Cửa hẹp với thí sinh huyện nghèo

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh huyện nghèo sẽ được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, cơ hội vào ĐH theo diện ưu tiên của họ gần như không còn.

Lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết năm nay chỉ xét tuyển thẳng không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh đối với thí sinh các huyện nghèo.
 
Các thí sinh dự thi đại học năm 2012 tại Hà Nội
Các thí sinh dự thi đại học năm 2012 tại Hà Nội.
 
Điều kiện… trên trời

Những thí sinh này phải xếp loại học lực các năm lớp 10, 11 , 12 và tốt nghiệp THPT loại giỏi. Căn cứ theo điểm bình quân của điểm tổng kết 3 năm lớp 10, 11, 12, trường xét tuyển theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.

Theo quy định của Trường ĐH Công đoàn, chỉ những thí sinh có học lực các năm lớp 10, 11, 12 đạt loại giỏi và tốt nghiệp THPT loại giỏi mới được xét tuyển thẳng vào các ngành bậc ĐH. Trường hợp xét tuyển vào các ngành bậc CĐ, phải đạt học lực 3 năm cấp THPT và tốt nghiệp THPT loại khá.

Trường ĐH Mỏ địa chất cũng cho biết điều kiện xét tuyển thẳng vào trường này đối với thí sinh các huyện nghèo là có học lực xếp loại giỏi ở các lớp 10, 11, 12; tốt nghiệp THPT cũng loại giỏi và trường chỉ xét 35 chỉ tiêu thuộc diện nay. Trong khi đó, các trường ĐH Y - Dược và ĐH Huế chỉ xét tuyển thẳng 4 ngành y học cổ truyền, y học dự phòng, y tế công cộng và điều dưỡng với điều kiện thí sinh phải có điểm trung bình 3 môn học theo khối thi vào ngành của 3 năm học lớp 10, 11, 12 đạt loạt giỏi; tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên và hạnh kiểm 3 năm THPT đạt loại tốt. Khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) thông báo chỉ xem xét tuyển thẳng đối với các thí sinh có học lực 3 năm THPT đạt loại giỏi, tốt nghiệp THPT cũng loại giỏi và chỉ có 5 chỉ tiêu.

Một số trường ĐH khác tuy đưa ra tiêu chí nhẹ nhàng hơn nhưng cũng là khó khăn ngay với thí sinh ở đồng bằng, TP chứ không nói đến học sinh thiểu số tại các huyện nghèo. Học viện Chính sách và Phát triển yêu cầu đối tượng xét tuyển thẳng phải có học lực 3 năm THPT đạt khá trở lên, trong đó, 3 môn học lớp 12 tương ứng với 3 môn thi tuyển sinh vào học viện phải đạt điểm 8 trở lên/môn và hạnh kiểm đạt loại tốt.
Trong khi đó, Trường ĐH Luật Hà Nội cũng chỉ xét tuyển thẳng thí sinh các huyện nghèo không quá 2% tổng chỉ tiêu với yêu cầu tốt nghiệp THPT loại khá trở lên. Còn theo thông báo của Trường ĐH Thương mại, thí sinh muốn xét tuyển thẳng phải xếp loại học tập các năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT khá trở lên. Tuy nhiên, trường chỉ dành một số lượng rất ít, không vượt quá 1% chỉ tiêu tuyển sinh theo từng chuyên ngành đào tạo.

Chào thua từ lúc... đọc hồ sơ

Một chuyên gia tuyển sinh lâu năm cho rằng các trường ĐH đưa ra những điều kiện xét tuyển ở mức “trên trời” như vậy là để “né” việc phải nhận thí sinh các huyện nghèo. “Phải giỏi là điều mà các thí sinh chào thua ngay từ lúc đọc hồ sơ. Nếu đã có học lực giỏi, tốt nghiệp THPT loại giỏi thì thí sinh thi ĐH kiểu gì cũng đỗ, không cần phải xét tuyển theo diện huyện nghèo để mang tiếng là được ưu tiên” - vị này nhận định.

Thực tế, mùa tuyển sinh 2012, trong số hàng ngàn hồ sơ xét tuyển được gửi đi của các tỉnh Thanh Hóa, Điện Biên và Lai Châu, không có trường hợp nào đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Nhận định về lý do “né” này, một chuyên gia tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng với kỳ thi tốt nghiệp có phần dễ dãi như hiện nay, số lượng thí sinh có thể tốt nghiệp và nằm trong diện được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ theo quy định mới là khá lớn, nếu không có điều kiện khắt khe sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tuyển sinh của các trường. “Thực tế cho thấy nhiều thí sinh ở các huyện nghèo tuy kết quả học tập ở phổ thông tốt nhưng khi lên ĐH thì chỉ dừng lại ở mức trung bình hoặc trung bình yếu. Vì thế, để bảo đảm chất lượng, trường chỉ nhận những thí sinh có kết quả loại giỏi” - chuyên gia này nói.
 
Theo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm