Con trai cầm bằng xuất sắc từ trời Tây về... trả mẹ
(Dân trí) - Trong bữa tiệc chào đón của gia đình, cậu con trai cầm tấm bằng y khoa xuất sắc phải đánh đổi cả thanh xuân mới đạt được để trả... cho mẹ.
Câu chuyện được kể lại xảy ra nhiều năm trước vẫn làm nóng một sự kiện về nuôi dạy con ở TPHCM mới đây.
Người kể chuyện cho biết, lần đó, vợ chồng người bà con mời chị đến dự bữa tiệc mừng con trai họ trở về sau gần 8 năm du học trời Tây. Bữa tiệc được tổ chức linh đình, long trọng tại một nhà hàng ở trung tâm.
Sau khi xuất sắc đỗ đại học về lĩnh vực y khoa, đến năm thứ 2, nam sinh viên con ngoan trò giỏi đó lên đường đi du học theo chuyên ngành này. Xong đại học, cậu tiếp tục hoàn thành xuất sắc chương trình sau đại học.
Nhiều năm qua, facebook của người mẹ thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh về lộ trình, kết quả học tập đáng ngưỡng mộ của con trai. Chị và chồng cũng đã nhiều lần bay sang Úc chúc mừng con trong những dịp đặc biệt khi cậu hoàn thành các công trình nghiên cứu, bảo vệ luận văn...
Ở cặp cha mẹ ấy toát lên niềm hạnh phúc, tự hào, mãn nguyện khi nhắc đến con trai. Cậu trở thành chuẩn mực "con nhà người ta" về thành tích học hành.
Và câu chuyện không ai ngờ tới diễn ra tại buổi tiệc mừng cậu hoàn thành xuất sắc chương trình học sau đại học, trở về.
Bạn bè, họ hàng có mặt đông đủ, ai ai cũng chuẩn bị hoa, quà để chúc mừng nhưng chờ mãi nhân vật chính không xuất hiện. Bố mẹ gọi điện, chuông điện thoại đổ nhưng bên kia không nhấc máy, tin nhắn gửi đi đã đọc cũng không có một dòng phản hồi...
Mọi người bắt đầu nháo nhào, lo lắng nghĩ đến tình huống không hay thì... cậu trai bất ngờ đẩy cửa bước vào. Bữa liên hoan lập tức bắt đầu với "mưa" chúc mừng, tri ân, cảm tạ.
Tại đây, cậu con trai cầm tấm bằng xuất sắc của mình... trao cho người mẹ, nói "đây là công lao của mẹ". Người mẹ hạnh phúc vô ngần, vừa ôm lấy con thì tiếng cháu dõng dạc qua micro: "Con đã hoàn thành xong nhiệm vụ học cho mẹ. Hôm nay, con có mặt ở đây để trả bằng cho mẹ, con còn rất nhiều việc phải làm".
Cậu con trai ngoan giỏi cũng nói thêm, từ đầu giờ đã ngồi uống cà phê ngay phòng bên cạnh. Ngồi đó, cậu quan sát bố mẹ đang không ngơi nghỉ kể về thành tích của mình và quan sát mọi người... đang ăn mừng cho mình.
Nói rồi cậu rời khỏi nhà hàng, bỏ lại sau lưng sự bấn loạn của bố mẹ cùng nỗi ngơ ngác của mọi người dự tiệc.
Lúc đó, mọi người mới hay, bao nhiêu năm qua, cậu chạy theo con đường, lộ trình của bố mẹ, đặc biệt là của mẹ đặt ra. Người mẹ vẽ sẵn tất cả mọi thứ cho con, từng bước một, phải vào đại học nào ở trong nước, đi du học, học sau đại học ngành y... dù con trai nhiều lần nói không thấy yêu thích ngành này.
Mọi thứ từ thủ tục, giấy tờ, tài chính cho đến chọn ngành, chọn trường chị đều chuẩn bị sẵn, con chỉ việc "cứ vậy mà theo".
Vắt kiệt cả thanh xuân để thực hiện tâm nguyện, yêu cầu của bố mẹ, sau khi trả bằng cho mẹ, cậu trai đi học nghề... pha chế, công việc ước mơ từ bé của cậu.
Việc bắt đầu lại không hề dễ dàng khi cậu đã lớn tuổi, thiếu đi sự nhanh nhạy trong cảm nhận hương vị. Đặc biệt ở tuổi này, tay chân cứng, không còn mềm mại để luyện tập và biểu diễn những bài Flair bartending (biểu diễn pha chế đồ uống).
Gần 3 năm qua, cậu trai ngoài 30 tuổi kiên trì công việc tại một nhà hàng Pháp, vẫn không ngừng luyện tập với hy vọng bù đắp phần nào cho hạn chế tuổi tác của mình. Cũng từng đó thời gian, cậu không về nhà gặp bố mẹ, dù sống cùng thành phố.
Có người xì xào cậu trượt dài sau con đường học hành. Cũng đúng, nhưng với đứa con ấy, đó hành trình tìm lại chính mình, sống cho cuộc đời của mình.
Theo cách này hay cách khác, những đứa trẻ sẽ trả lại kết quả, thành tích học tập khi động lực đến từ kỳ vọng, áp lực và cả sự áp đặt thô bạo từ bố mẹ chứ không phải đến từ bên trong mình.
Điều này phần nào lý giải cho thực tế, Việt Nam có rất nhiều học sinh giỏi, học sinh xuất sắc nhưng ít có sự bứt phá hay thăng hoa trong nghề nghiệp.
Trong cuốn sách "Khởi nghiệp cuộc đời", tác giả, TS Nguyễn Vinh Quang chia sẻ, quá trình tư vấn cho các bạn trẻ đi du học, ông gặp rất nhiều trường hợp phụ huynh Việt Nam luôn cố gắng trải sẵn cho con một con đường, một bến đỗ họ cho là an toàn, là tốt nhất.
Nhưng có khi họ quên mất rằng, người trực tiếp thực hiện và thụ hưởng quá trình đó chính là các con. Nhiều bố mẹ chọn thay, làm thay con mà quên đi chức năng chính của mình là đồng hành, hỗ trợ; quên mất rằng đứa trẻ phải là người chủ động với con đường, với cuộc đời của chúng.
Có bao giờ bố mẹ chấp nhận rằng, cuộc đời của con trẻ không chỉ có thành tích. Hầu hết con cái của chúng ta là những đứa trẻ rất bình thường, không xuất sắc, không nổi trội, không thành công rực rỡ...
Câu chuyện "trả bằng cho mẹ", theo phân tích của một nhà nghiên cứu tâm lý, khi trẻ bị bố mẹ áp đặt, không được nêu ý kiến, quan điểm và cả đưa ra giải pháp trong các vấn đề của mình nghĩa là con "thua" bố mẹ chứ không phải "nhà có phúc" như suy diễn thông thường.
Nghe thật tàn nhẫn nhưng có thể lắm, một ngày bọn trẻ sẽ trả đũa và có khi là trả đũa ngay trên thân thể, cuộc đời của chúng...