Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội với mô hình giáo viên chủ nhiệm lớp trong giáo dục đại học
(Dân trí) - Để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học năm 2020, từ năm học 2019 trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội áp dụng mô hình giáo viên chủ nhiệm lớp, theo đó chủ nhiệm lớp chỉ tập trung làm công tác chủ nhiệm, được xem như thủ trưởng của một lớp học, thay mặt Nhà trường làm công tác quản lý toàn diện sinh viên, học viên của cả lớp.
Không chỉ có ở các cấp học phổ thông, chủ nhiệm lớp trong đại học cũng có vai trò rất quan trọng trong giáo dục. Mỗi cán bộ làm công tác chủ nhiệm 20 đến 25 lớp, tương đương với 500-600 sinh viên học viên mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý. Chủ nhiệm lớp là người trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác quản lý sinh viên, học viên, là người đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp đối với sinh viên, học viên của lớp trong suốt quá trình học tập và rèn luyện tại trường.
Do vậy, để hướng tới mô hình một trường đại học cung cấp dịch vụ đào tạo chuyên nghiệp, có chất lượng không chỉ về chuyên môn mà còn về các dịch vụ hỗ trợ người học, thì việc triển khai một mô hình giáo viên chủ nhiệm kiểu mới là cần thiết và đây là bước đi tiếp theo của nhà trường - PGS.TS. Hoàng Anh Huy, Bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng, khẳng định.
Có thể nói, chủ nhiệm lớp là người đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nhà trường với sinh viên, là người gần gũi, tiếp xúc thường xuyên với sinh viên, là kênh truyền đạt những mong muốn, suy nghĩ của các em tới các khoa, Nhà trường và ngược lại. Cũng bởi trọng trách nặng nề đó nên chủ nhiệm lớp được ví như những người “làm dâu” để xử lý mọi việc làm, tình huống diễn ra trong lớp học. Mỗi tháng, chủ nhiệm lớp có trách nhiệm báo cáo lại tình hình học tập và rèn luyện của sinh viên một cách cụ thể và nhanh chóng giúp nhà trường nắm bắt được thực trạng của mỗi sinh viên trong nhà trường, không để bỏ lỡ các trường hợp đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình học tập của sinh viên. Mô hình chủ nhiệm lớp được áp dụng song song với chế độ một cửa tại các khoa chuyên môn, giải quyết mọi vấn đề của sinh viên nhanh và hiệu quả, giúp sinh viên không phải đi lại nhiều giữa các phòng ban trong nhà trường.
Thông qua chủ nhiệm lớp, sinh viên cũng được phổ biến các nội quy, quy chế một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Mỗi lớp học là một hội đồng tự quản giúp sinh viên tích cực, chủ động và linh hoạt hơn trong các vấn đề học tập và rèn luyện của bản thân. Mô hình chủ nhiệm lớp cũng tạo nên môi trường học tập thân thiện, thoải mái, không bị gò bó, luôn được gần gũi với các thầy cô, được thầy cô quan tâm và giúp đỡ không chỉ trong học tập mà cả trong đời sống sinh hoạt của sinh viên.
Không chỉ mang lại hiệu quả cao trong quản lý cho nhà trường, mô hình giáo viên chủ nhiệm cũng giúp cho các bậc phụ huynh có thể nắm bắt được tình hình học tập của con em khi học xa nhà. Là cầu nối giữa Nhà trường- sinh viên-phụ huynh và ngược lại, giúp họ quan tâm và có trách nhiệm với con em mình một cách toàn diện nhất.
Để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp là một trong những nhiệm vụ rất khó khăn của mỗi cán bộ giảng viên, đặc biệt là với những sinh viên năm nhất còn bỡ ngỡ với hình thức học tập khác hẳn với lúc còn học phổ thông, với bạn mới, thầy cô mới, làm quen với cuộc sống mới khi xa nhà,.. Phần lớn các sinh viên còn rụt rè, thụ động và chưa xác định rõ ràng phương pháp học tập. Đặc biệt, một số sinh viên đến từ các vùng nông thôn chưa biết sử dụng internet tìm thông tin hay đăng ký môn học trực tuyến trên website, cách thức học tín chỉ là hoàn toàn xa lạ. Chủ nhiệm lớp sẽ là người trực tiếp hướng dẫn sinh viên cách thức đăng ký môn học từng học kỳ qua mạng, tư vấn cho sinh viên nên chọn học phần tự chọn nào là phù hợp với chuyên ngành mà mình đang học. Để làm được điều đó, trước hết chủ nhiệm lớp phải là người được sinh viên tin yêu quý trọng, có chuẩn mực về đạo đức, tác phong sư phạm, có vậy thì trong lời nói, cử chỉ, hành động của mình mới có tính thuyết phục cao với sinh viên.
Sau gần một học kỳ áp dụng mô hình chủ nhiệm lớp, chất lượng quản lý sinh viên, học viên trong Nhà trường được nâng cao rõ rệt. Sinh viên, học viên tích cực, chủ động hơn trong công tác học tập và rèn luyện. Mối quan hệ giữa các thầy cô, giữa Nhà trường và sinh viên được gắn bó, gần gũi hơn, tạo nên một môi trường học tập thân thiện và chuyên nghiệp.
Là một trường đại học công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đào tạo đa ngành từ những ngành truyền thống do Bộ quản lý như Môi trường… cho đến các ngành phục vụ nhu cầu xã hội là Kinh tế và Quản trị kinh doanh, nên chúng tôi hiểu đặc thù về dạy và học cũng như tính cách tâm lý của sinh viên khác nhau, vì vậy công tác GVCN lớp theo mô hình mới đã phát huy rất cao tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa sinh viên - nhà trường - gia đình - PGS.TS. Hoàng Anh Huy chia sẻ.