Đại học tham gia góp ý về phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững
(Dân trí) - Ngày 19/8, tại Học viện Tài chính đã diễn ra Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề "Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa" lần thứ 5.
Hội thảo được Học viện Tài chính chủ trì, kết hợp với Đại học Greenwich (Vương quốc Anh), Viện Kinh tế - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM.
Hội thảo là một diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ những nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế. Các học giả thảo luận về các vấn đề lý luận, cơ hội và các thách thức về phát triển kinh tế và kinh doanh theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế.
Hội thảo được tổ chức đồng thời bằng 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ngoài 2 phiên toàn thể, hội thảo sẽ chia làm 2 phiên thảo luận chuyên sâu với các chủ đề: Phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và Tài chính Quản trị trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Phát biểu trực tuyến, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính - đánh giá rằng trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, Việt Nam vừa có nhiều cơ hội, vừa phải đối đầu với những thách thức không nhỏ. Những thách thức ấy càng lớn hơn trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới phức tạp, khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng tăng.
Thực hiện sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có những bước phát triển lên một tầm cao mới. Việt Nam được thế giới đánh giá là đối tác quan trọng trong nhiều lĩnh vực, có môi trường đầu tư thân thiện, hệ thống chính trị ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi số để đón đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh đến sự quyết tâm chính trị, năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy tự do hóa kinh doanh, khuyến khích xã hội hóa, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội, khai thác hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Tất cả để Việt Nam hướng tới sự thành công và đạt được những mục tiêu chiến lược phát triển bền vững kinh tế, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
"Các nội dung trao đổi trong hội thảo, các kết quả nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học đã làm rõ những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững, trong điều kiện toàn cầu hóa, trước những thời cơ và cả những rào cản thách thức mới", PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ đánh giá.
Hội thảo có sự tham gia của 3 diễn giả quốc tế là các nhà khoa học đến từ Vương quốc Anh và Nhật Bản: ông Nicholas Hand - Giám đốc Hợp tác quốc tế Trường Kinh doanh - Đại học Greenwich, ông Farhad Taghizadeh-Hesary - PGS Kinh tế thuộc Đại học Tokai (Nhật Bản), và GS Naoyuki Yoshino - Giám đốc điều hành ADBI.
Một số chủ đề đáng chú ý được các nhà khoa học tham luận tại hội thảo, như: phát triển công nghiệp hóa và mối quan hệ với toàn cầu hóa ở Việt Nam, môi trường phát triển thực hành kế toán trong các doanh nghiệp Việt Nam, thuế thu nhập doanh nghiệp và tình hình hoạt động của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, đánh giá tình hình quản trị công ty trong các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.