Đại học "cuống cuồng" giải thích hiểu nhầm tin: Học lực giỏi mới được vào sư phạm
(Dân trí) - Lãnh đạo nhiều trường đại học sư phạm cho rằng, dư luận, phụ huynh và thí sinh đang hiểu nhầm quy định tuyển sinh của Bộ GD&ĐT về “Học sinh phải có học lực giỏi mới được vào sư phạm”.
Theo điều 17 của Quy chế tuyển sinh đại học chính quy: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầy vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau: Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi; Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
PGS.TS Hà Trần Phương, trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên cho biết, theo quy định này thì chỉ những thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường Sư phạm dựa vào kết quả học tập THPT (Xét tuyển theo học bạ) thì mới cần đạt học lực loại giỏi (đối với các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất là học lực khá).
Còn theo điều 12 của Quy chế tuyển sinh đại học chính quy: Đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp: Căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
PGS.TS Phương cho rằng, những thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường Sư phạm dựa trên điểm thi THPT quốc gia chỉ cần tổng điểm 3 môn của tổ hợp xét tuyển trên ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định thì sẽ được xét tuyển, ngoài ra không có yêu cầu nào khác.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều phụ huynh, thí sinh đã hiểu không đúng cho rằng: “Phải có học lực giỏi với được đăng ký xét tuyển vào sư phạm”, gây hiểu lầm và khó khăn cho các trường đào tạo sư phạm hiện nay.
Chính vì vậy, để thí sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về điều kiện đăng ký tuyển sinh vào các trường Sư phạm, trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã gửi công văn tới từng trường THPT để các trường giải thích rõ việc đăng ký nguyện vọng vào các trường Sư phạm năm 2018.
PGS.TS Phùng Gia Thế, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội II cho biết, để giải thích cho phụ huynh và thí sinh hiểu, nhà trường cũng đã đăng thông báo lại và giải thích cụ thể về quy định tuyển sinh vào trường sư phạm.
Cụ thể, nhà trường đã ghi rõ: Đối với xét tuyển dựa theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 các ngành sư phạm (ngành đào tạo giáo viên) thì chỉ yêu cầu thí sinh tốt nghiệp THPT; Hạnh kiểm cả 3 năm lớp 10, 11, 12 xếp loại khá trở lên, KHÔNG YÊU CẦU PHẢI CÓ HỌC LỰC LỚP 12 XẾP LOẠI GIỎI. Đối với các ngành ngoài sư phạm: Thí sinh tốt nghiệp THPT.
Đối với việc xét tuyển dựa theo kết quả học tập lớp 12 (xét học bạ), đối với các ngành sư phạm (trừ ngành Giáo dục Thể chất): Thí sinh tốt nghiệp THPT; Hạnh kiểm cả 3 năm lớp 10, 11, 12 xếp loại khá trở lên; Học lực lớp 12 xếp loại giỏi.
Đối với ngành Giáo dục Thể chất: Thí sinh tốt nghiệp THPT; Hạnh kiểm cả 3 năm lớp 10, 11, 12 xếp loại khá trở lên; Học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Đối với các ngành ngoài sư phạm: Thí sinh tốt nghiệp THPT (có điểm trung bình các môn học trong tổ hợp môn xét tuyển ở lớp 12 đạt từ 5,0 điểm trở lên).
Hồng Hạnh