Cựu học sinh chuyên Toán với kinh nghiệm tồn tại ở "gã khổng lồ công nghệ"
Dù học chuyên Toán nhưng lại nổi trội trong các kì thi Tin học, cậu học trò trường chuyên Sư phạm ngày nào hiện rất vững vàng trong môi trường đầy áp lực tại các công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Phạm Quang Vũ (sinh năm 1991) là cựu học sinh chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Sư phạm (Hà Nội). Và ở tuổi 18, Quang Vũ giành học bổng toàn phần đến ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore.
Tại đây, Vũ có cơ hội được thử sức mình ở các cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế, "để nhận thấy bản thân còn có rất nhiều thiếu sót trước những nhân tài thế giới, để mình biết được mình đang đứng ở đâu trên bản đồ kiến thức".
Trải qua 4 năm học tập tại ĐH Công nghệ Nanyang, theo Vũ, điều lớn nhất mình nhận được là sự rèn luyện về ý chí, về nghị lực để theo đuổi đam mê, cũng như tinh thần không bao giờ bỏ cuộc trước những khó khăn.
"Đây cũng chính là một trong những bước ngoặt lớn nhất của mình, từ một cậu học sinh được bố mẹ và thầy cô bảo bọc bắt đầu phải tự mình tìm cho mình một con đường đi đúng đắn. Đây chính là khoảng thời gian rất quan trọng để hình thành nên tính cách của mình ngày hôm nay" - Vũ chia sẻ.
Tháng 8/2013, Phạm Quang Vũ tốt nghiệp thủ khoa của NTU và trở thành nhân viên trẻ tuổi nhất được nhận khi Microsoft về đây tuyển dụng.
Cách đây 2 năm, chàng kỹ sư trẻ người Việt tiếp tục vượt qua vòng phỏng vấn của hàng loạt "gã khổng lồ công nghệ" thế giới. Google và Oracle đã đưa ra cho Vũ mức lương gấp rưỡi con số tối đa mà Facebook hay Amazon đã thương lượng và gấp đôi lương của anh ở Microsoft. Điểm đến Vũ chọn khi đó là Google.
Và một năm nay, Vũ chuyển sang làm việc tại Facebook. Hiện tại, Vũ đang tham gia dự án xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu cho Facebook để có thể xử lý được hàng tỷ người dùng và hàng Petabyte dữ liệu mỗi ngày (Petabyte là một đơn vị thông tin hay lưu trữ máy tính bằng với một triệu tỷ byte).
Giải thích lý do "nhảy việc", Vũ cho biết bởi vì thích vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân để thử sức ở những lĩnh vực mà mình chưa giỏi, để có thể trau dồi kiến thức cũng như mở rộng các mối quan hệ xã hội.
"Và dù ở môi trường nào thì mình cũng đã được gặp gỡ và làm việc với rất nhiều người tài năng. Chính họ là người đã giúp mình có một cái nhìn toàn diện và bao quát hơn đối với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ này".
Dám làm, dám thử, dám vượt qua vùng an toàn
"Bỏ qua" yếu tố may mắn, trải qua quá trình học tập ở một môi trường cực kì cạnh tranh như ĐH Nanyang cũng như kinh nghiệm làm việc ở những môi trường đầy áp lực như Microsoft, Google, Facebook, Vũ cho rằng để có thể phát triển và thành công ở những công ty lớn với nhiều nhân tài như vậy thì phải luôn luôn suy nghĩ cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận những điều mới.
"Việc bạn tự tin vào bản thân rất quan trọng, nhưng đồng thời cũng phải nhận thức được những thiếu sót của mình để có thể kịp thời bổ sung, sửa đổi. Tuy phải cạnh tranh với rất nhiều người giỏi, nhưng đó cũng chính là cơ hội để bạn học tập được rất nhiều thứ từ họ để có thể phát triển bản thân.
Và điều quan trọng nhất là tinh thần dám làm, dám thử, dám vượt qua vùng an toàn để dấn thân vào những cái mình mơ hồ, thậm chí là không biết" - Vũ chia sẻ.
Một trong những vấn đề nhiều đồng nghiệp gặp phải nhất, theo Vũ, đó là quá tập trung vào một lĩnh vực đã quen thuộc và ngại thử những cái không phải là thế mạnh của họ.
"Nhưng chính việc ngại thử đó khiến cho những người bạn đó đi rất chậm, sợ thất bại, và cảm thấy bất mãn vì không biết phải làm sao để có thể vươn đến những vị trí cao hơn.
Chỉ đến khi nào mà bạn quen với việc thất bại, quen với việc là người "kém nhất trong phòng", và nhận ra bạn có thể học hỏi được từ tất cả mọi người kể cả những người có thể có kiến thức chuyên ngành không bằng bạn (và dĩ nhiên phải cố gắng để thay đổi những điểm yếu đó của mình) lúc đó bạn mới có thể thật sự vươn lên được một tầm cao mới mà không phải lo lắng chuyện "sống sót" hay "tồn tại" ở bất kỳ môi trường nào" - đây là kinh nghiệm mà Vũ đúc kết lại.
Sau 6 năm "đi làm", Vũ cho biết cảm thấy vô cùng may mắn vì dù ở công ty nào cũng luôn được sếp tạo mọi điều kiện để anh được thử và được phép sai. Qua đó, rút kinh nghiệm và vươn lên.
"Mình luôn trân trọng họ vì họ không những tạo mọi điều kiện để mình không phải lo nghĩ về tài chính, sức khỏe, mà còn luôn sẵn sàng đầu tư vào mình, mong muốn mình thành công và phát triển chứ không chỉ đơn thuần là một mối quan hệ sếp và nhân viên bình thường".
Tuy nhiên, Vũ nói mình không có mục tiêu phải "thử" tất cả các công ty thuộc nhóm Big Tech (Google, Amazon, Facebook, Apple, Microsoft). Đến lúc nào đó cảm thấy công ty không còn cần mình nữa, hoặc không còn học hỏi hay đóng góp hiệu quả, anh có thể chuyển đến một công ty khác - có thể nhỏ hơn hoặc là một công ty khởi nghiệp.
Lời khuyên của Vũ cho những bạn trẻ muốn "ra biển lớn" là: Cần chuẩn bị một tâm lý vững vàng cũng như một tinh thần ham học hỏi, không ngại học cái mới, thậm chí lĩnh vực mới.
"Nếu có thể, hãy cố gắng tìm một người có nhiều kinh nghiệm hơn để có thể hướng dẫn bạn - có thể là cùng công ty hoặc ở công ty khác - mà bạn có thể quan sát, học hỏi, và chia sẻ định hướng, điều đó sẽ làm cho mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều trong suốt con đường của bạn.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là ở chính bản thân bạn, phải biết mình muốn gì và không ngừng cố gắng để đạt được mục tiêu mà mình đặt ra".
Kỹ sư Phạm Quang Vũ:
- Giải Nhất lập trình sinh viên quốc tế vòng khu vực tại Việt Nam và Malaysia 2010.
- HCV Lý Quang Diệu cho học sinh tốt nghiệp Thủ khoa.
- HCV Koh Boon Hwee dành cho sinh viên có khả năng lãnh đạo và đóng góp cho cộng đồng.
- HCV Infocom dành cho sinh viên điểm cao nhất khoa Khoa học máy tính.
- Giải nhì HSG Quốc gia môn Tin học năm 2007, 2008.
- Tốt nghiệp thủ khoa ngành Máy tính - trường ĐH ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore.
- Giải khuyến khích Lập trình sinh viên quốc tế vòng khu vực tại Thái Lan 2009.
- Top 20 vòng chung kết lập trình viên ACM ICPC toàn cầu năm 2011 và 2012.