Cuộc trò chuyện của cha con gốc Việt về khủng bố Paris vào đề thi Văn

(Dân trí) - Sáng 7/12, đề thi học kỳ 1 môn Văn khối 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) đã đưa cuộc trò chuyện của cha con cậu bé gốc Việt sau cuộc khủng bố Paris vào phần thi Nghị luận xã hội. Nhiều học sinh cho biết cảm thấy hứng thú với nội dung đề thi thời sự này.


Đề thi học kỳ 1 môn Văn lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM).

Đề thi học kỳ 1 môn Văn lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM).

Phần Nghị luận xã hội (3 điểm) trong đề thi học kỳ như sau:

“Liên quan đến vụ tổ chức khủng bố IS đánh bom và xả súng đẫm máu ở Paris hôm 13-11-2015 vừa qua, khiến 129 người thiệt mạng và cả thế giới bàng hoàng, tại buổi tưởng niệm các nạn nhân, một video của hãng truyền thông Le Petit Journal đã ghi lại cuộc đối thoại xúc động giữa một ông bố người Pháp gốc Việt và cậu con trai nhỏ về những kẻ khủng bố và thảm kịch vừa xảy ra. Chỉ sau thời gian ngắn, video này đã lan truyền chóng mặt trên các trang mạng xã hội và ngay lập tức nhận được hơn 11 triệu lượt chia sẻ trên Facebook.

Khi được hỏi về chuyện xảy ra ở Paris, cậu bé hồn nhiên cho biết, đó là do những người độc ác gây ra. Cậu bé còn nói cần phải chuyển nhà vì người độc ác có súng, có thể bắn chết người. Người bố ở bên cạnh dịu dàng trấn an con trai đừng nên lo lắng, sau đó còn dạy cậu bé: “Họ có súng còn chúng ta có hoa. Những bông hoa có thể chiến đấu chống lại những họng súng”.

Câu nói này tuy ngắn nhưng đầy xúc động của người đàn ông yêu hòa bình này chắc hẳn sẽ khiến cho người dân ở khắp nơi trên thế giới phải rơi nước mắt và suy ngẫm.

Bày tỏ suy nghị của anh/chị về câu nói của người bố trong bản tin trên”.

Chia sẻ sau buổi thi, nhiều học sinh cho biết rất hứng thú với nội dung đề thi thời sự này. Em Lâm Anh, học sinh lớp 12A12 cho biết: Em cảm thấy rất tâm đắc vì đề thi hay, hợp với hướng thời sự để chúng em quan tâm. Nữ sinh này cho biết dành nhiều công sức để bày tỏ quan điểm, hiểu biết của mình về vấn đề nêu ra trong bài, phẫn nộ với hành động tàn ác của bọn khủng bố, bày tỏ sự yêu chuộng hòa bình, niềm tin vào cái thiện, chính nghĩa sẽ chiến thắng cái ác.

Còn Duy Anh, học sinh lớp 12A3 thì dù đánh giá đề thi hay nhưng sẽ làm khó những học sinh nào không chịu đầu tư chất xám.

Thầy giáo Đỗ Đức Anh - giáo viên bộ môn Văn, người phụ trách ra phần thi Nghị luận xã hội nói trên cho biết: Vấn đề liên quan đến khủng bố IS đang được xã hội quan tâm, qua quan sát, tìm hiểu các em học sinh cũng rất quan tâm, các em còn thay avartar chia sẻ với nước Pháp, chia sẻ video, những câu chuyện cảm động liên quan đến vụ tấn công của IS ở Paris ngày 13/11 vừa qua.


Thầy giáo Đỗ Đức Anh - người phụ trách ra đề phần nghị luận xã hội.

Thầy giáo Đỗ Đức Anh - người phụ trách ra đề phần nghị luận xã hội.

“Qua đề văn này, với câu nói đậm tính ẩn dụ của người cha với con tôi muốn gửi một thông điệp đến các em học sinh về sức mạnh của lòng tốt, tình yêu, sự đồng lòng của con người có thể chiến thắng mọi cái ác, cái xấu. Tôi cũng muốn củng cố niềm tin cho các em giữa nhiều điều xấu xa, độc ác thì cuộc sống vẫn con nhiều điều tốt đẹp và chúng ta sống vì những điều đẹp đẽ đó. Đã đến lúc thoát khỏi những đề thi sáo mòn rồi, hãy thổi hơi thở của đời sống vào đề văn để tạo hứng thú cho học sinh để các em thấy môn văn chính là cuộc sống”, thầy Đức Anh chia sẻ.

Nói về cách cho đề nghị luận xã hội, thầy Đỗ Đức Anh cho rằng đề văn bây giờ không còn đơn thuần là đề để kiểm tra đánh giá mà phải là cơ hội để các học sinh được bày tỏ những điều trăn trở về cuộc sống này, về những gì đang diễn ra hàng ngày ở đây hay ở bất cứ nơi nào.

Thầy cũng bộc bạch rằng “với đề văn này và câu nói ẩn dụ sâu sắc “Họ có súng còn chúng ta có hoa. Những bông hoa có thể chiến đấu chống lại những họng súng” tôi nghĩ mình sẽ thắp lên được ngọn lửa ấm trong lòng học trò của mình về tình yêu hòa bình, sức mạnh của lòng tốt, giá trị của những yêu thương. Và tôi tin khi thông điệp này được gửi đến các em thì các em sẽ sống nhân hậu hơn, biết phẫn nộ trước những điều tàn nhẫn”.

Theo thầy giáo này, thầy luôn tâm niệm rằng sẽ luôn còn có nhiều đề nghị luận mang tính thời sự, tính giáo dục và nhân văn hơn để khơi gợi những cảm xúc đẹp hơn trong học sinh của mình.

Lê Phương