Cổng trường xa lắm!

(Dântrí) - Bảo tôi để xe máy lại trường vì “bạn không quen, đường rất khó đi”, thầy hiệu trưởng Lê Minh Hương chở tôi đi hết con đường nhão nhoẹt bùn lại vượt qua 2 con dốc mới đến được nhà cậu học trò Huỳnh Ngọc Lộc (thôn 4, xã Tiên Lộc, huyện Phú Ninh, Quảng Nam).

Đèn dầu lạc lõng

 

Trên đường đi, thầy Hương (Hiệu trưởng Trường THCS Tam Lộc) hết kể về thành tích học tập đáng nể của Lộc lại nói đến hoàn cảnh nghèo túng của đứa học trò mà 4 năm qua thầy và nhà trường luôn quan tâm giúp đỡ. Khi gần đến nhà, thầy Hương buông một câu đầy cảm thán: “Lộc học giỏi và hạnh kiểm rất tốt nhưng không biết sắp tới có đi học lớp 10 được không đây vì nhà em quá nghèo”.

 

Cái nóng hầm hập của tháng bảy ập xuống khi tôi vừa bước vào nhà. Căn nhà rộng chưa đến 30m2 được xây dựng cách đây 2 năm với số tiền 7 triệu đồng thì xã đã ủng hộ đến 4 triệu, vậy mà đến nay cửa ngõ vẫn trống trơn. Đưa cho khách đang ngồi bệt dưới đất mỗi người một cái quạt nan để xua cái nóng, ba của Lộc - anh Huỳnh Ngọc Nam phân trần: “Không có tiền bắt điện nên phải dùng cái này”.

 

Pha ly nước mời khách, anh Nam nói tiếp: “Cả xóm có điện hết gần cả chục năm rồi mà mình không có cũng buồn; hơn nữa con cái phải học đèn dầu thấy tội nghiệp quá. Cho nên vừa rồi ra hỏi thì điện lực cho biết kéo điện từ ngoài đường ĐT 615 về đến nhà tôi mất khoảng 2 triệu đồng. Nghe vậy thì tôi tá hỏa, không dám hỏi nữa. Tôi về nói với các con, thôi để từ từ hồi mô có điều kiện cái đã”.

 

Không có tiền kéo điện, trong khi đó, thắp đèn dầu như nhà anh Nam cũng nhiều tiền không kém. Mỗi tháng, nhà anh thắp hết 3 lít dầu hỏa, giá mỗi lít tại Tam Lộc là 16.000 đồng, tổng cộng tiền dầu của gia đình anh mỗi tháng hết 48 nghìn. “Nhiều gia đình ở đây dùng điện mỗi tháng chỉ vài chục nghìn đồng, ít hơn mình thắp đèn dầu”, anh Nam nói.

 

Thầy giáo trở thành nông dân

 

Cổng trường xa lắm!  - 1

Căn nhà sau 2 năm xây dựng vẫn chưa có cửa.

Bắt đầu đi dạy từ năm 1969, sau ngày đất nước giải phóng tiếp tục nghề “phấn trắng bảng đen” và có thời gian làm hiệu trưởng trường tiểu học. Thế nhưng, năm 1985 thì anh Nam không thể theo nghề vì “giai đoạn đó khổ quá”.

 

Rời xã Tam An (huyện Phú Ninh), thầy giáo Huỳnh Ngọc Nam vượt núi lên xã Tam Lộc cùng huyện để làm anh nông dân theo diện “đi kinh tế mới”. Và từ đây, cuộc đời của một thầy giáo đã chuyển sang trang khác …

 

Ở thôn 4 Tam Lộc này, cây lúa sống chủ yếu nhờ nước trời nên năm nào mưa thuận gió hòa thì còn đỡ, năm nào ông trời “khó chịu” một chút thì cái đói đe dọa ngay. Cuộc sống của gia đình 4 miệng ăn của anh Nam dựa vào 5 sào lúa là chính và mỗi năm chỉ có 1 vụ. Với 10 ang giống gieo xuống, mấy năm trước thu hoạch khoảng 200 ang lúa; tuy nhiên, năm nay gia đình anh chỉ thu được có 80 ang (tương đương 400kg). “Năm ni đói là cái chắc”, anh Nam buồn bã nói.

 

Cũng siêng năng, cần cù như bao người nông dân khác nhưng với sự khắc nghiệt của vùng đất Tam Lộc này, gia đình anh Nam vẫn không thể có điều kiện cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Đứa con gái đầu Huỳnh Thị Sơn học khá giỏi, từng được học bổng “Đèn đom đóm” và thi đậu vào lớp 10 trường THPT Trần Văn Dư cách đây 2 năm nhưng không thể theo học vì để dành tiền cho đứa em trai tiếp tục cắp sách đến trường. Khó khăn càng thêm chồng chất khi cách đây 4 tháng, vợ anh - chị Lê Thị Hạnh bạo bệnh và ra đi ở tuổi 52.

 

Có lẽ bù cho nỗi khổ cực của ba mẹ, từ nhỏ, cùng với chị, Huỳnh Ngọc Lộc đã nổi tiếng là học giỏi. Liên tục từ lớp 6 đến lớp 9, Lộc là lớp trưởng và dẫn đầu luôn về kết quả học tập của lớp. Năm học lớp 9 vừa qua, ngoài phần thưởng điểm trung bình cao nhất lớp, em còn đoạt giải khuyến khích môn hóa tại kỳ thi học sinh giỏi huyện Phú Ninh (riêng điểm trung bình môn hóa cuối năm lớp 9 của Lộc lên đến 9,8 điểm). “Điều kiện kinh tế của gia đình khó khăn mà Lộc học được như vậy là điều mà các thầy cô giáo cũng như các em học sinh thán phục”, thầy Hương nói.

 

Lộc vừa đỗ vào lớp 10 Trường THPT Trần Văn Dư. Khi được hỏi về con đường học tập sắp tới, Huỳnh Ngọc Lộc cho biết sẽ cố gắng học giỏi và chỉ có học giỏi mới có thể giúp cho em và gia đình thoát khỏi đói nghèo. Nghe đứa con trai nói, anh Nam chỉ còn biết thở dài và nói nhỏ vào tai tôi: “Có lẽ sắp tới tôi phải bán bớt vài sào ruộng để cho Nam ăn học thôi, chú à”.

 

Tường Vy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm