Đại học Việt Nam nên lựa chọn bảng xếp hạng quốc tế nào?

(Dân trí) - Chọn bảng xếp hạng đại học của tổ chức quốc tế nào để tham gia cho phù hợp với thực trạng giáo dục đại học Việt Nam là vấn đề “nóng” mà nhiều trường đang bàn luận.

Sáng nay 11/4, Bộ GD&ĐT phối hợp với ĐH QGHN tổ chức hội thảo: “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội thảo.


Xếp hạng đại học là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam

Xếp hạng đại học là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Giáo dục đại học là bậc đào tạo bậc cao, có vai trò đặc biệt quan trọng với tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội. Do đó, một trong những giải pháp hết sức quan trọng là phải thực hiện xếp hạng đại học một cách minh bạch, tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế.

Mục tiêu quan trọng nhất trong xếp hạng đại học là chất lượng vì gắn chất lượng với xếp hạng thì mới biết chúng ta đang ở đâu so với thế giới để phấn đấu thêm. Thông qua xếp hạng, các trường sẽ tạo được thương hiệu, uy tín nhưng điều quan trọng nhất với trường đại học là phải có trách nhiệm với cộng đồng.

Chọn bảng xếp hạng nào?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN, diễn giả chính của hội thảo cho biết, theo thống kê hiện nay đang có 16 bảng xếp hạng đại học có ảnh hưởng quốc tế ở các mức độ khác nhau. Mỗi bảng có một ưu tiên riêng, nhưng chung nhất, toàn diện nhất, được quan tâm nhiều nhất là 4 bảng xếp hạng: ARWU (từ 2003) của Trường Đại học giao thông Thượng hải, QS và Webo (từ 2004) và THE (từ 2010).

Trong đó, theo thống kê của trang mạng Alexa, website của QS có sự quan tâm của cộng đồng cao nhất. ARWU quan tâm nhiều đến các tiêu chí đánh giá các nghiên cứu trình độ cao (giải thưởng Nobel, bài báo trên Nature, Science…). THE là văn hóa của châu Âu và các nước đang phát triển, họ quan tâm đến tài trợ của doanh nghiệp và cựu sinh viên cho các hoạt động nghiên cứu.

GS Đức cho rằng, những tiêu chí này chưa phù hợp lắm với số đông các trường đại học của châu Á và các khu vực đang phát triển. QS mặc dù ra đời sớm, nhưng đã có tầm nhìn chung, vừa bám chặt các tiêu chí cơ bản của xếp hạng đại học, vừa phản ánh được mối quan tâm của số đông các trường đại học, trong đó lấy hoạt động đào tạo và sự thừa nhận của cộng đồng đối với thương hiệu của một trường đại học vẫn làm tiêu chí đánh giá chủ yếu và QS là một lựa chọn hợp lý.

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội cho rằng, với nhiều bảng xếp hạng trên thế giới hiện nay và có phần giống nhau như vậy thì Việt Nam nên có bảng xếp hạng riêng. Cách tổ chức xếp hạng này, gắn với các trường và các trường nên tự nguyện tham gia . Bên cạnh đó, nên thành lập Hiệp hội công nhận xếp hạng và được Bộ GD&ĐT công nhận. Các trường có thể ngồi với nhau thống nhất về chỉ số, trọng lượng… để đưa ra tiêu chí đánh giá.

Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH QG TP.HCM cho hay, bảng xếp hạng QS phù hợp với Việt Nam. ĐH QG TP.HCM tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng thời gian qua là do chủ động tham gia vào QS và có đề án, có kinh phí… nên thấy việc xếp hạng không quá khó.

Đại diện trường ĐH Duy Tân bày tỏ, mỗi bảng xếp hạng có tiêu chí khác nhau nên tôi rất phân vân chọn tổ chức nào. Mục tiêu cao nhất xếp hạng là mang lại gì cho sinh viên, chất lượng là hàng đầu. Do đó, chúng ta nên xem xét bản chất bảng xếp hạng như thế nào? Nếu Việt Nam đưa ra bảng xếp hạng thì chỉ ở Việt Nam mà thôi chứ không theo quốc tế được.


Nhiều đại biểu cho rằng, xếp hạng đại học là cần thiết để nâng cao vị thế đại học Việt Nam

Nhiều đại biểu cho rằng, xếp hạng đại học là cần thiết để nâng cao vị thế đại học Việt Nam

Còn theo đại diện ĐH Đà Nẵng, xếp hạng quốc tế là theo tùy từng trường. Xếp hạng trong nước thì phải làm vì Nghị định 73 yêu cầu làm nhưng giờ chưa có thông tư hướng dẫn. Chúng ta nên thành lập tổ xếp hạng là cần thiết phù hợp với chính sách của VN. Tuy nhiên, đơn vị này thuộc ai? Không thể thuộc 1 trường nào đó cả. Bộ nên có cách đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong dữ liệu.

Ông Lê Văn Út, trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, xếp hạng đại học là cần thiết để nâng cao vị thế đại học Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, việc lựa chọn tổ chức nào để đưa vào xếp hạng nên xem xét cẩn thận vì sẽ đánh giá không đồng đều. Theo đó, chúng ta cần tổ chức một nhóm chuyên gia ở VN để đảm bảo sự đồng đều vì nâng cao chất lượng như thế này rất khó.

Bộ GD&ĐT hết sức cảnh giác khi tham gia xếp hạng theo chuẩn quốc tế vì sẽ dẫn tới thương mại hóa trong giáo dục” – ông Út nhấn mạnh.

Tán đồng quan điểm này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây là ý kiến hay, trong điều kiện VN hiện nay cũng cần cân nhắc kỹ lựa chọn tổ chức xếp hạng vì chất lượng. Khi tham gia mạng lưới giáo dục toàn cầu thì chúng ta phải chia sẻ để biết mình đang ở đâu và lựa chọn tổ chức xếp hạng.

Không cẩn thận sẽ thành cuộc chơi của “nhà giàu”

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội kiến nghị, nên xác định rõ sự thuận lợi và khó khăn của các trường đại học để đưa ra tiêu chí xếp hạng. Chúng ta cần có sự nghiêm túc trong quá trình xếp hạng để giải thích cho xã hội việc xếp hạng có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

“Nếu không cẩn thận sẽ thành cuộc chơi của các “nhà giàu” khiến các trường lo lắng” – ông Minh nhấn mạnh.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là trường đầu tiên được xếp hạng 3 sao trong bảng xếp hạng của QS, đại diện nhà trường cho hay, nên chọn bảng xếp hạng vừa sức với Việt Nam. Bộ trưởng nên cho các trường quyền xếp hạng theo các tổ chức khác nhau. Điều khó nhất với đại học Việt Nam là nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế nên tập trung vào điều này.

Đại diện ĐH Quốc tế Thành Đông đề xuất: Bộ trưởng nên có cách làm công khai minh bạch mới đảm bảo được xếp hạng đại học. Theo đó, lập ra tổ chức thu thập dữ liệu và các trường báo cáo nội dung và chịu trách nhiệm về con số này.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp cho rằng, Bộ cần có chỉ đạo quyết tâm cao hơn để có số trường tham gia xếp hạng đông hơn. Không nên dừng lại chính sách mà nên có kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các trường tham gia xếp hạng. Theo bà Lan, nên có cơ quan độc lập làm việc này và thành lập nhóm tư vấn hỗ trợ.


Các trường đại học được lựa chọn tổ chức xếp hạng quốc tế

Các trường đại học được lựa chọn tổ chức xếp hạng quốc tế

Các trường được tự chọn

Kết luận tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, quan trọng nhất của ĐH là chất lượng và đảm bảo quyền lợi chính đáng người học và bên liên quan chứ không phải mục tiêu đại học là xếp hạng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có thước đo để thực hiện chất lượng đó. Khi đã tham gia thị trường dịch vụ đại học thì phải có nguyên tắc xếp hạng, phải đảm bảo minh bạch, kiểm định chất lượng. Đây là công cụ quan trọng để kiểm soát chất lượng đại học. Đây cũng là biện pháp bắt buộc đối với cơ sở giáo dục. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường.

Về việc chọn tổ chức xếp hạng nào để tham gia, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, chúng ta không thể nói chọn ai nhưng trong một quốc gia cũng phải có 1 tổ chức xếp hạng để gắn với quản trị, chất lượng đại học. Các trường lựa chọn tổ chức quốc tế nào là phụ thuộc vào chiến lược phát triển của trường để lựa chọn, bộ không bắt buộc. Nhưng trong điều kiện hiện nay thì chúng ta nên cân nhắc kỹ chọn tổ chức xếp hạng cho phù hợp.

“Bây giờ ngồi bàn theo bảng xếp hạng nào là quá muộn nhưng muộn còn hơn không. Chúng ta phải có trường đại học xếp hạng châu Á” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nhạ, các trường nên chọn tổ chức xếp hạng châu Á và từng bước tiến tới cuộc chơi khu vực và toàn cầu.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Nhạ cũng hoan nghênh một số trường đã áp dụng tiêu chí bảng xếp hạng QS vì rất phù hợp với Việt Nam. Đây là bước đệm và khung chỉ số lõi để các trường soi vào.

Tuy nhiên, để các trường tham gia xếp hạng này phải có quyết tâm của Hiệu trưởng. Hiệu trưởng có quyết tâm nâng cao chất lượng và uy tín của trường lên không? “Đào tạo và nghiên cứu phải như 2 chân nhưng các trường hiện nay đang đi lệch, chạy theo mảng đào tạo nhiều, không tập trung nghiên cứu để nâng cao chất lượng”.

Sẽ có chính sách hỗ trợ các trường tham gia xếp hạng

Để thúc đẩy việc xếp hạng tại các trường đại học, Bộ trưởng Nhạ khuyến khích một số trường có điều kiện, có thể nhóm vào cùng nhau và thực hiện xếp hạng theo một tổ chức độc lập, sau đó trình lên bộ, bộ sẽ có trách nhiệm kiểm tra xem các tiêu chí này có phù hợp với tiêu chí quốc tế hay không để công nhận.

Đồng thời, bộ sẽ có chính sách hỗ trợ các trường tham gia xếp hạng khi thiếu một số điều kiện và sẽ đầu tư các dự án vào trường này. Để tránh đầu tư dàn trải, bộ sẽ chọn 1 số trường tốt giám sát để đầu tư vun cao.

Ngoài ra, với các trường không tham gia xếp hạng, bộ sẽ có biện pháp kiểm tra và công khai dư luận biết. Đồng thời, kiên quyết giải thể những trường yếu kém vì hiện nay không ít trường ĐH đang chết lâm sàng. Chính sách này sẽ áp dụng trường công và trường tư như nhau.

Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: “Đây là việc làm cấp bách hiện nay vì nếu bộ không giám sát các trường sẽ không thực hiện. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ đóng vai trò định hướng dẫn dắt và trọng tài trong việc xếp hạng này chứ không phải tháo khoán để các trường làm”.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, quy định xếp hạng này sẽ đưa vào Luật Giáo dục đại học là nghị định, thông tư để các trường thực hiện. Bộ sẽ thành lập tổ tư vấn cho các trường thực hiện xếp hạng.

Hồng Hạnh