Đà Nẵng: Cắt giảm phụ cấp, giáo viên miền núi gặp nhiều khó khăn

(Dân trí) - Nhiều cán bộ, giáo viên ở các xã miền núi huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng gặp khó khăn khi bị cắt giảm các khoản phụ cấp. Việc này không chỉ gây thiệt thòi cho giáo viên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở miền núi.

Đà Nẵng: Cắt giảm phụ cấp, giáo viên miền núi gặp nhiều khó khăn - 1

Việc cắt giảm phụ cấp khiến nhiều giáo viên đang công tác tại miền núi của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) gặp không ít khó khăn.

Tháng 4/2019, Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 25/3/2019 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc bãi bỏ chế độ đãi ngộ cho giáo viên dạy học sinh người dân tộc có hiệu lực. Việc này không chỉ gây thiệt thòi cho giáo viên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở miền núi. 

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 40km, trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) có 234 học sinh, trong đó 61 em là người dân tộc, với 23 cán bộ, giáo viên. Trường nằm ở vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa con đường đến trường thường xuyên bị chia cắt, ngập úng.

Cô Mai Thị Dung - giáo viên dạy môn Sinh học, trường THCS Nguyễn Tri Phương tâm sự: “Việc dạy cho các học sinh người dân tộc phải có kỹ năng, tốn nhiều công sức, có trường hợp học sinh không chịu đi học, giáo viên phải đến tận từng nhà để động viên, vận động cho học sinh đến trường đầy đủ”.  

Theo thầy Phạm Minh Vũ - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, giáo viên công tác ở miền núi điều kiện đi lại khó khăn mà chế độ được hưởng như giáo viên công tác ở thành phố là không công bằng.

“Việc cắt giảm chế độ đối với giáo viên dạy học sinh dân tộc cũng ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng. Đặc biệt đối với giáo viên mới ra trường có mức lương rất thấp, dù có bằng đại học nhưng cũng chỉ được hưởng mức lương trung cấp. Nhiều trường hợp giáo viên đã bỏ việc vì lương không đủ trang trải cuộc sống cá nhân”, thầy Vũ nói.

Đà Nẵng: Cắt giảm phụ cấp, giáo viên miền núi gặp nhiều khó khăn - 2

Nhiều trường hợp giáo viên của các trường ở các xã miền núi huyện Hòa Vang, Đà Nẵng đã bỏ việc vì lương không đủ trang trải cuộc sống.

Tương tự như trường THCS Nguyễn Tri Phương, giáo viên trường Tiểu học Hòa Bắc cũng gặp không ít khó khăn khi bị cắt giảm phụ cấp. Do điều kiện khó khăn, khoảng cách xa so với trung tâm nên nhiều giáo viên hợp đồng không thể gắn bó lâu với trường. Rất nhiều giáo viên có nguyện vọng muốn chuyển về thành phố cho gần nhà.

Thầy Nguyễn Thọ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Bắc cho hay, từ đầu năm học mới, trường thiếu hai giáo viên dạy thời vụ tuy đã thông tin, đăng tuyển ở các trang mạng nhưng chưa có người ứng tuyển. Giáo viên ở đây phải chịu nhiều áp lực của cuộc sống, nếu không được hưởng ưu đãi thêm thì sẽ khó gắn bó với nghề, chất lượng giảng dạy cũng sẽ không được đảm bảo.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang có tổng cộng 6 trường (2 trường Mầm non, 2 trường Tiểu học, 2 trường THCS) thuộc hai xã Hoà Bắc và Hòa Phú có học sinh dân tộc Cơ Tu đang theo học, với 106 cán bộ, giáo viên đang công tác .

Bà Hồ Quỳnh Trang - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang chia sẻ: “Mặc dù hai xã Hòa Phú, Hòa Bắc không nằm trong quy định là xã miền núi, nhưng thực tế hai khu vực này là vùng đồi núi xa xôi của huyện Hòa Vang, điều kiện đi lại của cán bộ, giáo viên vô cùng khó khăn, đa phần giáo viên từ nơi khác đến công tác giảng dạy. Trong khi đó các chế độ phụ cấp giảm nên nhiều giáo viên xin chuyển về gần nhà, điều này dẫn đến đội ngũ nhà giáo thường xuyên biến động”.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết đối với việc cắt giảm chế độ của giáo viên đứng lớp học sinh dân tộc ở huyện Hòa Vang, trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án hỗ trợ phù hợp để trình lên UBND thành phố xem xét.

Thành Vân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm