức k=30%; Số tiền giáo viên đó được trợ cấp là: 1.390.000 x 30% x 5 = 2.085.000đ

(Ghi chú: Hệ số k để điều chỉnh mức trợ cấp tăng lên hoặc giảm xuống tùy theo khả năng tài chính chi trả của Nhà nước. Mức k = 30% ở trên chỉ là ví dụ, không phải là mức đề xuất).

Nhật Hồng