Cuốn sách bọc ruy băng đỏ, ấm lòng du học sinh về nước cách ly
(Dân trí) - Minh Khuê đã vô cùng xúc động khi phát hiện trên giường có một cuốn sách bọc ruy băng đỏ được chuẩn bị sẵn để em đọc trong 14 ngày cách ly…
Dưới đây là câu chuyện hành trình trải nghiệm cách ly của Nguyễn Lê Minh Khuê – du học sinh phổ thông tú tài quốc tế trường Quốc tế Địa Trung Hải tại Israel - Eastern Mediterannean International School (EMIS).
Cách đây không lâu, Khuê đã nhận học bổng 5.6 tỉ đồng cho bốn năm học tại trường đại học The University of Rochester. Em là một trong 2 người Đà Nẵng đầu tiên đậu vào Rochester:
Mình may mắn được về khu cách ly ở trường đại học FPT Hà Nội, phòng mình, giường mình đã được soạn sẵn với màn mền chiếu gối ngăn nắp vuông gọn bởi các chú bộ đội, và đặc biệt hơn là mọi đồ dùng cá nhân (bàn chải, kem đánh răng, móc quần áo, dép tổ ong thời @) đều có sẵn cho tụi mình.
Các bạn còn tinh tế và quan tâm hơn thế khi mà trên mỗi giường của tụi mình, có một cuốn sách bọc ruy băng đỏ để tặng cho tụi mình để đọc trong 14 ngày cách ly này.
Là một đứa đọc rất nhiều, mình thật sự rất khâm phục các bạn khi đã quan tâm tới những chi tiết tinh tế như này trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, bạn bè quốc tế khi được mình gửi hình kể lại cũng khâm phục không kém và cứ tấm tắc khen mãi.
Là một du học sinh về nước trong lúc này, mình luôn tin rằng Việt Nam đất mẹ sẽ luôn là nơi mình cảm thấy được yêu thương nhiều nhất, nên dù mình vẫn luôn có thể bị lây nhiễm trong quá trình di chuyển, mình vẫn chọn về, không cần về Đà Nẵng, không cần về ngay lập tức với ba mẹ, mình chỉ cần về Việt Nam là về nhà, khi còn có cơ hội.
Suốt chuyến bay mình không khóc, mặc dù mình vẫn chưa kịp chia tay bạn bè, thầy cô, và ngôi trường thân thuộc mà mình coi là Nhà trong 2 năm qua.
Mình không ngủ trong hành trình bay 14 tiếng này vì mình lo có thể bị kẹt ở nước thứ 3, mình sợ sân bay nước bạn sẽ đóng cửa, và quan trọng hơn là mình phải thật tỉnh táo để không vạ vật vào đâu và đem bệnh về nước mình.
Và thế vốn dĩ là đứa hay suy nghĩ nhiều, suốt cả chuyến bay đầu mình căng như dây đàn, và mình chỉ bật khóc khi về đến Nội Bài 2 ngày trước, bật khóc nức nở vì cuối cùng chuyến đi bão táp này đã đưa mình về tới Việt Nam của mình.
Hà Nội lạ lẫm với một đứa Đà Nẵng như mình lắm, nhưng những cô chú nhân viên ở sân bay Hà Nội, những chú bộ đội, và những cô chú nhân viên y tế thì không, ngược lại mình còn thấy thân thương thấy lạ vì mọi người lúc nào cũng ân cần với người Việt về nước như mình.
Mình nhìn cô chú với bộ đồ bảo hộ, mắt kính, khẩu trang trong cái thời tiết ẩm nóng ở Hà Nội mà vẫn làm nhiệm vụ thật nhiệt tình, mình thương lắm vì mình thiết nghĩ cô chú thật sự đã gồng mình gánh hết bao nhiêu cái hiểm nguy khi làm công việc không mấy dễ chịu này.
Lại còn các chú bộ đội phải lấy sức gọi thật to tên mọi người để sắp xếp xe về chỗ cách ly, lấy sức bưng thật nhiều những hành lí cồng kềnh to bự của mọi người, và còn cố gắng lái cái xe buýt không máy lạnh chen chúc bao nhiêu con người về khu cách ly giữa cái nắng hầm 12 giờ trưa.
Nhìn mọi người vì người Việt, vì Việt Nam, mình không biết từ nào có thể diễn tả được sự biết ơn của mình đối với mọi người, mình cũng mém khóc mấy lần nhưng không dám, vì nếu khóc thì sẽ nóng người và mấy cô chú y tế sẽ lo lắng lên mất.
Về tới khu cách ly, mình còn cảm động hơn khi thấy các cô chú, các anh chị tình nguyện viên ngồi giữa trưa nắng đo nhiệt độ, sắp xếp phòng, xịt khuẩn khử trùng hành lý để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều an toàn.
Mình may mắn được về khu cách ly ở trường đại học FPT Hà Nội, phòng mình, giường mình đã được soạn sẵn với màn mền chiếu gối ngăn nắp vuông gọn bởi các chú bộ đội, và đặc biệt hơn là mọi đồ dùng cá nhân (bàn chải, kem đánh răng, móc quần áo, dép tổ ong thời @) đều có sẵn cho tụi mình.
Các bạn còn tinh tế và quan tâm hơn thế khi mà trên mỗi giường của tụi mình, có một cuốn sách bọc ruy băng đỏ để tặng cho tụi mình để đọc trong 14 ngày cách ly này.
Là một đứa đọc rất nhiều, mình thật sự rất khâm phục Việt Nam khi đã quan tâm tới những chi tiết tinh tế như này trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, bạn bè quốc tế khi được mình gửi hình kể lại cũng khâm phục không kém và cứ tấm tắc khen mãi.
Dù ở cách ly không bằng ở nhà, nhưng mình vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được ăn cơm vị Việt một ngày ba bữa đúng giờ, vì được các cô chú quan tâm hỏi han đo nhiệt độ và xịt khuẩn mỗi ngày 2 lần.
Chưa kể vài lúc mình sẽ bật cười vì sẽ có các chú bộ đội hoặc các anh chị tình nguyện viên đi dạo ngoài cửa sổ ráng đứng nói chuyện với các phòng vì mọi người biết cách ly ở trong phòng 24/7 không được phép ra khỏi cửa thì sẽ bí bách lắm.
Thế nên mình cảm thấy rất may mắn, may mắn lắm, nên luôn cố gắng vui vẻ tích cực để cùng hợp tác với tất cả mọi người. Mình vẫn đọc sách, làm việc, dù không thoải mái không tiện nghi nhưng mình biết việc này mình làm dù bắt buộc hay không cũng là một cách giúp đỡ cộng đồng Việt Nam của mình.
Kể từ ngày hôm nay, Việt Nam sẽ áp dụng những phương án quyết liệt hơn để chống Covid-19, mọi người sẽ thấy phải hy sinh một chút tự do, một chút thoải mái, và mọi người có thể sẽ thấy phiền một chút khi không được làm những việc mình muốn và lúc nào cũng phải lo âu và giữ vệ sinh cẩn thận hơn ngàn lần so với trước đây.
Mình biết việc này sẽ khó, nhưng hãy nghĩ đến những nhân việc y tế mặc bộ đồ bảo hộ nóng đến khó chịu với nguy cơ bị lây nhiễm, tai và mặt sẽ lằn đi vì khẩu trang, tay sẽ ửng đỏ dị ứng vì bao tay, và biết bao nhiêu nỗ lực và sự săn sóc của cả đất nước Việt Nam mình.
Mỗi cá nhân chịu khó một chút, một chút thôi rồi thời điểm này mong sẽ qua sớm, để rồi không còn ai mất việc, các cô chú và các lãnh đạo không còn mất ngủ, và Việt Nam sẽ tiến lên thật nhanh!
Nhà nước và đồng bào đang cùng nhau chung tay chống dịch bệnh, mình không thể khoanh tay như mọi chuyện vẫn ổn!!!"
Câu chuyện cảm động và dễ thương của nữ du học sinh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.
Trao đổi với PV Dân trí, Minh Khuê bày tỏ: “Em thực sự cảm thấy may mắn và biết ơn, thông qua báo Dân trí, em muốn gửi lời cảm ơn đến quê hương và tất cả mọi người đã đón du học sinh chúng em cũng như người Việt tại nước ngoài trở về Tổ quốc với tất cả tình cảm thương yêu nồng hậu, tạo điều kiện chu đáo nhất có thể.
Em thấy càng yêu nước mình và muốn học đại học thật tốt, sớm hiện thực ước mơ và góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của đất nước”.
Lệ Thu