Cộng điểm cho con của người hoạt động cách mạng trước 1945: Bộ GD-ĐT lên tiếng!
(Dân trí) -Ngay sau khi đăng bài “Con của người hoạt động cách mạng trước 1945 được cộng điểm ưu tiên vào THPT”, báo <i>Dân trí</i> đã nhận được hàng nghìn ý kiến bàn luận của độc giả. Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Con nuôi của người hoạt động cách mạng trước năm 1945 được cộng điểm ưu tiên vào học bậc THPT.
Tại sao Bộ lại bổ sung vào 2 đối tượng: Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1 tháng 1 năm 1945; Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1 tháng 1 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”?
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông: Ngày 18/4/2014, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, trong đó đã quy định các nhóm đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh.
Cục Người có công thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có yêu cầu bổ sung các đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh theo Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 của UBTVQH về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 35/2007/PL-UBTVQH11 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh số 04).
Khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh số 04 quy định: “Người có công với cách mạng và thân nhân được Nhà nước, xã hội quan tâm chăm sóc, giúp đỡ và tùy từng đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi sau đây:… Được ưu tiên trong tuyển sinh….”; Khoản 4 Điều 9 Pháp lệnh số 04 quy định: “Con của người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ quy định tại khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh này”; Khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh số 04 quy định: “Con của người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ quy định tại khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh này”.
Căn cứ vào các quy định trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BGDĐT ngày 26/5/2014 bổ sung các đối tượng ưu tiên nói trên.
Quy định này có được áp dụng cho các đối tượng là con nuôi không, thưa ông?
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì “Thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi)”.
Như vậy, con nuôi là đối tượng được hưởng ưu tiên theo quy định nói trên.
Bộ có thống kê nào về đối tượng ưu tiên là con của Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1 tháng 1 năm 1945; Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1 tháng 1 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945” đang theo học tại tất cả các bậc học, cấp học không? Theo ông, trên thực tế có xảy ra trường hợp này không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm “Hướng dẫn thực hiện việc ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ tại các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.
Chưa thống kê nhưng chúng tôi đã biết trên thực tế có những trường hợp thuộc các đối tượng ưu tiên nói trên nên việc quy định các đối tượng ưu tiên này vừa đảm bảo các quy định của pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tế.
Ông nói gì về các ý kiến phản hồi của độc giả cho rằng Bộ GD-ĐT quan liêu trong công tác văn bản?
Như tôi đã trả lời ở trên, việc quy định các đối tượng ưu tiên này vừa đảm bảo các quy định của pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tế, đảm bảo quyền được ưu tiên của mọi đối tượng chính sách. Vì vậy, không thể nói rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo quan liêu khi ban hành văn bản.
Hồng Hạnh (thực hiện)