Đại học đồng hành cùng Quốc gia khởi nghiệp
(Dân trí) - Trong bối cảnh cả nước cùng hướng tới góp phần xây dựng Quốc gia khởi nghiệp thành công thì đương nhiên các đại học phải đổi mới theo hướng trở thành đại học định hướng đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa chức năng cốt lõi của đại học là tạo ra tri thức mới.
Khởi nghiệp là triết lí sống
Trong năm Quốc gia khởi nghiệp 2016, ngày 16/10, tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Lễ phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2021. Bài phát biểu đã nêu lên một quan điểm đổi mới cùng với Chính phủ kiến tạo, “khởi nghiệp là triết lí sống”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay có rất nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế so với những thế hệ đi trước. Toàn cầu hóa và Internet đã tạo ra sự khác biệt, đã xóa bỏ khoảng cách địa lý và ranh giới quốc gia, tạo ra những cơ hội bình đẳng trong tiếp thu và học hỏi những tiến bộ của nhân loại.
Thanh niên Việt Nam ngày nay được đào tạo bài bản, có cơ hội tiếp xúc với những phương thức giáo dục tân tiến khác nhau, tận dụng được công nghệ thông tin, tiếp thu được những cái mới nhất, cái hay nhất của thế giới, vì thế đang có những lựa chọn và cơ hội rất tốt cho khởi nghiệp”.
Cũng tại Lễ phát động này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh: “Khởi nghiệp không nhất thiết là bắt đầu ngay với những điều lớn lao, mà nhiều khi là từ những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Điều gì khiến chúng ta mong muốn nhất, trăn trở nhất sẽ khuyến khích chúng ta tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất.
Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên vô bờ của thanh niên Việt Nam. Tinh thần khởi nghiệp không chỉ cần có ở những người trẻ tuổi, ngay cả khi đã là một doanh nhân thành đạt thì vẫn cần có tinh thần khởi nghiệp để tiếp tục sáng tạo và tạo ra những công ty mới, những của cải mới cho xã hội”.
Đại học - hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp
Chính phủ đã chọn năm 2016 là năm Quốc gia khởi nghiệp và đang triển khai những chính sách lớn nhằm hỗ trợ tối đa cho khởi nghiệp. Coi khởi nghiệp là đột phá để thực hiện 3 đột phá chiến lược. Coi kết quả các chương trình khởi nghiệp là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp. Các đại học sẽ phải thay đổi ra sao khi cả thế giới đang biến động từng ngày theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi mới của Chính phủ kiến tạo.
Phó Giám đốc ĐHQGHN GS.TS Nguyễn Hữu Đức chỉ ra một hiện trạng, dù là đại học nghiên cứu hay đại học định hướng thực hành thì cho đến nay các trường đại học của Việt Nam đều chủ yếu mới dừng lại ở mức các sản phẩm trung gian (đào tạo sinh viên tốt nghiệp, nghiên cứu tri thức mới chung). Tài sản tri thức đó chưa thể vốn hóa, chưa góp phần gia tăng giá trị (kinh tế) trực tiếp cho đại học được.
Trong bối cảnh cả nước cùng hướng tới góp phần xây dựng Quốc gia khởi nghiệp thành công thì đương nhiên các đại học phải đổi mới theo hướng trở thành đại học định hướng đổi mới sáng tạo (Innovation-driven University), phát huy tối đa chức năng cốt lõi của đại học là tạo ra tri thức mới. Thành công của mô hình ĐH này đã góp phần tạo ra các tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hôm nay.
ĐH định hướng đổi mới sáng tạo không chỉ hướng tới phục vụ cộng đồng tốt hơn, mà còn hoạt động rất hiệu quả đối với việc quản lý sở hữu trí tuệ và thương mại hóa tri thức ngay trong khuôn viên của mình, góp phần giúp cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ tài chính.
Đại diện lãnh đạo của ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, đại học định hướng đổi mới sáng tạo - mô hình đại học sáng nghiệp thông minh có 7 đặc trưng về đào tạo định hướng khởi nghiệp; về nghiên cứu hàn lâm định hướng và kết hợp đổi mới sáng tạo; về hoạt động đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp; về đại học thông minh dựa trên khoa học dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số;
Về cơ chế tự chủ đại học cao trong mối quan hệ mật thiết với cơ quan quản lý và doanh nghiệp; về quá trình quốc tế hóa trong bối cảnh toàn cầu và đổi mới sáng tạo; và đặc biệt là đặc trưng về sự phát triển hài hòa giữa mục tiêu vốn hóa tài sản tri thức, gia tăng giá trị kinh tế của đại học với việc tạo ra giá trị cộng hưởng cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Theo đó, tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo phải được thấm nhuần vào tất cả các bên liên quan (lãnh đạo, giảng viên, người học và người sử dụng lao động), tất cả các hoạt động (đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, trách nhiệm cộng đồng) và toàn bộ chỉnh thể đại học là một hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ươm tạo tài năng - hỗ trợ khởi nghiệp
Mới đây, ĐHQGHN đã khánh thành Tòa nhà Ươm tạo tài năng và Hỗ trợ khởi nghiệp - một không gian dành riêng cho các hoạt động chuyển giao, giám định công nghệ, ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp; có 02 doanh nghiệp theo mô hình spin-off, hiện đang làm thủ tục để tiếp tục hỗ trợ các đơn vị và nhà khoa học thành lập 02 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. ĐHQGHN là một trong những cơ sở đại học đầu tiên của cả nước tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”.
ĐHQGHN đã có một số điều chỉnh mới theo chuỗi kiến tạo, sáng tạo và khởi nghiệp. ĐHQGHN đã kiến tạo các điều kiện để có thể mở các chương trình đào tạo mới, thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm theo hướng các công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp 4.0.
Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội tích cực tham gia nghiên cứu khoa học
Đặc biệt, trong nghiên cứu ĐHQGHN không chỉ quan tâm đến số lượng các công bố quốc tế mà còn quan tâm thúc đẩy việc đăng ký phát minh, sáng chế, quan tâm đến ảnh hưởng của các nghiên cứu cơ bản đến các phát minh sáng chế thế nào. Đây là một chỉ số cơ bản của hoạt động đổi mới sáng tạo, làm cơ sở cho hoạt động chuyển giao tri thức.
Bên cạnh việc công bố 560 bài báo ISI, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã có 02 công trình khoa học được đăng trên tạp chí Nature hàng đầu thế giới (năm 2013 và 2016); 12 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận. Hiện tại, ĐHQGHN có 8 phòng thí nghiệm trọng điểm, 23 nhóm nghiên cứu mạnh, đã thực hiện 7 dự án lớn trong nước và 7 dự án lớn quốc tế.
Đây là những minh chứng rất khách quan cho thấy ĐHQGHN không chỉ thành công với những nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, mà cũng đã có những gặt hái ban đầu trong sáng tạo, khởi nghiệp của kỉ nguyên đại học 4.0.
Đỗ Ngọc Diệp