Cử nhân ngoại ngữ về quê chăn nuôi

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, chàng trai Mai Văn Hưng (SN 1984) chọn con đường trở về quê nghèo ven biển ở thôn Minh Hùng, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) để làm nông dân.

Mai Văn Hưng đang kiểm tra sức khỏe gà ở trang trại
Mai Văn Hưng đang kiểm tra sức khỏe gà ở trang trại.

“Năm 2009, tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Nhiều đêm mất ngủ bởi lời ra tiếng vào về một sinh viên được đào tạo đại học về quê sẽ làm được gì? Lẽ nào kiến thức mấy năm học đại học sẽ bị bỏ phí? Rồi tôi nghiêm túc nhìn vào thực tế cuộc sống của mình để quyết tâm làm một nông dân cần cù ngay tại làng quê của mình hơn là chạy theo những ảo vọng về một công việc ở đô thị”, Mai Văn Hưng kể.

Cuối năm 2009, được sự động viên, giúp đỡ của bạn bè và Đoàn xã Minh Lộc, Hưng quyết định đầu tư trang trại chăn nuôi gà tại gia đình, bước đầu do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên quy mô còn nhỏ lẻ. Đầu năm 2010, được sự hỗ trợ của Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, Hưng đã mạnh dạn huy động nguồn vốn từ gia đình, bạn bè và vay ngân hàng tổng số trên 400 triệu đồng để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi giống gà Ai Cập trên diện tích đất 2.500 m2 đấu thầu của xã.

Vận dụng những hiểu biết trong thời gian học đại học, anh Mai Văn Hưng đã không ngừng tìm tòi và nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho gà. Rồi anh trực tiếp chăm bẵm những con gà với sự cần cù, chịu thương chịu khó của một người nông dân. Sự nỗ lực ấy của anh bước đầu phát huy hiệu quả. Ngay trong lứa đầu tiên anh đã xuất được trên 6 tấn gà cho Công ty CP Việt Nam. Từ thành công bước đầu, anh Hưng quyết định đầu tư nuôi thêm các loại gà khác: gà chọi, gà ri, gà mái đẻ…

Từ những nỗ lực của bản thân trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương, anh Mai Văn Hưng được cơ sở Đoàn tin tưởng bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Minh Hùng, xã Minh Lộc. Anh Hưng luôn đi đầu trong các hoạt động của Đoàn, quan tâm tới đời sống của đoàn viên trong chi đoàn, giúp đỡ các đoàn viên thanh niên gặp khó khăn, chia sẻ những kinh nghiệm làm kinh tế của mình giúp đỡ các đoàn viên khác cùng làm...

Anh Cao Công Thức, Bí thư Huyện Đoàn Hậu Lộc cho biết: “Đây là một trong những mô hình bí thư chi đoàn làm kinh tế giỏi của huyện Hậu Lộc có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Sự thành công của mô hình phát triển kinh tế này không chỉ dựa vào sự hỗ trợ của gia đình, người thân, tổ chức đoàn thể mà quan trọng hơn cả là sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cá nhân các bạn trẻ”.
 
Theo Hoàng Lam
Tiền Phong