Đại học sẽ có 3 cấp

(Dân trí) - Cơ cấu tổ chức của đại học được quy định theo hướng của mô hình đại học đa lĩnh vực phù hợp với thông lệ quốc tế; dự kiến sẽ được tổ chức thành 03 cấp là cấp đại học (University), cấp trường và tương đương (College, Faculty, School) và cấp khoa (Deparment).

Đó là một trong những nội dung mới của Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học về cơ cấu tổ chức của đại học, trường đại học.


Dự thảo quy định chỉ những cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài mà do nhà đầu tư nước ngoài góp vốn đa số thì tự chủ về cơ cấu tổ chức để gần với các trường đại học nước ngoài.

Dự thảo quy định chỉ những cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài mà do nhà đầu tư nước ngoài góp vốn đa số thì tự chủ về cơ cấu tổ chức để gần với các trường đại học nước ngoài.

Cụ thể, các nội dung cơ bản về cơ cấu tổ chức của đại học, trường đại học trong dự thảo Luật được phân biệt theo loại hình trường (công lập, tư thục, tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, có vốn đầu tư nước ngoài) và theo quy mô tổ chức (đại học, trường đại học). Mỗi loại được quy định cơ cấu tổ chức cơ bản và giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết.

Dự kiến quy định chi tiết của Thủ tướng bao gồm: quy định chi tiết cơ cấu tổ chức của trường đại học, học viện; cơ cấu tổ chức của các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên, trường chuyên ngành thuộc đại học; cơ cấu tổ chức của các trường đại học, học viện được thành lập theo hình thức hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài; cơ cấu tổ chức của các trường đại học, học viện thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng do mức độ tự chủ khác với các trường khác...

Theo đó, cơ cấu tổ chức của đại học được quy định theo hướng là cơ cấu tổ chức của mô hình đại học đa lĩnh vực phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dự kiến sẽ được tổ chức thành 03 cấp là cấp đại học (University), cấp trường và tương đương (College, Faculty, School) và cấp khoa (Deparment).

Cấp trường tương đương với một lĩnh vực đào tạo (thí dụ: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, kỹ thuật, quản trị kinh doanh, y, nông nghiệp,...), còn cấp khoa tương đương với một hoặc một số ngành đào tạo gần nhau.

Ngoài ra, nhằm giảm sự bất bình đẳng của quy định hiện hành (tất các cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài được tự chủ về cơ cấu tổ chức), dự thảo quy định chỉ những cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài mà do nhà đầu tư nước ngoài góp vốn đa số thì tự chủ về cơ cấu tổ chức để gần với các trường đại học nước ngoài.

Về phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học cũng được Dự thảo quy định khung về chức năng, cơ cấu, nhiệm vụ quyền hạn… căn cứ vào loại hình trường, trên cơ sở đó, giao cho Chính phủ quy định chi tiết về thành lập và hoạt động của phân hiệu để khắc phục tình trạng chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa điều kiện thành lập, tổ chức, hoạt động của phân hiệu so với cơ sở chính của cơ sở GDĐH trong Luật hiện hành.

Cũng theo Dự thảo Luật, các cơ sở GDĐH Việt Nam được phân loại theo mô hình tổ chức là đại học và trường đại học; Theo hình thức sở hữu là công lập và tư thục; có vốn đầu tư nước ngoài; tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; có vốn đầu tư hoạt động không vì lợi nhuận.

Đại học theo định hướng hoạt động là cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu hoặc cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng.

Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ hơn về khái niệm đại học, trường đại học, trường đại học công lập, ngoài công lập, trường đại học ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận. Giao Chính phủ quy định tiêu chí cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu để làm cơ sở phân loại theo định hướng hoạt động.

Hồng Hạnh