Công bố Dự thảo chương trình SGK mới để lấy ý kiến công luận

(Dân trí) - Dự kiến, cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới đây, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được công bố để lấy ý kiến rộng rãi. Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo mới đây do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết tại buổi họp báo ngày 24/3, cho đến ngày 24/1, ban soạn thảo đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình khung) và chuyển hội đồng quốc gia để thẩm định.

Từ 20-24/2, hội đồng thẩm định đã họp và biểu quyết thông qua dự thảo. Trong đó, tỉ lệ phiếu đồng tình khá cao: 42% phiếu đồng ý thông qua mà không cần chỉnh sửa. Có 58% phiếu đồng ý thông qua nhưng cần có sửa chữa. Cho tới ngày 14/3 vừa rồi, ban soạn thảo đã hoàn thiện bản thảo cuối cùng để chuyển tới Vụ Pháp chế của Bộ GD&ĐT cho ý kiến thẩm định trước khi trình lên Bộ trưởng.

Dự kiến, cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới đây, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được công bố để lấy ý kiến rộng rãi.

GS Thuyết cũng khẳng định, với tiến độ hiện nay thì chương trình - sách giáo khoa (SGK) mới vẫn sẽ được triển khai bắt đầu từ năm học 2018-2019 theo kế hoạch.

Dự kiến đầu tháng 4 tới, Chương trình SGK mới sẽ được đưa ra lấy ý kiến công luận (ảnh minh họa)
Dự kiến đầu tháng 4 tới, Chương trình SGK mới sẽ được đưa ra lấy ý kiến công luận (ảnh minh họa)

Cụ thể, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, các môn học bắt buộc ở cấp tiểu học gồm: Tiếng Việt, Toán, tiếng Anh, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.

Ở cấp trung học cơ sở, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10 bao gồm các môn học bắt buộc là: "Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Ngoại ngữ 2".

Lớp 11 và lớp 12, các môn học chung (bắt buộc) bao gồm: Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc): "Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. Học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn nói trên phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường".

Ngoài ra, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng đề cập tới định hướng xây dựng các chương trình môn học; định hướng về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; điều kiện thực hiện chương trình phổ thông và phát triển chương trình giáo dục phổ thông.

Theo GS, nếu học dàn trải như hiện nay sẽ không đảm bảo định hướng nghề nghiệp. Vì vậy từ lớp 11 và lớp 12 ngoài một số môn bắt buộc như giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì các môn còn lại sẽ được học sinh tự chọn. Mỗi học sinh sẽ tự chọn 5 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng kế thừa những điểm tốt của chương trình hiện hành để đảm bảo chương trình mới hoàn thiện hơn.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm