Công tác xã hội - nghề mới nhưng có nhu cầu cao

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Công tác xã hội là một nghề khá mới ở Việt Nam, nhiều người còn nghĩ làm công tác xã hội là đi làm từ thiện. Đây là nghề chuyên nghiệp có nhu cầu ngày càng lớn trong xã hội.

Nhu cầu tuyển dụng rất cao

Theo thạc sĩ Đinh Quốc Anh - Trưởng khoa Khoa học xã hội và quản lý công nghiệp Cao đẳng Kinh tế TPHCM đánh giá, tương lai phát triển và triển vọng về cơ hội việc làm của sinh viên ngành công tác xã hội khá cao.

Thạc sĩ Đinh Quốc Anh dẫn chứng, chương trình phát triển công tác xã hội của Chính phủ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội, giai đoạn 2025 - 2030, tỷ lệ này đạt 90%.

Công tác xã hội - nghề mới nhưng có nhu cầu cao - 1

Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến (người ngồi chính giữa) là nhân viên công tác xã hội nổi tiếng trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật (Ảnh: Tùng Nguyên).

Hiện nhu cầu sử dụng nhân viên công tác xã hội tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức ngày càng đa dạng. Người học ngành này có thể làm việc tại nhiều vị trí như: Nhân viên xã hội tổng quát; Chuyên viên tham vấn tâm lý; Nhân viên xã hội trẻ em; Nhân viên xã hội bệnh viện; Nhân viên xã hội học đường; Nhân viên xã hội tư pháp, chuyên viên phát triển cộng đồng; Nhà quản lý dự án xã hội, phát triển cộng đồng...

Theo Trưởng khoa Khoa học xã hội và quản lý công nghiệp Cao đẳng Kinh tế TPHCM, nếu ra trường không có cơ hội làm việc đúng chuyên ngành, với kiến thức được học, sinh viên có thể làm nhiều công việc khác liên quan như: Hành chính văn phòng; Nhân sự, tuyển dụng; Báo chí truyền thông, quảng cáo...

Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ, dân sự xã hội, các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng nhân viên cán bộ xã hội rất cao.

Chương trình nghề chú trọng thực hành

Ngành công tác xã hội được đào tạo ở trình độ Đại học từ sớm, nhưng điều băn khoăn lớn nhất của sinh viên ngành này là thời gian thực hành quá ít so với thời lượng học tập, trong khi điều cốt yếu của ngành này là làm việc thực tế, tiếp xúc với các đối tượng cụ thể để học hỏi qua từng trường hợp được hỗ trợ.

Theo thạc sĩ Đinh Quốc Anh, đến nay đã có nhiều trường nghề như Cao đẳng Kinh tế TPHCM dạy ngành công tác xã hội ở trình độ Trung cấp và Cao đẳng. Ưu thế khi học ở bậc Cao đẳng, Trung cấp là khi xây dựng khung chương trình đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quy định thời gian thực hành chiếm hơn 50% chương trình. Nhờ đó, sinh viên có nhiều thời gian trải nghiệm thực tế công việc hơn.

Công tác xã hội - nghề mới nhưng có nhu cầu cao - 2

Những tố chất cần thiết để theo học ngành công tác xã hội (Ảnh: Tùng Nguyên).

Thạc sĩ Đinh Quốc Anh cho rằng: "Giảm thời lượng lý thuyết, hướng vào thực hành kỹ năng nghề là một trong những điểm nổi bật của hệ Cao đẳng, Trung cấp. Thời gian đào tạo từ 2 - 2,5 năm (hệ Cao đẳng) và 1,5 năm (hệ Trung cấp), chi phí đào tạo thấp cũng là ưu thế, phù hợp với khả năng của thí sinh từ các tỉnh".

Nhờ chương trình dạy thiên về thực hành, sinh viên có thể nắm bắt rất nhanh công việc khi ra trường, dễ học liên thông lên trình độ Đại học hoặc cao hơn. Đặc biệt, người làm ngành này có cơ hội du học rất lớn nhờ vào các suất học bổng của những tổ chức phi chính phủ, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp rộng mở đối với người có năng lực và ý chí vươn lên.

Một tấm gương vượt khó trong ngành công tác xã hội được báo chí nhắc đến trong nhiều năm qua là tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến, một người phụ nữ khuyết tật nhưng có nhiều bằng Đại học, hoàn thành chương trình tiến sĩ Công tác xã hội tại Đại học La Trobe (Úc), sáng lập Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), Phó chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam.

Bằng chuyên môn và năng lực của mình, tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến đã tìm được nhiều học bổng du học để nâng cao trình độ và vận động các chương trình tài trợ cho hoạt động nghiên cứu chính sách, hỗ trợ người khuyết tật trong nước, xây dựng và vận hành DRD từ năm 2005 đến nay.

Thạc sĩ Đinh Quốc Anh khuyến khích sinh viên học ngành này trang bị kỹ năng ngoại ngữ, dành thời gian và chi phí cho việc học ngoại ngữ để chuẩn bị tốt cho cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến trong tương lai.

Ngày 22/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 112/QĐ-TTg ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Đây là một trong những nghề hiếm hoi được Chính phủ xây dựng chương trình phát triển cụ thể theo từng giai đoạn.

Năm 2010, khi nghề công tác xã hội còn rất xa lạ ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu: "Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề công tác xã hội".

Đến ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm làm Ngày Công tác xã hội Việt Nam với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận những đóng góp của người làm công tác xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm