Covid-19 và câu hỏi đặt ra cho phương pháp giáo dục trên toàn cầu

(Dân trí) - Trước đại dịch Covid-19, Tiến sĩ Thanh Phạm, giảng viên cao cấp tại Đại học Monash, Úc cho rằng đã đến lúc các quốc gia đặt ra câu hỏi liệu giáo dục có chỉ nên chú trọng vào các môn khoa học, toán học và lý thuyết giáo dục của phương Tây không?

Covid-19 và câu hỏi đặt ra cho phương pháp giáo dục trên toàn cầu - 1

Hiện phần lớn trong số 5,3 triệu du học sinh trên thế giới là sinh viên quốc tế học tập ở các nước phương Tây. Và ngày càng có nhiều lời kêu gọi hỗ trợ cho các sinh viên này, bao gồm hỗ trợ tài chính, tạo môi trường an toàn và tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Để đạt được những mục tiêu này, các tổ chức giáo dục phương Tây đang tiến hành quốc tế hóa giáo dục nhằm kết hợp các giá trị văn hóa và giáo dục của sinh viên quốc tế vào trong giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, các học giả và nhà nghiên cứu phương Tây thường chỉ chú ý đến nét văn hóa truyền thống nhưng ít chú ý đến các giá trị trí tuệ của sinh viên quốc tế và sinh viên quốc tế vẫn luôn được cho là cần phải học hỏi lý thuyết, kiến thức và hòa nhập theo phương pháp học tập của phương Tây.

Và trong khi việc đưa các tư tưởng và triết học phi phương Tây vào các chương trình giảng dạy hiện vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp thì chính dịch bệnh Covid -19 lại đang tạo ra cơ hội cho việc quốc tế hóa giáo dục thực sự.

Khả năng giảng dạy trực tuyến

Học trực tuyến là giải pháp mà nhiều quốc gia và các tổ chức giáo dục lựa chọn trong thời kỳ Covid -19. Sau khi tiến hành giảng dạy trực tuyến tập trung trong vài tháng qua, nhiều học giả đã cho rằng để việc học trực tuyến được hiệu quả, giáo viên và học sinh cần phải áp dụng một phương pháp giảng dạy có định hướng theo các bước rõ ràng, nếu không học sinh sẽ khó lòng theo được mạch bài giảng.

Khi truyền tải kiến thức trực tuyến, các phương pháp sư phạm vốn được áp dụng rộng rãi trong các lớp học phương Tây là suy nghĩ độc lập, phản biện và luôn đặt câu hỏi đang dần được thay thế bằng các phương pháp phổ biến trong các lớp học châu Á, bao gồm phương pháp giảng dạy chi tiết và có định hướng của giáo viên. Phương pháp này đang được củng cố, và dần trở thành một điều bắt buộc nhằm giảm những nỗi căng thẳng mà sinh viên hiện đang phải đối mặt.

Do đó, các lý thuyết về giáo dục truyền thống của phương Tây như Vygotskian vốn nhấn mạnh việc tương tác và thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả học đang bị thách thức bởi các nguyên tắc sư phạm của Khổng giáo, nhấn mạnh vai trò tư duy và xử lý vấn đề trong suy ngẫm thay vì tranh luận.

Những trải nghiệm mới trong giảng dạy trực tuyến rõ ràng đang tạo ra cơ hội cho các hệ tư tưởng giáo dục và triết lý ngoài phương Tây được các giáo viên và học sinh phương Tây công nhận và áp dụng.

Giá trị con người hay tiến bộ khoa học và công nghệ?

Sự gia tăng của những ca tử vong do Covid-19, dịch vụ y tế thiếu thốn kèm theo những căng thẳng tinh thần mà mọi người đang gặp phải trên toàn cầu đã đặt ra một câu hỏi cơ bản cho cả chính quyền và người dân - sự giàu có và phát triển của một quốc gia có chỉ nên giới hạn ở sức mạnh chính trị, tiến bộ khoa học và công nghệ và sự vượt trội của học sinh trong các môn khoa học và toán học hay không?

Covid -19 đang ngày càng thu hút sự chú ý của mọi người về các giá trị nhân bản như lòng trung thành, ý thức cộng đồng, đoàn kết, khoan dung, lòng tốt và sự tôn trọng. Đây chính là những giá trị cốt lõi trong các hệ thống tư tưởng giáo dục chính ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Trên thực tế, đạo đức, môi trường, tư tưởng quốc gia và sự tôn trọng cộng đồng vẫn là những môn học bắt buộc trong nhiều chương trình giáo dục châu Á và đã trở thành các giá trị giúp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc và Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam đã được quốc tế ca ngợi trong chiến lược chống Covid -19 với ít ca dương tính và không có trường hợp tử vong. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh phần lớn đạt được dựa trên các giá trị giáo dục truyền thống về đạo đức, tôn trọng cộng đồng và đoàn kết của người dân và chính quyền.

Trong nỗ lực đẩy nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ, các nước châu Á đã cải cách chương trình giáo dục trong nước và nhiều sinh viên châu Á theo học chuyên ngành khoa học và công nghệ tại các nước phương Tây. Tuy nhiên, đại dịch diễn ra đang khiến họ cân nhắc lại mức độ cải cách các giá trị văn hóa và giáo dục truyền thống trong giáo trình.

Chính vì vậy, câu hỏi đang được đặt ra đối với hệ thống giáo dục của các nước phương Tây là: Sức mạnh và sự giàu có của một quốc gia có phải được thể hiện trong các tiến bộ khoa học và công nghệ, sự thương mại hóa giáo dục và sự thống trị của hệ tư tưởng Âu-Mỹ như hiện nay? Hay thay vì đó cần phải chú trọng thêm vào các môn khoa học xã hội và cách tiếp cận đa dạng không chỉ về văn hoá mà còn về lý thuyết và tư tưởng trong các phương pháp giảng dạy và học tập?

Covid-19 và câu hỏi đặt ra cho phương pháp giáo dục trên toàn cầu - 2

Tiến sĩ Thanh Phạm là giảng viên cao cấp tại Đại học Monash, Úc về các vấn đề việc làm sau đại học, toàn cầu hóa và giáo dục liên văn hóa. Các nghiên cứu chính của bà xem xét cách sinh viên sau khi tốt nghiệp sử dụng các nguồn lực của bản thân để phát triển sự nghiệp trong các bối cảnh khác nhau. Bà cũng tham gia nghiên cứu và giảng dạy về chuyên ngành toàn cầu hóa và quốc tế hóa giáo dục. Lĩnh vực giảng dạy chính của bà là quá trình chuyển tiếp của sinh viên từ đại học đến nơi làm việc, việc làm sau đại học, giáo dục liên văn hóa, thực tiễn sư phạm, toàn cầu hóa, quan hệ đối tác gia đình và nhà trường và phương pháp nghiên cứu khoa học. 

Twitter: @ThanhPh41762926

LinkedIn: https://www.linkedin.com/in/thanh-pham-1b818015b/    

Thanh Phạm - Trường Thịnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm