Công bố dự thảo Chiến lược giáo dục 14
(Dân trí) - Sáng nay 31/12, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Chiến lược giáo dục 14 giai đoạn 2009-2020. Theo đó, phiên bản 14 này đã tiếp thu những ý kiến đóng góp từ 74 chỉ tiêu rút xuống còn 50 chỉ tiêu.
Theo dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 14 (2009-2020) được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2009 - 2010): Điều chỉnh một số chỉ tiêu và tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010. Tập trung vào một số trọng điểm: Đẩy mạnh cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy học; chấn chỉnh nền nếp và kỉ cương trong các hoạt động giáo dục để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, cải cách hành chính triệt để trong hệ thống quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương.
Giai đoạn 2 (2011 - 2015) tập trung vào các trọng điểm: Triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời tăng cường sử dụng các chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế ở các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học.
Tổ chức đánh giá quốc gia và tham gia chương trình đánh giá quốc tế về kết quả học tập. Tiến hành đổi mới cơ cấu và quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục quốc dân. Đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo sư phạm, công tác bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Giai đoạn 3 (2016 - 2020) tập trung vào các trọng điểm: Đẩy mạnh việc xây dựng các đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thực hiện những điều chỉnh cần thiết về các mục tiêu, chỉ tiêu chiến lược và đánh giá kết quả thực hiện chiến lược giáo dục.
Nguồn lực được đảm bảo để thực hiện giáo dục có chất lượng ở mọi cấp học và trình độ đào tạo như đảm bảo duy trì tỷ lệ đầu tư cho giáo dục trong tổng chi ngân sách nhà nước được là 20% trong giai đoạn 2008-1012, phấn đấu đạt 21% vào năm 2015, trong đó tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập, giáo dục ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ tài chính cho những học sinh, sinh viên thuộc các nhóm thiệt thòi và các nhóm được hưởng chính sách ưu tiên. Tỷ lệ hỗ trợ nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học đạt và duy trì ở mức 1,5% ngân sách nhà nước từ năm 2015.
Ngoài ngân sách nhà nước, nguồn lực cho giáo dục sẽ được huy động từ các tổ chức kinh tế - xã hội, các đơn vị sử dụng nhân lực sau đào tạo, được chia sẻ với người học và các hộ gia đình.
Việc phân bổ tài chính cho các cơ sở giáo dục được thực hiện dựa trên nhu cầu thực và kết quả hoạt động của từng cơ sở nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các cơ sở phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Hồng Hạnh