Bạn đọc viết:

Con trẻ hờ hững với Tết?

(Dân trí) - Ngày nay, con trẻ có vẻ rất hờ hững với Tết. Trong mắt chúng, hình như Tết đơn giản chỉ là dịp được nghỉ học, chơi game thoải mái.

Ngày xưa, Tết là dịp trẻ con mong chờ nhất vì được bố mẹ may cho quần áo mới, được thưởng thức các món ăn ngon hơn mọi ngày, được theo chân người lớn đi chúc tụng khắp nơi. Trong làng, ngoài phố, đâu đâu cũng tíu tít trẻ con tụm năm tụm ba đùa nghịch. Người lớn tất bật bao nhiêu thì trẻ con hớn hở bấy nhiêu.

Nhưng ngày nay, con trẻ có vẻ rất hờ hững với Tết. Trong mắt chúng, hình như Tết đơn giản chỉ là dịp được nghỉ học, chơi game thoải mái.

Gia đình chồng tôi có 10 đứa cháu nội ngoại xấp xỉ tuổi nhau. Ngày thường mỗi đứa một nơi, chỉ những dịp lễ tết mới gặp nhau đầy đủ. Tôi những mong chúng sẽ chơi đùa với nhau để gắn kết tình anh em họ hàng nhưng đành “bất lực”. Vì mỗi đứa ôm một cái điện thoại, cắm cúi mê mải với thế giới của riêng mình. Con trai tôi bị mẹ cấm dùng điện thoại, không có ai chơi cùng thì ngồi xem ké rồi ấm ức oán trách mẹ cứng nhắc, không hiểu gì về trẻ con thời công nghệ.

Đến chúc Tết các gia đình khác, tôi cũng gặp cảnh tương tự như vậy. Hình như bây giờ ở đâu có trẻ con là ở đó thấy chúng ngồi lỳ bên cái điện thoại. Ai đến chẳng biết, ai về chẳng hay, khi được người lớn mừng tuổi thì chúng mới miễn cưỡng ngẩng mặt lên, nói chiếu lệ một hai câu cảm ơn rồi lại cúi xuống tiếp tục với những trò bắn phá vô bổ trên màn hình. Nhiều lúc cảm giác như việc mừng tuổi đang làm phiền chúng vậy.

Đâu rồi không khí trẻ con hớn hở khi nhà có khách, xúm xít chạy lại nhận tiền lì xì của người lớn, đâu rồi cảnh bọn trẻ nô đùa, chạy nhảy ngoài sân. Cũng xa vắng hẳn tiếng nạt nộ, trách mắng nhẹ nhàng của người lớn với đám trẻ đang bày trò nghịch ngợm ngày Tết. Bởi bây giờ chúng đã có một người trông giữ tuyệt vời là chiếc điện thoại với những trò chơi điện tử. Từ đứa lớn đến đứa bé, đứa chưa biết chữ đến đi học rồi đều chung một sở thích và sở trường là chơi game nhoay nhoáy, chẳng cần ai dạy.

Thật buồn làm sao! Thật ái ngại, lo lắng cho một thế hệ con trẻ thờ ơ với ngày Tết cổ truyền. Rồi sau này lớn lên chúng sẽ có gì để nhớ, để hướng về, duy trì và gìn giữ những cái tết của cha ông?

Nhưng trách trẻ một thì trách bố mẹ chúng mười vì họ mới chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự vô cảm của trẻ. Nhiều người không hiểu được tác hại của việc chơi game là gì, chúng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm hồn, tình cảm của trẻ như thế nào nên thản nhiên cho con dùng điện thoại thoải mái, thậm chí trao quyền mỗi đứa sở hữu một chiếc.

Thay vì kéo con vào những hoạt động phong phú, hữu ích của ngày Tết như tập lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, vào bếp xem mẹ nấu nướng, nhìn bố bày biện trang hoàng phòng khách thì người lớn lại để chúng chìm đắm với mấy trò linh tinh trong điện thoại.

Thay vì hướng dẫn con nói năng lễ nghĩa khi có người đến chúc Tết thì lại tặc lưỡi cho con đóng cửa phòng ngồi chơi game. Chẳng ai muốn bỏ công sức giảng giải để con hiểu ý nghĩa của ngày Tết là sum họp gia đình, là thành kính biết ơn ông bà tổ tiên, là mọi người được gặp gỡ nhau sau một năm dài bận rộn, xa cách. Cũng chẳng ai bận tâm nói cho chúng biết Tết là thời điểm để chúng ta ước mơ, hi vọng nhiều hơn vào một năm mới tốt lành. Vì muốn được yên thân, muốn được rảnh tay làm những việc khác mà cha mẹ sẵn sàng bỏ quên con cho thế giới ảo.

Hà Đông

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm