Đại học Việt Nam từng bước xuất hiện trên bản đồ KH-CN khu vực, thế giới
(Dân trí) - Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về bức tranh hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong các trường đại học Việt Nam. Ông cho biết, tiềm lực KHCN của các cơ sở giáo dục đại học đang có những chuyển biến rõ nét.
Sáng nay 29/7, Hội nghị “Phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ KH-CN tổ chức diễn ra tại Hà Nội. Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh đồng chủ trì.
Hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, nhà khoa học, giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các bộ ngành, các doanh nghiệp quan tâm tới nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ tham dự hội nghị. Hội nghị nhằm mục đích tìm các giải pháp khả thi để đẩy mạnh NCKH, phát triển KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với thực tế trước mắt cũng như yêu cầu lâu dài về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Tiềm lực KHCN của các cơ sở giáo dục đại học chuyển biến rõ nét
Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chính là quốc sách hàng đầu mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngành Giáo dục, trọng tâm là các cơ sở giáo dục đại học, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của đất nước. Ngoài sứ mạng đào tạo, cơ sở giáo dục đại học còn là nơi để các nhà khoa học, giảng viên nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến. Có thể nói, hoạt động KHCN nói chung và NCKH nói riêng trong hệ thống các trường đại học được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo ra những tri thức mới, sản phẩm mới, cải cách quy trình công nghệ, nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong những năm qua, tiềm lực KHCN của các cơ sở giáo dục đại học có những chuyển biến rõ nét nhờ sự nỗ lực, chủ động không ngừng của ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học. Đội ngũ nhà khoa học trong các cở sở giáo dục đại học tăng cả về chất lượng và số lượng; cơ sở hạ tầng KHCN phục vụ nghiên cứu, đào tạo và phát triển kinh tế xã hội được quan tâm đầu tư; các công bố khoa học quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học tăng, chiếm hơn 80%; các sản phẩm khoa học, sản phẩm chuyển giao khác đóng góp quan trọng của hoạt động NCKH cho giáo dục . Đáng chú ý, nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa ở thị trường trong nước và thế giới.
“Đáng chú ý, nhiều cơ sở giáo dục đại học, nhà khoa học có đủ năng lực, uy tín để thực hiện các nghiên cứu, triển khai ứng dụng và làm chủ các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến. Vị thế các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang từng bước xuất hiện trên bản đồ KH&CN, giáo dục của khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Nghiên cứu khoa học của các trường: Vẫn nhỏ lẻ, tản mạn
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thẳng thắn đề cập những hạn chế trong việc đưa hoạt động KHCN vào các trường đại học. Cụ thể: cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ giảng viên tham gia NCKH của các cơ sở giáo dục đại học chưa mạnh mẽ và hiệu quả; chính sách hỗ trợ các trường trong việc thúc đẩy hoạt động KHCN còn bất cập; các trường, giảng viên chưa thực sự coi trọng nghiên cứu khoa học, thiếu đầu tư trọng điểm cho các nhóm nghiên cứu gắn với các ngành đào tạo trọng tâm. Kinh phí đầu tư còn nhiều hạn chế, nhiều thủ tục còn mang tính hành chính, gây khó khăn cản trở và chưa khuyến khích được các nhà khoa học tích cực tham gia nghiên cứu.
Các kết quả KHCN đạt được vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. “Mặc dù số lượng đề tài lớn, công trình công bố đã bao phủ trên hầu hết các lĩnh vực, tuy nhiên, đề tài mang tầm bao quát, có ảnh hưởng sâu rộng chưa nhiều. Những nghiên cứu của các trường vẫn nhỏ lẻ, tản mạn, chưa có đóng góp nổi bật trong nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển kinh tế-xã hội”, ông chỉ rõ.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao, đầu ngành trong từng lĩnh vực còn thiếu đã dẫn đến chất lượng đào tạo và NCKH chưa cao. Thêm nữa, đội ngũ giảng viên ở các trường đại học chủ yếu tham gia giảng dạy, thiếu chủ động và chưa chú trọng đúng mức đến hoạt động NCKH đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo và chuyển giao công nghệ. Cơ sở vật chất cũng như tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, xu hướng mô hình đại học Việt Nam đang dần dần chuyển hướng từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng gắn kết với thực tiễn. Tuy nhiên, phương châm xã hội hóa giáo dục, gắn kết giáo dục với thực tế yêu cầu của xã hội, đặc biệt là gắn kết với doanh nghiệp chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Do vậy, Bộ trưởng GD&ĐT, việc tăng cường mối liên kết giữa đại học và doanh nghiệp nhằm chuyển giao tri thức từ trường đại học vào cuộc sống sẽ là một giải pháp lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội và đồng thời tạo đà phát triển cho bản thân trường đại học.
Từ những phân tích trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Hội nghị Khoa học - Công nghệ lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển hoạt động NCKH ở các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian tới. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà giáo dục ra đâu là điểm nghẽn trong hoạt động KHCN nói chung và NCKH nói riêng trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Từ đó, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn đó. Phát huy tiềm lực KHCN, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN và đề xuất các hướng nghiên cứu chiến lược trọng tâm phục vụ phát triển ngành GD&ĐT giai đoạn 2017-2025; cũng như đề xuất các kiến nghị, giải pháp để phát triển KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ trong giai đoạn 2017-2025.
Lệ Thu