Thu nhập của giáo viên mầm non TPHCM cao hơn các địa phương khác
(Dân trí) - Đó là khẳng định của lãnh đạo TPHCM trong buổi gặp gỡ, trao đổi với sinh viên trường ĐH Sài Gòn (ngôi trường thuộc UBND TPHCM có đào tạo ngành Sư phạm). TPHCM hiện có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút giáo viên mầm non làm việc trên địa phương.
Trong buổi gặp gỡ vào chiều ngày 15/8 vừa qua, cô sinh viên (SV) năm cuối ngành Giáo dục Mầm non Nguyễn Thị Tuyết Nhi bộc bạch rằng: “Khi được biết TPHCM có chính sách tuyển giáo viên không cần hộ khẩu ở TPHCM, SV ở tỉnh chúng em rất vui mừng nhưng cũng có lo lắng. Vì nhiều anh chị ra trường trong quá trình làm việc gặp nhiều áp lực về tiền lương thấp, cơ sở vật chất ở các trường còn hạn chế, số trẻ trên lớp quá đông gây áp lực lớn”.
Chia sẻ lại với ý kiến SV, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng vấn đề tuyển giáo viên không có hộ khẩu là cơ hội và thách thức cho các em, đòi hỏi SV đang theo học tại đây phải cố gắng hết sức trong học tập vì sẽ có nhiều ứng viên giỏi từ các địa phương khác đến thi tuyển.
Về chế độ chính sách với giáo viên mầm non, ông Nam cho rằng: “TPHCM đã có nhiều chính sách thu hút và đãi ngộ, theo quy định nhà nước là có phụ cấp nghề nghiệp là 35% (ngoài lương), riêng TPHCM sẽ hỗ trợ thêm 35% lương cơ bản nữa nên thu nhập của giáo viên mầm non của TPHCM cao hơn bất kể tỉnh nào”.
Ngoài ra, TPHCM còn hỗ trợ 100% lương cơ bản cho giáo viên mầm non mới ra trường trong năm đầu tiên, đến năm 2 được hỗ trợ 75%, năm thứ 3 là 50%, khi giáo viên có mức lương cao thì thành phố không hỗ trợ nữa.
Ông Nam cũng cho rằng các SV nói về áp lực trẻ bậc mầm non đông thì tình hình thành phố đúng vậy. “Áp lực rất lớn đối với giáo viên chúng ta. Để thực hiện đúng chức năng của mình, ngay trong ghế nhà trường cần rèn luyện tình yêu trẻ, sự kiên trì để có thể vượt qua được áp lực hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nam chia sẻ.
Vấn đề mầm non, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TPHCM 1,6 triệu HS-SV thì riêng bậc mầm non có 600.000 HS, số lượng lớn nhất trong các bậc học. Vì 5 năm dân số tăng 1 triệu người trong đó có nhiều trẻ em và thành phố phải có trách nhiệm đảm bảo trẻ phải được học lớp 1.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định với sinh viên: "Chọn học Sư phạm, các em chỉ lo học tốt chứ đừng lo không có việc làm và sau này thu nhập cũng sẽ tốt”.
Ở TPHCM, trẻ 3-4 tuổi đi học chiếm 95% và thành phố quan tâm đến bậc học này. Trong các nước Asean chỉ có Việt Nam mới có phổ cập mầm non 5 tuổi, đó là đường lối của chúng ta quan tâm đến trẻ em. Riêng TPHCM thì có giải pháp hỗ trợ 70% thu nhập cho giáo viên mầm non ở năm đầu tiên. Do đó, ông Nhân nhấn mạnh với các sinh viên rằng nếu “chọn học sư phạm các em chỉ lo học tốt chứ đừng lo không có việc làm và sau này thu nhập cũng sẽ tốt”.
Tại buổi làm việc, PGS. TS Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn đề xuất cho phép trường được thành lập thêm trường tiểu học và mầm non thực hành (hiện trường đã có Trường trung học thực hành Sài Gòn).
Bên cạnh đó, hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn mong được xem xét cấp đất sau khi mảnh đất 14 ha được chỉ đạo giao cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Sau khi trường bàn giao 14 ha đất quận 7 cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng theo thông báo số 118-TB/VPTU ngày 28/4/2016, đến nay, trường vẫn chưa được cấp đất lại. Vì vậy, trường mong thành phố xem xét cấp đất sớm.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đồng ý về chủ trương và cho rằng nên có ưu tiên để hình thành 2 trường thực hành mầm non và tiểu học để SV những ngành này được thực hành nghề nghiệp. Ông Nhân đề nghị trường lập đề án với nội dung cụ thể, trên cơ sở đó thành phố sẽ xem xét các quận đang có nhu cầu thành lập thêm trường và đang còn đất thì có thể triển khai. Cũng theo ông Nhân, nếu có thêm 2 trường này coi như có thêm 2 trường công lập trên địa bàn.
Cũng theo báo cáo của nhà trường về đội ngũ cán bộ viên chức, số học hàm cao nhất là phó giáo sư (chiếm tỷ lệ 4%). Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng một trường ĐH mà chưa có giáo sư là chưa đúng. Trường cần tiến hành rà soát lại lực lượng thầy cô, tiếp tục đào tạo tiến sĩ và nâng cán bộ chủ chốt để có nhiều phó giáo sư, giáo sư.
Lê Phương