Đa dạng phương thức tuyển sinh 2017
Mặc dù Bộ GD&ĐT chưa chính thức ban hành Quy chế thi và tuyển sinh 2017 nhưng nhiều trường đại học đã dự trù phương án tuyển sinh riêng khá đa dạng.
Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh và các ngành mới năm 2017 sẽ không có nhiều biến động. Và các trường đang chuẩn bị lộ trình rút ngắn thời gian đào tạo bậc đại học (ĐH) xuống 3-5 năm.
Dùng kết quả kiểm tra năng lực của ĐH Quốc gia
ThS Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, cho hay căn cứ theo sự tự chủ tuyển sinh của trường, sau khi có quy chế tuyển sinh sẽ có điều chỉnh hợp lý. Trước mắt, nhà trường vẫn giữ nguyên 17 ngành đào tạo hiện có và 2.600 chỉ tiêu bậc ĐH, chưa tính bậc cao đẳng.
Theo ông Sơn, nếu năm tới ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ kiểm tra năng lực, trường sẽ xin phép được sử dụng kết quả kỳ kiểm tra này để xét tuyển.
Ông Sơn đánh giá khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa ban hành có quy định thời gian đào tạo bậc ĐH rút ngắn xuống còn 3-5 năm. Do đó nhà trường sẽ tính toán phương án để rút ngắn thời gian đào tạo theo quy định bằng cách rút ngắn thời gian học tại nhà trường và tăng thời gian cho sinh viên thực hành, thực tế tại các doanh nghiệp để tăng kỹ năng xử lý công việc, kỹ năng làm việc nhóm.
ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông của Trường ĐH Kinh tế Tài chính, thông tin trong năm tới trường tăng bốn ngành mới. Gồm có ngôn ngữ Nhật, kinh tế đối ngoại, quan hệ quốc tế và hệ thống thông tin quản lý, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 17 ngành.
Theo ông Nguyên, phương thức tuyển sinh của trường vẫn giữ như cũ, bao gồm xét kết quả thi THPT và học bạ. Trong đó, trường sẽ điều chỉnh lại mức học bổng năm nhất cho sinh viên, cụ thể đối với xét học bạ, thí sinh đạt 21-26 điểm được 25% học bổng, 26-28 điểm là 50%, 28-30 điểm là 100%...
Đa dạng phương thức tuyển sinh
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết dựa trên số lượng giảng viên vừa bổ sung thêm nên chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm tới không giảm. Trong đó, trường đang trình Bộ GD&ĐT phê duyệt các ngành mới gồm công nghệ chế biến gỗ, vật liệu dệt may, an ninh mạng…
Về phương thức tuyển sinh, ông Dũng cho rằng do năm tới Sở GD&ĐT các địa phương phụ trách thi nên trường băn khoăn chất lượng xét tuyển đầu vào. để an toàn khâu xét tuyển trường sẽ đa dạng phương thức xét tuyển, thay vì dựa vào kết quả thi THPT quốc gia như năm 2016 và các tiêu chí khác. Trong đó, trường đang tính toán sử dụng kết quả đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ở phía Nam. Ngoài ra, trường cũng tính toán phương án đàm phán mua lại bộ đề đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Về lộ trình cắt giảm thời gian đào tạo bậc ĐH, TS Dũng cho rằng trường đang lên kế hoạch rút ngắn thời gian đào tạo 150 tín chỉ xuống còn 120 tín chỉ. Tuy nhiên, với đặc thù đào tạo ngành kỹ thuật, việc cắt giảm thời lượng đào tạo không đơn giản như các ngành kinh tế mà cần có thời gian đảm bảo sinh viên có kiến thức thực hành chuẩn 3,5 năm. Bởi ngoài kiến thức chuyên môn, hiện sinh viên còn học các chương trình ngoại ngữ, chính trị, thể chất, quốc phòng chiếm thời lượng khá lớn trong quỹ thời gian đào tạo.
Thu hẹp chỉ tiêu sư phạm
TS Trần Văn Châu, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết chưa có phương án tuyển sinh năm tới của trường. Tuy nhiên, có ba phương án đưa ra: Thứ nhất, dựa theo kết quả thi THPT quốc gia; thứ hai, lấy kết quả kiểm tra năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; thứ ba, phương án tổ chức đánh giá năng lực. Tuy nhiên, hiện ban giám hiệu vẫn chưa chốt phương án chính thức.
Theo ông Châu, đáng lưu ý là trong năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm của trường giảm (chỉ tiêu các ngành sư phạm năm 2016 là 1.840), ngược lại các ngành ngoài sư phạm tăng chỉ tiêu. Đồng thời, nhà trường đang tính toán lộ trình giảm thời gian đào tạo xuống còn 3-5 năm, theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, việc cắt giảm cần có sự cân đối hợp lý để sinh viên vừa đủ kiến thức lý thuyết lẫn thực hành.
Theo Phong Điền
Pháp luật TPHCM