Gia Lai:
Công trình cải tạo trường bán trú vùng cao làm xong không thể quyết toán
(Dân trí) - Nhiều công trình cải tạo nhà ở, nhà bếp cho trường bán trú của tỉnh Gia Lai đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng không thể quyết toán do “vướng quy trình” từ Sở GD&ĐT Gia Lai.
Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 được ngân sách (Trung ương và địa phương) cấp cho Sở GD&ĐT Gia Lai hàng chục tỷ đồng để thực hiện. Trong đó năm 2019, chương trình được ngân sách cấp 22,4 tỷ đồng.
Trong đó có 12 dự án công trình cải tạo nhà ở học sinh, nhà bếp, khu vệ sinh của các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn các huyện K'Bang, Kông Chro, Chư Sê, Phú Thiện đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng không thể quyết toán với số tiền 5,67 tỷ đồng.
Dựa vào văn bản của Bộ GD&ĐT và Thông tư 86 Bộ Tài chính nêu rất rõ, Sở GD&ĐT Gia Lai phải phối hợp với Sở Tài chính, Sở KH - ĐT thẩm định danh mục các công trình dự án và trình UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai lại tự phê duyệt kế hoạch và dự toán danh mục cải tạo, sửa chữa các trường THPT bán trú trên địa bàn tỉnh rồi chỉ định đơn vị thi công vào thực hiện. Đến khi các công trình được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng thì Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai từ chối thanh toán vì không đúng cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ngay khi có sự việc xảy ra, Sở GD&ĐT tỉnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Gia Lai xem xét cho Kho bạc nhà nước tỉnh thanh toán các hạng mục công trình cải tạo, sửa chữa dưới 500 triệu đồng mà Sở GD&ĐT đã phê duyệt từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, khi thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó giai đoạn 2016 - 2020, Sở GD&ĐT chưa hiểu đúng Thông tư 86 (năm 2018) của Bộ Tài chính về "Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó giai đoạn 2016 - 2020".
Theo quy định, Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện, gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh phê duyệt.
Tuy vậy, Sở GD&ĐT lại tự mình phê duyệt. Theo đó, 12 công trình cải tạo, sửa chữa nhà ở học sinh, nhà bếp, khu vệ sinh của các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn các huyện K'Bang, Kông Chro, Chư Sê, Phú Thiện theo chương trình đã hoàn thành… nhưng không thể thanh toán với số tiền 5,67 tỷ đồng.
Ngoài ra, 2,8 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị năm học 2019 nhưng Sở GD&ĐT chưa thực hiện… dẫn đến tổng cộng 8,5 tỷ đồng ngân sách cấp từ đầu năm đã bị hủy.
Từ đây, Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh Gia Lai giao Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh xem xét, có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT đề nghị cấp lại 8,5 tỷ đồng để tỉnh thanh toán các hạng mục đã thực hiện theo dự toán được giao trong năm 2019. Đồng thời, Sở Tài chính Gia Lai đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các cá nhân, bộ phận có liên quan trong việc thực hiện chưa đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT về triển khai "Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó giai đoạn 2016 - 2020".
Tuy công trình đã hoàn thành nhưng đến nay các nhà thầu vẫn chưa được thanh toán. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Quý Sửu - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, 12 công trình đã hoàn thành nhưng do khâu thanh toán bị vướng do chưa hiểu văn bản. Hiện, Sở đã đề xuất xin chuyển nguồn.
Phạm Hoàng