Thừa Thiên - Huế:

Đại học Luật Huế thành lập - câu chuyện vươn lên từ nội lực của chính bản thân

Nhân dịp Đại học Luật Huế được thành lập - là trường Đại học Luật duy nhất tại miền Trung, Tây Nguyên, hãy cùng chúng tôi ngược lại dòng thời gian từ lúc ban đầu đến nay để thấy được nội lực của chính bản thân trường đã làm nên được những điều lớn lao.

Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế, tiền thân là Trường Luật khoa thuộc Viện Đại học Huế thành lập năm 1957 tồn tại đến năm 1975. Năm 1990, Bộ môn Pháp lý thuộc Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học Huế) được thành lập; đến năm 2000 Bộ môn pháp lý được nâng cấp thành Khoa Luật, Trường Đại học Khoa học; tháng 8 năm 2009, trở thành Khoa Luật thuộc Đại học Huế; ngày 03 tháng 3 năm 2015, được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế trên cơ sở Khoa Luật thuộc Đại học Huế.

Sau 25 năm, kể từ khi Bộ môn Pháp lý thuộc trường Đại học Tổng hợp Huế được tái lập, đến khi Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế được thành lập, là một quá trình xây dựng, phấn đấu, trưởng thành đáng tự hào của toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường. Đại học Luật thuộc Đại học Huế ngày nay là cơ sở đào tạo luật và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực pháp lý cấp trường duy nhất của miền Trung, Tây Nguyên, có uy tín trong cả nước.

Đại học Luật Huế thành lập - câu chuyện vươn lên từ nội lực của chính bản thân

Trường Đại học Luật chính thức được thành lập, là cơ sở đào tạo luật và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực pháp lý cấp trường duy nhất của miền Trung, Tây Nguyên.

Những “cấu trúc nền” làm nên Trường Đại học Luật Huế

Cơ bản nhất và cũng là quan trọng nhất đối với trường là công tác xây dựng Nhân lực. Khi mới là Bộ môn Pháp lý đến lúc lên Khoa trực thuộc, đội ngũ trường còn ít giảng viên, cán bộ thì nay, Trường có 146 cán bộ, giảng viên, trong đó giảng viên dạy chuyên ngành là 95 người, giảng dạy đại cương là 51 người. Tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học chiếm 80%, trong đó có 19 Phó Giáo sư và Tiến sĩ, 62 Thạc sĩ và 22 giảng viên đang nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh trình độ chuyên môn, đội ngũ giảng viên còn có bề dày kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục đại học. Khoảng 10% giảng viên được đào tạo ở nước ngoài có khả năng ngoại ngữ tốt, có thể giảng dạy chuyên ngành luật bằng ngôn ngữ quốc tế, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu, đội ngũ giảng viên thính giảng còn có các giảng viên có kinh nghiệm nước ngoài như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Canada, giảng viên từ các trường đại học Luật, viện nghiên cứu Luật của Việt Nam và cán bộ là những chuyên gia làm công tác thực tiễn tham gia giảng dạy, góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng, trưởng thành của Trường đại học Luật thuộc Đại học Huế.

Về Đào tạo: trước khi thành lập Khoa Luật trực thuộc Đại học Huế, mã ngành đào tạo chỉ có 1 mã ngành Luật học. Hệ đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, chuyên tu, trung cấp. Số lượng tuyển sinh hàng năm chỉ có 150 chính quy. Từ khi thành lập Khoa Luật đến nay, đã nâng cấp lên đào tạo 2 mã ngành gồm Luật học và Luật Kinh tế. Số lượng tuyển sinh hàng năm lớn với 750 chính quy. Cũng từ năm 2012, trường đã bắt đầu đào tạo cao học, chuyên ngành Luật Kinh tế với số lượng tuyển sinh 50, đáp ứng nhu cầu học tập của đội ngũ cán bộ ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Hiện nay Trường Đại học Luật đang đào tạo các ngành Luật học gồm: Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Kinh tế  và Luật Quốc tế; Ngành Luật Kinh tế, gồm hai  chuyên ngành Luật Hợp đồng và Luật tổ chức kinh doanh. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm khoảng 700 đến 800 sinh viên hệ chính quy, thi tuyển ba chung, từ năm 2015 sẽ xét tuyển trên cơ sở các môn thi tốt nghiệp theo khối A, A1, C và D theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giờ học tập của SV Đại học Luật Huế.

Giờ học tập của SV Đại học Luật Huế.

Xác định chất lượng đào tạo là thương hiệu, giá trị cốt lõi nên những năm qua Khoa Luật và nay là Trường đã tổ chức đào tạo lý thuyết gắn với thực hành, thực tiễn thông qua các phiên tòa xét xử lưu động; kết hợp với Trung tâm thực hành Luật và Quan hệ doanh nghiệp (CLE) để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cộng đồng cho các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các trường học phổ thông trên địa bàn thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế… Chính nhờ được đào tạo nhiều kỹ năng, kinh nghiệm thực tế nên, tỷ lệ sinh viên của trường ra trường có việc làm rất cao, đạt trên 90%

Trong Nghiên cứu Khoa học, trường đã đầu tư, chú trọng rất nhiều. Ở lãnh vực Đề tài khoa học, khi còn trực thuộc Đại học Khoa học Huế, mỗi năm chỉ có 2-3 đề tài giảng viên, 1-2 đề tài sinh viên. Hiện nay, mỗi năm trường có 1-2 đề tài cấp Bộ trọng điểm, cấp Bộ, 2-3 đề tài cấp Đại học Huế, 10-15 đề tài cấp trường, 5-8 đề tài sinh viên. Hàng trăm bài báo, nghiên cứu được đăng tải ở nhiều tờ báo, tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế. Ngoài kinh phí từ ngân sách nhà nước hàng năm nhà trường trích thêm khoảng 400 triệu đồng từ nguồn thu cho nghiên cứu khoa học.

Ở lĩnh vực Tư liệu học tập, biên soạn Giáo trình tài liệu học tập, khi còn trực thuộc Đại học Khoa học Huế phải sử dụng tư liệu chung của trường nên còn nhiều hạn chế. Trường Đại học Luật Huế lúc đó chưa biên soạn được giáo trình, phải vay mượn của cơ sở đào tạo khác rất khó khăn. Nhưng hiện nay, trường đã có thư viện với hàng ngàn đầu sách phục vụ cho nhu cầu sinh viên. Trường đã tổ chức biên soạn, xuất bản được 30 đầu giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu học tập cho ngành luật. Từ năm 2010 đã đăng ký xuất bản Thông tin pháp lý 2 tháng/1 cuốn; đề tài đăng tải các bài nghiên cứu của giảng viên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài trường. Tiến tới, trường sẽ đăng ký xuất bản Tạp chí nghiên cứu pháp luật vào năm 2016.

Khu giảng đường Đại học Luật Huế.

Khu giảng đường Đại học Luật Huế.

Đối với Hợp tác đối ngoại, khi còn trực thuộc Đại học Khoa học Huế, do là khoa trực thuộc trường nên không có chức năng này. Đến nay, trường đã có quan hệ hợp tác rộng với một số trường Đại học và tổ chức như: Trường Luật Schulich – Đại học Dalhousie (Canada), Tổ chức JICA (Nhật Bản), Thực hiện và tư vấn cải cách hành chính công với Tổ chức DANIDA (Đan Mạch), hợp tác với tổ chức PIP  (Canada) về các nguyên tắc quản lý biển và tài nguyên ven bờ Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Tổ chức CIDA (Canada), Tổ chức Những nhịp cầu Đông Nam Á (BABSAE CLE), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Tổ chức JUSSBUSS (Na Uy), Trường Luật Newcastle – Đại học Newcastle (Australia).

Về Tài chính, cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức: Nguồn thu của trường bao gồm nguồn thu từ kinh phí hoạt động thường xuyên do ngân sách cấp, nguồn thu sự nghiệp, nghiên cứu khoa học, dịch vụ pháp lý và các nguồn thu khác (trong đó ngân sách cấp khoảng 10 - 15% từ nguồn thu). Từ năm 2009 - 2014, nguồn thu của Khoa Luật thuộc Đại học Huế rất ổn định, ngoài chi thường xuyên của đơn vị mỗi năm dành gần 20 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị. Tổng nguồn vốn tự có xây dựng các hạng mục công trình khác nhau khoảng 58 tỷ đồng.

Khuôn viên của trường hiện có diện tích 10,73 ha (7,93 ha dất xây dựng, 2,8 ha trồng cây xanh) nằm trong quy hoạch tổng thể Đại học Huế. Cơ sở hạ tầng được thiết kế xây dựng đồng bộ, thông thoáng, sân bóng đá cỏ nhân tạo, hệ thống khu dịch vụ sinh viên theo mô hình trường đại học hiện đại đạt chuẩn khu vực.

Hiện cơ cấu tổ chức của trường gồm có: Ban Giám hiệu Nhà trường; 5 phòng (Tổ chức – Hành chính; Đào tạo – CTSV; Khoa học Công nghệ và Môi trường – Hợp tác Quốc tế; Kế hoạch – Tài chính; Khảo thí – Đảo bảo Chất lượng giáo dục); 5 Khoa chuyên môn (Khoa Luật Hành chính; Luật Hình sự; Luật Dân sự; Luật Kinh tế; Luật Quốc tế) và 3 Trung tâm nghiên cứu, phục vụ đào tạo (Trung tâm tư vấn pháp luật – Đào tạo ngắn hạn; Trung tâm Thực hành Luật và Quan hệ Doanh nghiệp; Trung tâm thông tin - Thư viện).

Khu hành chính của Đại học Luật Huế.

Khu hành chính của Đại học Luật Huế.

5 ý tưởng xây dựng Đại học Luật Huế thành một “thương hiệu lớn” của cả nước

Trao đổi đầy tâm huyết với chúng tôi, PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Đại học Luật Huế cho biết: Để tiếp tục kế thừa, phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có, Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế phải có những định hướng và lộ trình phát triển đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ pháp lý, cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch tổng thể trong 5 năm và 10 năm, trong đó xác định rõ mục tiêu, kế hoạch và lộ trình thực hiện, trong đó tập trung vào những vấn đề trọng tâm như xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn; quy mô và số lượng ngành nghề đào tạo, kế hoạch tài chính và quy hoạch cơ sở vật chất,... Theo định kỳ triển khai thực hiện, tổng kết đánh giá tính hiệu quả của việc thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường.

Khu hành chính của Đại học Luật Huế.

PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Đại học Luật Huế (ngoài cùng bên trái) trong lễ bổ nhiệm 2014.

Thứ hai, chú trọng công tác xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Vì chất lượng đào tạo đại học phụ thuộc vào đội ngũ, nhất là đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Do vậy, trong thời gian tới trường sẽ tăng quy mô đội ngũ hợp lý, quan tâm tới đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, hành chính am hiểu công việc, chuyên nghiệp và đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao, tinh thông ngoại ngữ. Xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài về trường làm việc. Tăng cường mời các chuyên gia nước ngoài tư vấn, giảng dạy, nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng chuyên môn, mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế.

Thứ ba, phát triển quy mô và ngành nghề đào tạo hợp lý, gắn với đảm bảo chất lượng đào tạo. Hiện quy mô đào tạo của trường Đại học Luật Huế được xác định chủ yếu dựa trên những cơ sở nhu cầu nhân lực cần đào tạo, năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo: cơ sở vật chất của trường ngày càng hoàn thiện, kết hợp với cơ sở vật chất dùng chung trong Đại học Huế đáp ứng quy mô và chất lượng đào tạo. Quy mô của trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế, mỗi năm tuyển sinh khoảng 1.100 sinh viên, quy mô khoảng 4.400 sinh viên, hàng năm quy mô tăng dần theo đội ngũ và cơ sở vật chất, đến năm 2025 quy mô đào tạo khoảng 5.600 sinh viên.

Bên cạnh tăng số lượng hợp lý, chú trọng chất lượng đào tạo đạt chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo lớp chất lượng cao, liên kết với nước ngoài và tăng dần tỷ lệ đào tạo sau đại học.

Giảng viên, SV Đại học Luật tham gia Hội nghị Truyền thông về Quốc hội tại trường

Giảng viên, SV Đại học Luật tham gia Hội nghị Truyền thông về Quốc hội tại trường nhằm nâng cao kỹ năng luật.

Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế là cơ sở  đào tạo chuyên ngành Luật nên có nhiều cấp độ đào tạo khác nhau từ cử nhân đến tiến sĩ. Ngành nghề đào tạo thực hiện trên cơ sở các ngành đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép và mở thêm các ngành, chuyên ngành đào tạo mới theo năng lực, điều kiện và yêu cầu cụ thể: Năm 2015 hoàn thiện hồ sơ đề  án, xin phép cơ quan có thẩm quyền cho phép tuyển sinh từ năm 2016 thêm các các mã ngành, chuyên ngành: Trình độ đại học: ngành Luật Quốc tế (2 chuyên ngành); Trình độ thạc sĩ: Chuyên ngành Lý luận, lịch sử Nhà nước và pháp luật và chuyên ngành Luật Hình sự; Trình độ tiến sĩ: Chuyên ngành Luật Kinh tế (Trường hiện nay chỉ đang đào tạo chuyên ngành thạc sĩ Luật Kinh tế).

Đi đôi với việc đăng ký mở ngành nghề mới, trường sẽ xây dựng nhiều ngành nghề đào tạo có tính chất quốc tế để có nguồn lực chất lượng cao. Như đào tạo đại học ngành Luật Kinh tế (chất lượng cao) dự kiến năm 2017; đào tạo trình độ thạc sĩ luật Kinh doanh quốc tế (liên kết với Đại học Paris II) theo văn bản thỏa thuận giữa Đại học Huế với Đại học Paris II - Pháp.

Khu căng tin hiện đại của Đại học Luật Huế.

Khu căng tin hiện đại của Đại học Luật Huế.

Thứ tư, trường sẽ xây dựng Đề án tự chủ tài chính báo cáo Đại học Huế xem xét trình Chính phủ cho phép tự chủ tài chính. Năm 2016, trường sẽ xây dựng đề án trình Đại học Huế để xin phép cấp có thầm quyền phê duyệt cam kết tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo Nghị định 77/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ.

Thứ năm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Ngoài cơ sở vật chất hiện có, từ năm 2015 đến năm 2020 đầu tư xây dựng cơ bản 8 hạng mục công trình và thiết bị với tổng số vốn 155 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 28 tỷ đồng; vốn đối ứng, vốn tự cân đối của đơn vị là 127 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện các công trình tăng diện tích xây dựng lên là 18.600 m2, với diện tích xây dựng hiện có khoảng 11.000 m2 (tổng diện tích xây dựng khoảng 30.000 m2; diện tích sân thể thao, khu dịch vụ, đường giao thông nội bộ khoảng 61.000 m2). Với việc đầu tư xây dựng như trên không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên mà còn đáp ứng nhu cầu văn hóa, thể thao, ngoại khóa của sinh viên đảm bảo mục tiêu đào tạo toàn diện.

Sân bóng đá cỏ nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế của Đại học Luật Huế.

Sân bóng đá cỏ nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế của Đại học Luật Huế.

“Việc thành lập Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế là niềm vinh dự, tự hào đối với Trường đại học Luật duy nhất của miền Trung và Tây Nguyên, bên cạnh đó cũng đặt ra những thách thức, yêu cầu trong việc thực hiện nhiệm vụ mới. Nhưng với bản lĩnh, sự quyết tâm, đoàn kết và nhất trí cao, toàn thể cán bộ viên chức Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế cam kết sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, đưa Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế trở thành một địa chỉ tin cậy, một thương hiệu lớn về đào tạo luật và nghiên cứu pháp lý trong cả nước” – PGS.TS. Đoàn Đức Lương khẳng định.

Địa chỉ Đại học Luật Huế, Đại học Huế: Đường Võ Văn Kiệt, phường An Tây, Thành phố Huế

Điện thoại: (0543) 821.135; (0543) 834.444; Fax: (0543) 935.299

Website: www.hul.edu.vn ; Email: law@hul.edu.vn