Đại học Ngoại thương giữ phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT
(Dân trí) - Trường Đại học Ngoại thương vừa công bố các phương thức xét tuyển đại học chính quy năm 2024, trong đó có phương thức xét tuyển học bạ.
Đại học Ngoại thương giữ ổn định 7 phương thức xét tuyển như năm 2023
Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của Trường Đại học Ngoại thương dự kiến là 4.130 cho cả cơ sở Hà Nội và các cơ sở trực thuộc.
Năm nay, trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2023.
Các phương thức này bao gồm: xét tuyển kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia và đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trở lên và học sinh hệ chuyên; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024; xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024; xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024; xét tuyển thẳng; xét tuyển đặc thù với Chương trình định hướng phát triển quốc tế (ĐHPTQT) Kinh tế chính trị quốc tế.
Nhà trường chưa công bố tỷ lệ chỉ tiêu cụ thể cho từng phương thức trong 7 phương thức nói trên.
Phương thức xét tuyển học bạ THPT dành cho thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11, 12 và thí sinh hệ chuyên.
Điều kiện để nộp hồ sơ, thí sinh cần có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường đạt từ 24 điểm; điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 8,0.
Riêng thí sinh học hệ chuyên mà không có giải học sinh giỏi, điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 cần đạt từ 8,5 trở lên; điểm trung bình chung học tập của 5 học kỳ cả 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường (trong đó có môn Toán) đạt 9,0 trở lên.
Với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế, ngoài điều kiện tương tự về điểm trung bình học tập, điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ như sau: IELTS 6.5, TOEFL iBT 79, chứng chỉ Cambridge 180, hoặc đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh.
Điều kiện về các chứng chỉ năng lực quốc tế như sau: SAT 1260; ACT 27; A-level với điểm môn toán đạt A. Các chứng chỉ được cấp trong thời gian 3 năm kể từ ngày dự thi tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Với riêng thí sinh dự tuyển vào các chương trình chất lượng cao (CLC) ngành ngôn ngữ, điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ như sau:
Với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 7,5 trở lên; IELTS từ 6.5 hoặc TOEFL iBT 79, hoặc có chứng chỉ Cambridge 180, hoặc đạt từ giải Ba quốc gia môn Tiếng Anh trở lên.
Với phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, thí sinh cần có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển đạt 24 điểm; điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt 7,0.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, Trường Đại học Ngoại thương nhận hồ sơ đạt 100/150 điểm với bài thi của Đại học Quốc gia Hà Nội và 850/1200 điểm với bài thi của Đại học Quốc gia TPHCM.
Với phương thức xét tuyển thẳng, Trường Đại học Ngoại thương áp dụng với 6 đối tượng: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp THPT; thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi Olympic quốc tế hoặc Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế; thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật; thí sinh khuyết tật đặc biệt nặng có điểm trung bình học tập từng năm lớp 10, 11, 12 từ 8,0 trở lên; thí sinh là người nước ngoài đáp ứng các điều kiện về năng lực; thí sinh người dân tộc thiểu số rất ít người, thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ, thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm tại các huyện nghèo đạt điểm trung bình chung từng năm lớp 10, 11, 12 từ 8,0 trở lên.
Chỉ tiêu dành cho nhóm đối tượng 6 không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2024.
Với phương thức xét tuyển đặc thù ĐHPTQT Kinh tế chính trị quốc tế, mỗi tỉnh thành được đề xuất tối đa 5 thí sinh. Các thí sinh này phải cam kết quay trở lại làm việc tại địa phương đã cử tuyển.
Bảng Quy đổi các chứng chỉ quốc tế dành cho các phương thức xét tuyển riêng của Trường Đại học Ngoại thương
Đại học Ngoại thương mở ngành đào tạo mới
Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.
Trường cũng bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với Đại học Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế (International Business) và Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại cơ sở Hà Nội.
Trường Đại học Ngoại thương không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ hoặc kết quả điểm thi được bảo lưu theo quy định tại quy chế xét công nhận tốt nghiệp THPT để xét tuyển