Hơn 122.000 giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ
(Dân trí) - Theo thống kê ban đầu của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD&ĐT, tổng số giáo viên mầm non (GVMN) nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ hiện nay là 122.440 người ở 31 tỉnh/thành phố.
Trong đó, số GVMN không được hưởng chế độ do không được chuyển tiếp dạy tiểu học là khoảng 47.000 người; Số GVMN không được hưởng chế độ do hoàn cảnh gia đình và các hoàn cảnh khác mà nghỉ việc là khoảng 72.000 người.
Cống hiến 30 năm nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ nào
Tại hội thảo đề xuất chính sách, chế độ cho đội ngũ giáo viên mầm non nghỉ công tác mà chưa được hưởng chế độ ngày 14/8, ông Trần Kim Tự, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho biết, qua khảo sát, số GVMN nghỉ công tác chưa hưởng chế độ đều có quá trình công tác, làm việc tương đối lâu dài trong những năm gian khó của đất nước. Nhiều giáo viên vào ngành những năm 1970, sau 20-30 năm công tác không được hưởng bất cứ chế độ, chính sách nào.
Đa số GVMN thời kỳ này, do yêu cầu cấp thiết của nhân dân, được dân phát hiện, tiến cử làm GVMN, không được đào tạo bài bản, không được biên chế, dạy ở các nhà kho hoặc nhờ nhà dân, được trả công bằng thóc (những năm 1980 được trả khoảng 10 kg thóc/tháng, những năm 1990 được trả khoảng 20 kg thóc/tháng) hoặc thù lao do cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp (những năm 1990 được trả thù lao khoảng 40.000- 50.000 đ/tháng), trong đó các cô giáo phải tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.
Các giáo viên này đều tâm huyết với nghề, chịu đựng khó khăn, vất vả để thực hiện nhiệm vụ. Nhiều giáo viên đã được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý trường mầm non, nhiều giáo viên phấn đấu đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, được tặng giấy khen, có GV được nhà nước công nhận “Nhà giáo ưu tú”.
Ông Tự cho biết thêm, đến những năm 2000, khi nhà nước ban hành chính sách biên chế cho Hiệu trưởng trường mầm non, do yêu cầu chuyển từ trông trẻ sang chăm sóc, giáo dục trẻ cần có sự đào tạo bài bản, cung cấp những kiến thức ban đầu về chăm sóc, giáo dục trẻ nên một số GVMN không đáp ứng được nên nghỉ công tác.
“Đời sống hiện nay của hầu hết của các GVMN này đều gặp rất nhiều khó khăn. Không có lương hưu, không có chế độ BHXH, thu nhập để duy trì cuộc sống đều nhờ vào ngày công lao động phổ thông, buôn bán nhỏ lẻ; nhiều GVMN không lập gia đình hoặc gia đình ly tán; nhiều GVMN nay đã gần trăm tuổi, không có chế độ, không chỗ dựa trong cuộc sống” - ông Tự cho hay.
Theo ông Tự, do cơ chế quản lí trong giai đoạn, thời kì khó khăn của đất nước nên hầu hết GVMN khi vào dạy học và khi nghỉ việc được UBND xã thông báo bằng miệng, không có văn bản giấy tờ.
Qua khảo sát, hầu hết GVMN khi nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ không lưu giữ được các giấy tờ cần thiết, một số ít GVMN lưu giữ được các giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ dạy mầm non, giấy khen, quyết định nghỉ việc hoặc thể hiện quá trình công tác trong hồ sơ Đảng viên.
Lập danh sách giáo viên mầm non được hưởng chế độ trước ngày 15/9/2018
Tại hội thảo, ý kiến của đại diện các tỉnh và lãnh đạo Bộ GD&ĐT đều kiến nghị với Nhà nước cần phải có chế độ, chính sách đối với GVMN nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ để ghi nhận những đóng góp của những nhà giáo đã hi sinh tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người, không tiếc tuổi xanh và sức lực của mình đặt nền móng xây dựng và phát triển giáo dục mầm non.
Đề xuất chế độ, chính sách đối với những GVMN cũng là bảo đảm an sinh xã hội đối với đối tượng này trong chính sách chung của Nhà nước hiện nay.
Theo ông Trần Kim Tự, chỉ giải quyết chế độ, chính sách cho GVMN nghỉ công tác mà chưa được hưởng bất kì chế độ, chính sách nào của Nhà nước.
Đối tượng đề nghị hưởng chế độ, chính sách phải bảo đảm có hồ sơ giấy tờ chứng minh thời gian công tác như lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên; giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi GVMN nghỉ công tác như Quyết định, Công văn cho nghỉ việc; giấy khen trong thời gian dạy học; giấy chứng nhận tham gia dạy học; giấy điều động công tác, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ...
Trường hợp GVMN không còn các giấy tờ nêu trên thì phải nộp bản khai có chứng thực của UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc UBND xã/phường nơi đã tham gia dạy học (bản chính). UBND xã/phường là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc xác nhận cho đối tượng này.
Bên cạnh đó, đề xuất chế độ, chính sách GVMN được hưởng theo hướng trợ cấp 1 lần như chế độ, chính sách của các đối tượng cùng thời kì như Cán bộ xã thời kì bao cấp, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến.
Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất xây dựng Nghị định về giải quyết chế độ, chính sách cho GVMN nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ.
Để bảo đảm chế độ, chính sách được thực hiện đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục, cần tập trung rà soát tất cả các đối tượng ở các địa phương trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
"Các Sở giáo dục và đào tạo phối hợp Hội Cựu giáo chức các tỉnh/thành phố chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, Hội Cựu giáo chức các huyện/thị xã rà soát, lập danh sách cụ thể, chi tiết từng GVMN nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ, tổng hợp báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/9/2018" - lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Mỹ Hảo