Con trẻ không sợ thi rớt, chỉ sợ... bố mẹ

(Dân trí) - Có lẽ không lúc nào mà những con số lại quyết định niềm vui, tiếng cười và cả đau khổ, nước mắt nhiều gia đình như... sau khi có điểm thi.

Đi đâu để trốn cha mẹ?

Những ngày qua, học sinh nhiều tỉnh thành trong cả nước trải qua những ngày căng thẳng, hồi hộp chờ đợi điểm thi. Khi điểm thi, điểm chuẩn được công bố là lúc có những gia đình reo vui tưng bừng thì đối với việc thi cử - sẽ có thái cực ở phía ngược lại - từ phía những học trò thi rớt. 

Con trẻ không sợ thi rớt, chỉ sợ... bố mẹ - 1

Con trẻ cần sự đồng hành của cha mẹ lúc thất bại nhiều hơn cả khi thành công (ảnh minh họa)

Năm nay, ở TPHCM, có khoảng 30.000 học sinh tốt nghiệp THCS không có chỗ tại trường THPT công lập. Ngoài những học sinh đã tự lựa chọn phân luồng, từ chối thi thì có đến hơn 13.000 thí sinh rớt trực tiếp khỏi kỳ thi.

TPHCM đã công bố điểm thi vào lớp 10 chuyên, tỷ lệ học sinh không nhỏ mong muốn vào trường chuyên đang phải đối diện với cú sốc thi trượt.

"Mình thiếu 0,5 điểm để vào chuyên của Trường THPT Gia Định. Những ngày qua, một bầu u ám trong ngôi nhà của mình. Rớt cũng rớt rồi nhưng mình biết phải đi đâu đến trốn ánh mắt, sự thất vọng, sự buồn chán của bố mẹ" - chia sẻ của một học sinh ở Phú Nhuận sau khi có điểm chuẩn vào lớp chuyên đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều.

Không chỉ em, nhiều học sinh sau những ngày có điểm thi cũng đang phải đối diện với điều này. Thất vọng, chửi bới, la mắng, có những phụ huynh còn không chấp nhận sự thật còn bắt con đi phúc khảo hoặc là liên hệ nơi này nơi nọ nhờ "gửi gắm"...

Đổ lỗi cho con, bố mẹ còn quay sang đổ lỗi cho nhau, rồi đổ lỗi luôn cho cả thầy cô luyện thi. 

Có cậu học trò từng xuất hiện trên truyền hình kể trong nước mắt khi em thi rớt lớp 10, bố em nói: "Mày không nên đi học nữa, mày nên làm một việc gì đấy để đủ ăn".

Nỗi sợ với các em, không còn là nỗi sợ thi trượt vào một ngôi trường nào đó, sẽ chuyển sang con đường học tập khác mà chính là nỗi sợ phải đối diện với chính cha mẹ. 

Vỗ vai con rồi... đi tiếp!

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, nguyên giáo viên Trường THCS Đức Trí, TPHCM cho hay, sau khi có điểm thi, nhiều gia đình sẽ có sự xung đột, đổ lỗi, chì chiết vì con thi rớt.

Theo bà, chưa lúc nào chúng ta lại lệ thuộc cảm xúc trao hết cho những con điểm, mà những con điểm đó ai cũng hiểu không tỷ lệ thuận với thành công trong cuộc đời của con. Thế nhưng, hạnh phúc của nhiều gia đình lại đặt cược cả vào thành tích học tập của con, từ những tờ giấy khen con mang về, từ tên tuổi ngôi trường con học. 

Con trẻ không sợ thi rớt, chỉ sợ... bố mẹ - 2

Hàng chục hàng học sinh ở TPHCM sẽ có những con đường khác ngoài việc theo học lớp 10 công lập (Ảnh minh họa)

Theo bà Quyên, nhiều bố mẹ xem học vấn của con là sĩ diện của mình nhưng ngụy biện bằng nhân danh tình yêu thương dành cho con. Đây là điều đau khổ nhất với những đứa trẻ. 

Giáo dục của thời đại này cần tạo ra những đứa trẻ linh hoạt về nhận thức, có kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, có khả năng thích nghi và chuyển đổi cao. Thế sao phải đẩy con vào cảnh sống dở chết dở với điểm số, với thành tích!

Điểm số chỉ có giá trị một giai đoạn ngắn. Kỹ năng và khả năng mới đồng hành cùng bọn trẻ đến khi trưởng thành. Hãy quan tâm đến những trải nghiệm của con hơn là việc con vào được một ngôi trường danh tiếng. 

"Thi rớt tất cả các nguyện vọng thì học dân lập hoặc học nghề. Bầu trời vẫn xanh trên đầu và đất vẫn mãi dưới chân cơ mà? Cuộc đời của con không hề tệ đi chỉ vì thất bại trong một kỳ thi", bà Quyên cho hay và nhắn nhủ, phụ huynh đừng ngoáy sâu vào cái hố đen của con.

Một khi phụ huynh có thể hiên ngang trả lời rằng con mình học dân lập hoặc trung cấp nghề vì không đủ điểm lớp 10, không xem đó là điều tủi hổ thì mới thật sự thương con và không xem việc học là "trang sức" của mình. 

"Ngoài con đường học lớp 10 công lập, học sinh còn có những con đường rộng mở khác sau THCS. Đừng nghĩ học nghề là không đủ năng lực vào THPT mà đây là việc chúng ta có thêm quyền lựa chọn con đường phù hợp" - Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM.

Một giáo viên từng dạy học ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM chia sẻ sau khi có điểm thi thì đỗ hay rớt bố mẹ hãy ngồi xuống cùng con lên kế hoạch sắp tới. 

Con đỗ vào các trường chuyên có tiếng thì vui thôi, đừng vui quá. Vì trường nào đi nữa cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu con không nhận thức được trách nhiệm phía trước của mình để trau đồi cho kiến thức và tâm hồn. 

Nếu con thi trượt thì đây là cơ hội rất quý để dạy con bài học chấp nhận sự thất bại và vượt qua một cách mạnh mẽ nhất. Dành vài phút nhìn thẳng vào vấn đề, rồi vỗ vai nói với con thi xong rồi, hãy dành thời gian để chơi đã rồi hãy bàn hướng tiếp tục. Khi đó, hãy lắng nghe con bày tỏ các dự định... 

Ngày 19/6 Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố kết quả chấm phúc khảo kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020. Dự kiến, ngày 10/7 tới, Sở sẽ chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10 thường.

 
Hoài Nam