“Cùng non sông cất cánh” thăm vùng đất anh hùng

“Miền Trung thân thương” là cụm từ mà người dân Việt Nam dùng để gọi dải đất nhỏ bé nối liền hai bờ Nam-Bắc. Sau gần 3 tháng tranh tài sôi nổi, từ ngày 20 – 24/12/2015, các em học sinh đạt giải đã tham dự đoàn tour “Về nguồn” hướng đến vùng đất miền Trung đầy nắng gió, khắc nghiệt.

Hành trình tour nhân dịp kỷ niệm 5 năm cuộc thi “Cùng non sông cất cánh” lần này đưa các em đi hết chiều dài mảnh đất miền Trung, tham quan những địa danh anh hùng gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm lẫy lừng của dân tộc và kết thúc tại Đà Nẵng – thành phố trẻ, hiện đại, quy củ bậc nhất Việt Nam.

Hành trình bắt đầu từ quê Bác


Đoàn học sinh tại quê hương Bác Hồ - Nam Đàn, Nghệ An

Đoàn học sinh tại quê hương Bác Hồ - Nam Đàn, Nghệ An

 

Hành trình “Về nguồn” bắt đầu ở xứ Nghệ nơi chủ tịch Hồ Chí Minh, đứa con được đất mẹ ấp ôm, nuôi nấng suốt thuở thiếu thời. Cụm di tích Hoàng Trù là nơi Hồ Chủ tịch ra đời và trải qua năm năm đầu đời. Nơi ở của Người là ba gian nhà ở vườn phía Tây do ông bà ngoại cất lên. Gian ngoài là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc làm việc. Gian giữa là chỗ nghỉ ngơi và gian thứ ba là nơi đặt khung cửi - công cụ lao động của bà Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống cả nhà. Mọi thứ đều được giữ nguyên vị trí của nó như thuở Bác còn trẻ thơ, nằm trên chiếc võng gai nghe giọng mẹ ru nhẹ nhàng và loáng thoáng bóng cha vững chãi bên sách thánh hiền.

Đến cụm di tích Làng Sen, quê nội Bác và là nơi bác gửi thời thiếu niên của mình trong những ngày đàm đạo văn chương cùng cha. Năm xưa khi ông Nguyễn Sinh Sắc đăng quang phó bảng, bà con làng Sen đã xuất quỹ công dựng tặng ông ngôi nhà lá 5 gian như cách khen thưởng vị hiền tài làm rạng danh đất tổ. Hiện nay các kỷ vật trong gian nhà ấy vẫn gần như nguyên vẹn. Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ phó bảng và hai con trai. Chiếc giường của bà Thanh, con gái cụ. Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó. 

Tham quan khu di tích, các em học sinh có thể cảm nhận một cách đầy đủ hơn về quá trình hình thành nhân cách của vị cha già dân tộc và học hỏi thêm kiến thức về kiến trúc của làng quê xứ Nghệ.

Đến quê hương Vị tướng anh hùng


Đoàn học sinh viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đoàn học sinh viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Rời vùng đất Nghệ An, đoàn tiến tới Quảng Bình, một vùng đất của gió Lào, cát trắng và những cư dân hiền lành, chân chất. Nếu ngày 25/08/1911, đất Quảng Bình đón đứa bé họ Võ tên Nguyên Giáp, con cụ Võ Quang Nghiêm và bà Nguyễn Thị Kiên chào đời thì ngày 4/10/2013, mảnh đất này lại dang tay che chở cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về.

Địa danh mà Đại tướng an nghỉ là Vũng Chùa - Đảo Yến, một thắng cảnh đẹp ngỡ ngàng nằm bên vịnh nước sâu Hòn La. Mặt biển êm ả, nước chỉ hơi gợn trên bề mặt chứ không dữ dội, ồn ào, khung cảnh quả thực thanh bình, phù hợp cho những người tinh thần đang xao động, đến đây để tìm chốn tĩnh tâm.

Người dân quanh khu vực này vẫn thường nói với nhau rằng “Đại tướng đã ở đây rồi, kẻ nào dám xâm phạm lãnh thổ Việt Nam”. Nghe câu nói ấy mới thấy lòng tin của nhân dân vào vị tướng chân trần áo vải nhiều đến thế nào, trái tim yêu nước của Người, sự hi sinh của Người, non sông đất nước đều hiểu và ghi nhớ.

Những địa danh đi vào lịch sử

Tiếp tục cuộc hành trình về nguồn, đoàn đến di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc, nơi mười cô gái thanh niên xung phong hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm lại khi chưa được thấy đất nước tự do. Đoàn đến Thành cổ Quảng Trị bên dòng sông Thạch Hãn, nơi những chiến sĩ yêu nước ngã xuống vì sự hòa bình, thống nhất của quê hương, đất nước. Tại đây những câu chuyện có thể lấy đi nước mắt bất cứ ai đã để lại trong lòng các thành viên của đoàn một dấu ấn sâu sắc.

Và cảnh đẹp ngỡ chốn thiên đường

Rời Quảng Bình, đoàn tiếp tục hành trình trên dải đất miền Trung đến với thành phố Đà Nẵng, khám phá vùng đất được ví von là “đáng sống nhất” của nước ta. Bà Nà - Núi Chúa là một dãy núi thuộc huyện Hòa Vang, cao 1487m so với mực nước biển. Thời tiết ở đây rất đặc biệt khi thay đổi thành bốn mùa riêng biệt trong một ngày: sáng - xuân, trưa - hạ, chiều - thu, tối - đông. Từ trên mỏm núi, hướng nhìn có thể bao quát cả một không gian mênh mông từ biển cả, thành phố Đà Nẵng đến những cánh đồng lúa xanh tận chân trời... 

Rời vùng núi cao Bà Nà-Núi Chúa để đến với cái mặn mòi của biển khơi nơi bán đảo Sơn Trà mới thấy hết vẻ đẹp hài hòa của bức tranh miền Trung. Sơn Trà có dáng núi rất kì lạ, thế núi như người bảo vệ, nhoài ra biển, che chắn bão giông cho thành phố. Tương truyền, các vị tiên từ trên trời thường chọn bãi cát nơi đây để giáng trần, ca múa, đánh cờ với nhau… nên bán đảo Sơn Trà còn có tên khác là Tiên Sa.

Tại Đà Nẵng, có 3 ngơi chùa cùng mang tên Linh Ứng đều tọa lạc trên những vị thế đắc địa, tạo thành một tam giác linh thiêng. Đó là chùa Linh Ứng Non Nước nằm trên hòn Thủy sơn của một trong năm ngọn núi Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng Bà Nà nằm trên chót vót núi cao và chùa Linh Ứng Bãi Bụt nằm lưng chừng bán đảo Sơn Trà. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất với điểm nổi bật là bức tượng Phật bà 65 mét, cao nhất Việt Nam.


Đoàn học sinh tại khu du lịch Bà Nà Hills

Đoàn học sinh tại khu du lịch Bà Nà Hills

 

Bên trong tượng là 17 tầng, mỗi tầng có tổng cộng 21 tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau gọi là “Phật trung hữu Phật”. Các em học sinh đến đây có thể di chuyển lên 17 tầng này để thưởng ngoạn cảnh đẹp từ trên cao. Tượng Phật cũng chính là điểm tựa tinh thần cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Mỗi lần nhìn thấy Phật bà, tâm họ như bình tĩnh lại, tay chèo vì thế cũng vững vàng hơn.

Có thể nói, đất miền Trung cằn cỗi nhưng con người miền Trung không vì thế mà nghèo đi tình cảm, ngược lại, họ chắt chiu những giá trị thiêng liêng nhất làm giàu cho trái tim và khối óc mình. Họ yêu đất, yêu nước, can trường chống lại những thử thách của tạo hóa và những thế lực ngoại bang để gìn giữ nét đẹp của quê cha, đất tổ. Tinh thần ấy vững vàng như ngọn cây cao nhờ đất mà phát triển nên rễ ôm lấy, chở che cho đất, ngọn vươn cao, đương đầu với gió bão. 

Cuộc hành trình về dải đất miền Trung lần này của đoàn tour 35 người bao gồm các thầy cô giáo và các em học sinh xuất sắc đạt giải trong cuộc thi “Cùng non sông cất cánh”. Tất cả mong rằng có thể truyền đạt thông điệp về “lòng yêu nước, tinh thần quật cường, bất khuất” cho những mầm non tương lai để các em tiếp bước cha anh dựng xây và bảo vệ đất nước.

Nguyễn Như Quỳnh