"Muốn đào tạo nhân lực đáp ứng công nghiệp 4.0, cần một nền giáo dục 4.0"
(Dân trí) - Muốn đào tạo được nhân lực đáp ứng cuộc CMCN 4.0, cần phải có một nền giáo dục 4.0. Nếu nền giáo dục không đạt được trình độ như thế, khó có thể kỳ vọng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn trong bài phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số", tổ chức vừa qua.
Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Từ góc độ ngành Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nêu đã quan điểm về đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước, cung cấp nhân lực cho kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch, cả tầm vĩ mô ngắn hạn hay dài hạn đều cần nhất quán để thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT.
Trong đó, việc phát triển con người là gốc rễ. Có con người phát triển nhân cách tốt, phẩm chất tốt thì mới có nhân lực tốt. Tuy nhiên, phát triển con người vẫn phải đảm bảo các năng lực và kỹ năng mà đất nước cần ở những giai đoạn và những đòi hỏi ở những thời điểm cụ thể. Như thế, việc phát triển con người mới được thực hiện một cách bền vững.
"Muốn đào tạo được nhân lực đáp ứng cuộc CMCN 4.0, cần phải có một nền giáo dục 4.0. Nếu nền giáo dục không đạt được trình độ như thế, khó có thể kỳ vọng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không được cho toàn thể hệ thống GDĐT, thì cũng cần đạt đến trình độ đó ở những khâu quan trọng, đặc biệt là ở Giáo dục Đại học" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Sơn cho rằng, thách thức đối với ngành GDĐT thực sự là rất lớn bởi vì vừa phải củng cố những yếu tố mang tính nền tảng, tối thiểu vừa phải thực hiện hiện đại hóa nền giáo dục và chuyển đổi số GDĐT.
Trong chuyển đổi số, các khâu, các yếu tố về con người, về thể chế, về tư duy là cực kỳ quan trọng và mang tính quyết định. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay tình hình thực tế cho thấy cơ sở vật chất đang là khâu cần phải ưu tiên trước tiên. Trong năm 2022, ngành giáo dục sẽ ưu tiên cho một số công việc.
Trước mắt triển khai thật tốt đổi mới giáo dục phổ thông, củng cố chất lượng dạy và học để ứng phó với dịch bệnh và tăng cường các kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Thực hiện Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó, phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ và kỹ thuật. Đặc biệt là nhóm đào tạo về IT và AI để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay một số lĩnh vực như đảm bảo an toàn thông tin mạng, số lượng thiếu đến hàng chục nghìn người.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kỹ thuật và công nghệ. Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị kết hợp sử dụng lao động nhất là giữa các doanh nghiệp và các trường đại học.
Đặc biệt, cần phải hỗ trợ kịp thời cho hơn 70.000 sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học quy trở lại đào tạo bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho các năm 2022, 2023.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 là sự kiện được tổ chức hàng năm do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan tổ chức. Năm 2021, Diễn đàn được tổ chức với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số".