Phó Chủ tịch Bạc Liêu:
"Công dân học tập là thành tố hạt nhân quan trọng của xã hội học tập"
(Dân trí) - "Để có gia đình học tập, dòng họ học tập... thì chúng ta phải có những công dân học tập. Đây là một thành tố hạt nhân rất quan trọng của xã hội học tập", Phó Chủ tịch Bạc Liêu nhấn mạnh.
Ngày 31/1, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện chương trình "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030" theo quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều Hội Khuyến học cấp huyện của tỉnh Bạc Liêu cho rằng, khó khăn nhất khi triển khai mô hình này là vấn đề kinh phí và trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin.
Do đó, các địa phương đề nghị Hội Khuyến học tỉnh, UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ để việc thực hiện mô hình đạt hiệu quả trong thời gian tới.
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng mô hình công dân học tập mới triển khai nên còn gặp nhiều khó khăn.
"Tôi rất chia sẻ những khó khăn của các địa phương. Mô hình này như thế nào để đạt hiệu quả cần kèm theo một cơ chế chính sách đảm bảo, bởi việc này không riêng của Hội Khuyến học, mà đây là có quyết định từ Trung ương, Thủ tướng Chính phủ", ông Duy chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Bạc Liêu, để có gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập… thì phải có những công dân học tập. Có thể nói công dân học tập là một thành tố hạt nhân rất quan trọng của xã hội học tập.
Ông Duy cho biết, UBND tỉnh rất quan tâm đến vấn đề này. Khi Trung ương có văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh ngay tức khắc giao các sở, ngành tập trung nghiên cứu tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết triển khai thực hiện.
Trong đó, kinh phí đề án xây dựng xã hội học giai đoạn 2021 - 2030, HĐND tỉnh đã có nghị quyết về các mức chi cho hoạt động này.
"Chi kinh phí cho hoạt động khuyến học, ngân sách của cấp nào thì cấp đó đảm bảo. Hội Khuyến học căn cứ vào đó lập kế hoạch, dự toán kinh phí trình UBND cùng cấp để xem xét. Nếu có khó khăn thì UBND cấp huyện báo cáo để UBND tỉnh xin ý kiến xử lý", ông Duy lưu ý.
Để triển khai mô hình công dân học tập, theo Phó Chủ tịch Bạc Liêu, trước mắt làm thí điểm một số nơi, nghiên cứu xây dựng các mô hình thế nào, tính toán nguồn lực ra sao để rút kinh nghiệm cái gì được, chưa được. Bởi, hiện nay mới triển khai chương trình nên còn khó khăn, làm đại trà là rất khó.
"Tâm lý của nhiều người dân nhu cầu xem qua thông tin báo chí để tiếp cận, hoặc làm ngành nghề yêu thích thì tìm tòi liên quan đến lĩnh vực đó, chứ không muốn học kiến thức này, kiến thức kia. Do đó, chúng ta làm dàn trải công dân học tập, tôi nghĩ hiệu quả không cao", ông Duy nhận định.
Phó Chủ tịch Bạc Liêu lưu ý các địa phương trong quá trình triển khai thấy có vướng mắc gì cần kịp thời phản ánh. Ông cũng đề nghị các sở, ngành trên từng lĩnh vực phụ trách, quan tâm phối hợp với Hội Khuyến học triển khai mô hình này